Sinh viên Bình Định hứng thú trò chuyện khoa học với GS Michel Mayor

(Dân trí) - Chiều 24/4, tại Trung tâm văn hóa tỉnh Bình Định, gần 1.000 học sinh, sinh viên đã có buổi trò chuyện, giao lưu khoa học đầy thú vị với GS Michel Mayor, Trường ĐH Geneva - Thụy Sĩ, về chủ đề “Những thế giới khác trong vũ trụ”.

Tại buổi trò chuyện, GS Mayor đã thuyết trình về cơ chế hình thành hệ Mặt trời, các hành tinh trong hệ Mặt trời, có bao nhiêu hành tinh như Trái đất trong vũ trụ, các khám phá về những hành tinh ngoài hệ Mặt trời. Sự đa dạng của các hệ hành tinh, cách thức quan sát hành tinh và các công nghệ để quan sát.

GS. Mayor nói chuyện với học sinh, sinh viên và công chúng yêu thiên văn học tỉnh Bình Định.
GS. Mayor nói chuyện với học sinh, sinh viên và công chúng yêu thiên văn học tỉnh Bình Định.

Những câu hỏi mà các nhà khoa học muốn trả lời trong một vài thế hệ tiếp theo trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học này là: Nguồn gốc của sự sống trong vũ trụ là như thế nào? Liệu chúng ta có thể tìm thấy những hành tinh mà ở đó có điều kiện có sự sống hay không? Chúng ta có thể khám phá được những dấu hiệu của sự sống bên ngoài của những hành tinh ngoài hệ Mặt trời hay không? Chúng ta cần phải tìm những anh em sinh đôi của Trái đất...?.

GS Mayor giới thiệu cho các bạn trẻ biết thêm: Trong hệ mặt trời có 2 tập hợp hệ hành tinh: Những hành tinh nhỏ gần bằng mặt trời gồm: sao Thủy, sao Hỏa, Trái đất, sao Kim và 4 hành tinh lớn nằm xa hơn gồm: sao Mộc, sao Thổ, sao Hải Vương và sao Thiên Vương.

Những câu hỏi về hành tinh ngoài hệ Mặt trời đã được các nhà triết học thảo luận cách đây hàng ngàn năm đã đề cập đến. Có thể có rất nhiều hành tinh ngoài hệ Mặt trời, thậm chí có thể có cả sự sống của loài người.

Những hành tinh là một chuỗi rất phức tạp có nhiều sự ngưng tụ của những đám mây, những hạt khí bụi sau đó hình thành nên hành tinh...

Hàng ngàn học sinh, sinh viên và những người yêu thiên văn học đến nghe GS Mayor nói chuyện.
Hàng ngàn học sinh, sinh viên và những người yêu thiên văn học đến nghe GS Mayor nói chuyện.

GS Mayor còn đưa ra giả sử: Trong tương lai một vài năm nữa, chúng ta tìm ra được một hành tinh giống Trái đất thì liệu chúng ta có thể nói được rằng có sự sống trên hành tinh đó hay không. Dĩ nhiên, chúng ta không thể gửi phi thuyền trực tiếp lên hành tinh đó vì nó quá là xa. Chỉ có cách duy nhất là phân tích những ánh sáng được phát ra từ các hành tinh đó thì chúng ta mới xác định được sự sống trên hành tinh đó. 

Bên cạnh đó, GS Mayor cũng nói về những khó khăn và cơ hội thành công trong việc săn tìm những hành tinh tương tự Trái đất để giải đáp những thắc mắc của con người về việc có hay không những nền văn minh và sự sự sống khác trong vũ trụ.

Đặc biệt, tại buổi giao lưu, trò chuyện có rất nhiều câu hỏi thú vị liên quan đến sự tồn tại, hình thành của Trái đất cũng như có hay không sự tồn tại của các hành tinh khác trong vũ trụ được đặt ra để GS Mayor trả lời.

Có bạn đặt ra câu hỏi: Vì sao ban đêm khi trời càng tối chúng ta nhìn thấy hàng ngàn ngôi sao, có ngôi sao lớn, ngôi sao nhỏ sáng trên bầu trời. Vậy những ngôi sao đó có thuộc hệ mặt trời hay không? Nó cách chúng ta khoảng bao xa?...  

GS Mayor khẳng định: Tất cả các ngôi sao chúng ta nhìn thấy đó nó không thuộc hệ Mặt trời mà chỉ một vài hành tinh, còn những ngôi sao đó đều thuộc dải ngân hà mà trong dải ngân hà có hàng tỉ ngôi sao.

Có bạn lại dí dỏm hỏi: Giáo sư nghĩ gì về những tin đồn “Ngày tận thế”. Đáp lại sự tò mò cũng như thắc mắc của các bạn trẻ, GS Mayor lạc quan nói tất cả chúng ta đều tin tưởng Trái đất sẽ tồn tại vĩnh viễn. Ngày tận thể chỉ là kết thúc một chu kỳ 5.125 năm trong lịch của người Maya cổ.

Các bạn trẻ vui mừng được chụp hình kỷ niệm với GS Mayor.
Các bạn trẻ vui mừng được chụp hình kỷ niệm với GS Mayor.
 
Lãnh đạo tỉnh Bình Định và nhiều bạn trẻ chụp hình lưu niệm với GS Mayor và GS Trần Thanh Vân.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định và nhiều bạn trẻ chụp hình lưu niệm với GS Mayor và GS Trần Thanh Vân.

Rất nhiều câu hỏi được các bạn học sinh, sinh viên đưa ra như: Nếu một ngày nào đó Trái đất không tồn tại thì con người sẽ như thế nào? Liệu có một hành tinh khác đang tồn tại di chuyển và đâm thẳng vào Trái đất hay không ?...

GS Michel Mayor (sinh ngày 12/1/1942) là nhà vật lý thiên văn người Thụy Sĩ, hiện là giáo sư khoa Vũ trụ học Đại học Geneva. GS Mayor tốt nghiệp đại học ngành Vật lý tại ĐH Lausanne và lấy học vị tiến sĩ về Vật lý thiên văn tại ĐH Geneva. Từ năm 1998-2004, ông giữ chức vụ giám đốc đài quan sát Geneva. Ông còn là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Pháp và Mỹ.

GS Mayor cũng là người đầu tiên tìm ra hành tinh ngoài Hệ Mặt trời 51 Pegasi b. Khám phá của ông đã tác động đến lý thuyết hình thành các hệ hành tinh và mở ra hướng nghiên cứu mới trong thiên văn hiện đại. Ông đã được trao nhiều giải thưởng quốc tế trong sự nghiệp nghiên cứu của mình và được nhiều đại học danh tiếng trên thế giới trao bằng giáo sư danh dự. Ông cũng là một trong những giáo sư nằm trong danh sách ngắn của Hội đồng Nobel.

Doãn Công