Singapore đào tạo kỹ năng nghề cho giới trẻ, đón đầu xu hướng thời đại 4.0

Lệ Thu

(Dân trí) - Các chuyên gia dự báo, 1/5 lực lượng lao động toàn thời gian của Singapore sẽ bị thay thế việc làm nghề nghiệp vào năm 2028 do sự xuất hiện các công nghệ tiên tiến của cách mạng 4.0.

Singapore được đánh giá là một trong những thị trường kinh tế mở năng động và phát triển bậc nhất khu vực châu Á. Đây là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về đổi mới do môi trường pháp lý ổn định và hiệu quả, hệ thống giáo dục tiên tiến và tỷ lệ thất nghiệp thấp (2,1% vào năm 2017).

Các chuyên gia dự báo, 1/5 lực lượng lao động toàn thời gian của Singapore sẽ bị thay thế việc làm vào năm 2028 do sự xuất hiện các công nghệ tiên tiến của cách mạng 4.0.

Trước thực trạng đó, Chính phủ Singapore đã áp dụng một hệ thống lập kế hoạch tập trung để đánh giá những thay đổi của thị trường lao động và chuẩn bị lực lượng lao động cho các yêu cầu thay đổi của thời đại.

Tuy nhiên, với dân số ngày càng già hóa và xu hướng nghỉ hưu sớm ngày càng tăng của đội ngũ công nhân lành nghề, Chính phủ Singapore tập trung đề ra các giải pháp khuyến khích những công nhân lành nghề tham gia lâu hơn vào thị trường lao động cũng như đào tạo kỹ năng nghề, nâng cao trình độ cho giới trẻ nói riêng và người lao động nói chung.

Nâng cao năng lực, đào tạo các kỹ năng phù hợp với thị trường

Chính phủ Singapore đã tổ chức các khóa đào tạo về Kỹ năng tương lai thông qua Chương trình "Skills Future Singapore" (SSG) được triển khai lần đầu vào năm 2015. SSG thực hiện các cuộc khảo sát thường xuyên với các cá nhân và công ty tư nhân để tiến hành lần vết những người đã tham gia các khóa đào tạo nói trên. Khảo sát này cũng được mở rộng với các đối tượng tham gia các khóa học do Bộ Giáo dục và SSG tài trợ.

Singapore đào tạo kỹ năng nghề cho giới trẻ, đón đầu xu hướng thời đại 4.0 - 1

Dự báo 1/5 lực lượng lao động toàn thời gian của Singapore sẽ bị thay thế việc làm nghề nghiệp vào năm 2028.

SSG cũng triển khai Chương trình "Earn and Learn Program" tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có thể tuyển dụng những sinh viên mới tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm để làm việc, kết hợp đào tạo kỹ năng theo công việc tương ứng.

Chương trình đã nhận được sự tham gia đông đảo của các sinh viên bởi tính sáng tạo và khả năng cung cấp những kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động đang thay đổi nhanh chóng, điều mà họ không được trang bị trong môi trường học tập.

Bên cạnh việc đào tạo kỹ năng cho giới trẻ, Singapore cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề giới trong công việc. Khoảng cách giới ở Singapore nghiêm trọng hơn ở Philippin, Lào hay các nước khác; ảnh hưởng đến việc tuyển dụng, tiền lương và cơ hội thăng tiến đối với phụ nữ.

Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm trầm trọng hơn tình trạng này và hạn chế sự tham gia của lao động nữ vào các ngành nghề công nghệ cao, các ngành nghề mới nổi.

Cũng như các quốc gia khác trong khu vực ASEAN, tỷ lệ lao động nữ ở Singapore tham gia vào các lĩnh vực STEM tương đối thấp (chỉ 25%) trong khi nữ giới chiếm 45% lực lượng lao động và 50% tổng số sinh viên theo học tại các trường đại học. Chính vì vậy, Chính phủ đã tạo điều kiện để phụ nữ được tiếp cận với nhiều sáng kiến đào tạo lại và nâng cao kỹ năng, đặc biệt là thông qua các mạng lưới.

Một trong những mạng lưới đó là "Women in Tech Singapore", nơi tập hợp và kết nối những phụ nữ yêu thích hoặc quan tâm đến các lĩnh vực STEM. Ngoài ra, "Girls in Tech Singapore" cũng là một tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu hoạt động nhằm giảm bất bình đẳng giới trong các ngành công nghệ cao và các doanh nghiệp.

Các mạng lưới này góp phần hỗ trợ và thúc đẩy cơ hội việc làm trong lĩnh vực STEM cho lao động nữ, trang bị những kỹ năng, kiến thức cần thiết để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của cách mạng 4.0.

Singapore đào tạo kỹ năng nghề cho giới trẻ, đón đầu xu hướng thời đại 4.0 - 2

Bên cạnh việc đào tạo kỹ năng cho giới trẻ, Singapore cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề giới trong công việc.

Các chính sách để cải thiện tổng quan thị trường lao động

Chính phủ nước này tập trung xây dựng kế hoạch dài hạn với sự hợp tác "ba bên" giữa Chính phủ, khu vực tư nhân và đại diện người lao động. Một số Hội đồng/ Ủy ban đã được thành lập như: Hội đồng Kỹ năng, Đổi mới và Năng suất; Ủy ban về nền Kinh tế tương lai; Hội đồng Kinh tế tương lai…

Trong đó Ủy ban Kinh tế tương lai gồm 05 Bộ trưởng Nội các và 25 thành viên hàng đầu của khu vực tư nhân sẽ đưa ra các khuyến nghị đối với Chính phủ và được thực hiện bởi Hội đồng Kinh tế tương lai (do Phó Thủ tướng Heng Swee Keat làm Chủ tịch gồm các thành viên từ Chính phủ, doanh nghiệp, liên đoàn lao động, các học viện và các cơ sở đào tạo).

Trong thời gian qua, Hội đồng kinh tế tương lai đã phát triển Bản đồ chuyển đổi ngành nghề để từ đó lập biểu đồ chiến lược cho 23 ngành công nghiệp thuộc 6 cụm công nghiệp chiếm hơn 4/5 GDP của Singapore. Các Hội đồng, Ủy ban họp thường xuyên để dự báo xu hướng phát triển trong thời gian 3-5 năm tới và đề xuất các quy định có liên quan.

Đổi mới hệ thống để cải tiến nền kinh tế sáng tạo

Singapore được đánh giá là một trong những nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới tính đến năm 2019 và được công nhận là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về ý tưởng, văn hóa doanh nhân, sự cởi mở và linh hoạt.

Cách tiếp cận của Chính phủ Singapore đối với vấn đề đổi mới tương đối cởi mở, cho phép các ý tưởng mới và công nghệ mới được thử nghiệm và hoàn thiện trong giới hạn do Nhà nước đặt ra, trong đó các cơ quan quản lý sẽ làm việc trực tiếp với doanh nghiệp và người lao động để xác định cách thức tốt nhất quản lý các sáng kiến mang tính đột phá và có sức ảnh hưởng lớn.

Cách tiếp cận này đôi khi khiến Singapore trở nên khác biệt với các nền kinh tế khác trong khu vực. Các nhà hoạch định chính sách Singapore cũng nhận được sự tư vấn của các tổ chức như Trung tâm Chiến lược tương lai, gồm một nhóm các thành viên thuộc Văn phòng Thủ tướng sử dụng các quy trình lập kế hoạch theo kịch bản để phân tích các kết quả có thể xảy ra trong vòng 20 năm tới và các vấn đề cấp bách cụ thể.

Singapore là một quốc gia nhỏ chỉ với gần 6 triệu dân nên phụ thuộc rất nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu để duy trì nền kinh tế trong nước. Do đó, hội nhập toàn cầu được xác định là một trong các lĩnh vực chiến lược của Ủy ban về nền Kinh tế tương lai, trong đó tập trung tạo điều kiện cho thị trường tự do và cởi mở, tăng cường liên kết với các đối tác quốc tế và chống lại chủ nghĩa bảo hộ.

Nhận thức được rằng các khía cạnh của nền kinh tế tương lai nằm ở các dịch vụ kỹ thuật số, trong đó các quy tắc và chuẩn mực quốc tế cho loại hình thương mại này vẫn đang được xác định, Singapore đã cố gắng định vị mình như một nhà lãnh đạo về tư tưởng và quy định về thương mại kỹ thuật số toàn cầu.

Tháng 5/2019, Singapore đã ký "Hiệp định Đối tác Kinh tế kỹ thuật số" bất thường với Chile và New Zealand nhằm mục đích "thiết lập các tiêu chuẩn hướng tới tương lai về thương mại kỹ thuật số và các phương pháp tiếp cận quốc tế mới để hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số và thương mại trong kỷ nguyên kỹ thuật số".

Trong khi một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới đang lúng túng tìm hướng đi mới để thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0 thì Singapore rất tự tin và chủ động, sẵn sàng đón đầu làn sóng mới này.

Đúng như lời Thủ tướng Lý Hiển Long đã phát biểu về tương lai của ASEAN nói chung và Singapore nói riêng trước cánh cửa 4.0: "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một cuộc cách mạng năng động và là quá trình liên tục.

Chúng tôi không thể dự đoán chính xác nó sẽ diễn ra như thế nào, nhưng tôi lạc quan về tương lai của ASEAN vì ASEAN có sức mạnh cạnh tranh và bằng cách tổng hợp các ý tưởng và nguồn lực của chúng tôi và hội nhập các nền kinh tế của chúng ta, chúng ta sẽ ở một vị trí mạnh mẽ, đi trên làn sóng thứ tư này để mang lại lợi ích hữu hình cho nền kinh tế và dân tộc của chúng ta".