Sinh viên Australia bị đánh trượt vì sử dụng ChatGPT "làm bài hộ"

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Một sinh viên đại học danh tiếng tại Australia đã bị phát hiện sử dụng chatbot trí tuệ nhân tạo để viết bài luận.

Một sinh viên Đại học New South Wales, Australia, đã trở thành người Australia đầu tiên trượt kỳ thi viết vì sử dụng chatbot trí tuệ nhân tạo để gian lận.

Sinh viên này thú nhận đã sử dụng ChatGPT của OpenAI để viết bài luận sau khi một giảng viên nghi ngờ bài thi của sinh viên là sản phẩm do AI tạo ra.

ChatGPT, viết tắt của Chat Generative Pre-training Transformer, là một chatbot do OpenAI phát triển. Về cơ bản, Chat GPT là một công cụ chatbot AI có thể trả lời rất nhiều loại câu hỏi.

Công chúng bắt đầu có thể sử dụng ChatGPT vào tháng 11/2022. Công cụ này đã thu hút được hàng triệu người dùng trên toàn thế giới và có thể thực hiện những văn bản rất giống với con người tạo ra.

Sinh viên Australia bị đánh trượt vì sử dụng ChatGPT làm bài hộ - 1

Nhiều giáo viên lo ngại học sinh, sinh viên gian lận bằng chatbot AI (Ảnh minh họa: Freepik).

Giáo sư Trí tuệ nhân tạo Toby Walsh tại Đại học New South Wales, Australia, cho biết, các trường học và trường đại học hiện đang tìm mọi cách để ngăn chặn học sinh, sinh viên sử dụng công nghệ để gian lận. Nhiều trường học ở Australia đã chặn quyền truy cập vào ChatGPT trên mạng internet của trường học.

Giáo sư Walsh tin rằng, cách hữu hiệu để ngăn chặn học sinh, sinh viên gian lận bằng công nghệ là yêu cầu học sinh nộp bài tập, bài kiểm tra viết tay.

"Cấm truy cập vào các trang web là hoàn toàn vô ích vì học sinh, sinh viên đủ thông minh để giải quyết vấn đề đó. Bạn phải đặt chúng trong một căn phòng không thể truy cập internet, chỉ có bút và giấy và không có công nghệ. Chúng tôi không thể cho học sinh, sinh viên mang bài về nhà làm nữa.

ChatGPT tinh vi đến mức có thể dễ dàng trốn tránh các cách kiểm tra đạo văn truyền thống - vốn đã có hiệu lực tại các trường đại học ở Australia trong gần hai thập kỷ vừa qua. Đó là bởi vì mỗi lần bạn gõ cùng một loại câu hỏi, bạn sẽ nhận được một câu trả lời khác nhau", giáo sư Walsh nói.

Các cuộc họp bất thường đã được tổ chức tại Đại học New South Wales, Australia, gần đây và nhiều trường học khác cũng đã có những cuộc họp tương tự để thảo luận về cách đối phó với việc học sinh, sinh viên gian lận bằng ChatGPT.

Tuy nhiên, trong khi công nghệ đặt ra những mối quan tâm, lo lắng nghiêm trọng đối với những người làm trong lĩnh vực giáo dục thì cũng có người nhận ra những mặt tích cực lớn.

Bác sĩ người Australia, Tiến sĩ Prithvi Santana, người vừa tốt nghiệp Đại học New South Wales, thừa nhận anh vừa vui mừng vừa sợ hãi về tương lai nghề nghiệp của mình sau khi thử sử dụng AI để chẩn đoán cho bệnh nhân.

Tiến sĩ Prithvi Santana đã sử dụng ChatGPT và đưa ra câu hỏi đơn giản về tình trạng của bệnh nhân. Sau đó anh đã nhận được thông tin chẩn đoán khá chi tiết.

Trên mạng xã hội TikTok, bác sĩ Prithvi đã chia sẻ danh sách AI đề xuất thực hiện xét nghiệm, chẩn đoán bệnh bằng các gạch đầu dòng rõ ràng và ngắn gọn.

Theo DM