Sĩ tử cần làm gì để thích ứng với phương án tuyển sinh mới

Bên cạnh xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia, tổ hợp môn truyền thống, tổ hợp môn mới thì nhiều trường công bố bỏ xét tuyển khối các môn khoa học xã hội. Chỉ còn 4 tháng để ôn luyện, các sĩ tử phải làm gì để thích ứng với những thay đổi này.

Ôn luyện trong 4 tháng

Theo Dự thảo Đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2017 công bố mới đây, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã lên phương án xét tuyển sinh với tổ hợp mới có cả môn Vật lý và môn Năng khiếu báo chí. Khối ngành Công an và quân đội năm 2017 vẫn sử dụng kết quả thi THPT quốc gia của Bộ GD-ĐT để xét tuyển. Tuy nhiên, đầu tháng 2 vừa qua, các trường Công an nhân dân công bố phương án tuyển sinh hệ chính quy năm 2017 vào các trường công an không có tổ hợp môn Văn - Sử - Địa, nhiều ngành thay thế tổ hợp D1, A1 vào xét tuyển...

Việc ở rộng tổ hợp môn xét tuyển vừa được cho là tạo thuận lợi lại vừa là thử thách cho một số thí sinh. Theo thầy Phạm Trọng Hiếu, giáo viên tiếng Anh tại Hệ thống giáo dục Hocmai thì chỉ còn 4 tháng nữa, các em sẽ bước vào kì thi THPT quốc gia, nên khi các trường ĐH công bố tổ hợp môn xét tuyển mới, trong đó có thêm môn Tiếng Anh thì thầy đã nhận được khá nhiều câu hỏi của học sinh như “Thầy ơi cứu em” hay “Thầy ơi học 4 tháng từ con số 0 liệu có đạt 6-7 điểm không?”.

Thầy Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy luyện thi THPT quốc gia môn Hóa học chia sẻ, “không phải là sẽ không thể thi được, tuy nhiên thời gian 4 tháng là một thử thách lớn, các bạn mất gốc nếu ôn luyện tập trung 100% có thể cố đến 5-7 điểm. Quan điểm của thầy là các em cần suy nghĩ thật kỹ khi chọn ngành và chọn tổ hợp môn sẽ xét tuyển đúng với khả năng của mình. Cố gắng đừng đánh rơi 1 năm tuổi trẻ của mình nhé! Còn nếu đủ quyết tâm, các em hãy chứng minh là tôi sai”.

Cần có lộ trình học khoa học

Năm nay, những bạn đang tập trung ôn tổ hợp xã hội bất ngờ phải quay sang “cân” lại tổ hợp tự nhiên hay những bạn đang tự tin với tổ hợp tự nhiên thì lại phải lao ngay vào tổ hợp xã hội. Và rồi rõ ràng, tỷ lệ thí sinh chọn KHTN càng nhiều thì cánh cửa vào trường đại học tuyển sinh vào khối ấy lại càng hẹp. Song song với đó, nhiều trường bỏ khối xã hội, nhiều trường xã hội mở thêm tự nhiên làm cho các thí sinh theo khối xã hội vốn đã có ít lựa chọn nay càng ít hơn.

Từ năm 2018, các bài thi THPT quốc gia sẽ bao gồm cả kiến thức lớp 11. Bởi vậy, để tránh việc học lệch học, học tủ như một số học sinh ở trên, thầy Phạm Trọng Hiếu cho rằng, các thí sinh của năm 2018 (tức năm nay đang học lớp 11) cần phải xây dựng kiến thức nền tảng vững vàng ngay từ bây giờ vì tiếng Anh hay bất kỳ môn học nào cũng là sự tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau nên nếu có nền tảng vững vàng thì việc ôn tập cũng sẽ cực nhàn.


Thầy Phạm Trọng Hiếu.

Thầy Phạm Trọng Hiếu.

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Ngọc Hải - giảng viên Trường Đại học Công Đoàn, giáo viên có 20 năm kinh nghiệp dạy luyện thi Đại học môn Vật lí, cho biết, ngay từ khi bắt đầu ôn tập và luyện thi với các em học sinh lớp 11 chuẩn bị lên lớp 12, chúng tôi đều chú trọng đến việc củng cố kiến thức nền tảng, giúp các em có đà mở rộng kiến thức ôn luyện. Các em có thể bám vào chu trình học tập 4 giai đoạn để lên kế hoạch học tập cho bản thân, cụ thể là 4 giai đoạn: Xây vững nền tảng; Ôn luyện toàn diện; Luyện mọi dạng bài và Ôn luyện chọn lọc.


Thầy Nguyễn Ngọc Hải.

Thầy Nguyễn Ngọc Hải.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cũng cho rằng Bộ GD-ĐT nên có sự cân nhắc với Đề án tuyển sinh của các trường. Thầy Đặng Ngọc Khương, giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT Chuyên ngữ - ĐHQGHN, cho rằng, các trường có ý định thay đổi tổ hợp môn thi thì cũng nên thông báo sớm hoặc dành một số chỉ tiêu của ngành đó xét tuyển theo các môn cũ để thí sinh kịp thời ôn tập.