Thứ trưởng Bộ GD-ĐT:

Sẽ “quét” hết những vật dụng công nghệ cao trong phòng thi ĐH

(Dân trí) - Chỉ còn 3 ngày nữa, hàng trăm nghìn thí sinh trên cả nước sẽ bước vào thi đại học đợt 1. <i>Dân trí</i> vừa có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga về đề thi, chống tiêu cực trong thi đại học, gian lận công nghệ cao…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga.
 
Ngày 29/6, Bộ GD-ĐT đã ra Thông tư sửa đổi, bổ sung Quy chế thi ĐH, CĐ. Theo đó, lần đầu tiên Bộ đưa vào một quy chế liên quan đến thi cử vấn đề Xử lý thông tin phản ánh về tiêu cực trong kỳ thi - Khuyến khích thí sinh, những người tham gia công tác tuyển sinh, quần chúng nhân dân phát hiện và tố giác những hành vi vi phạm qui chế tuyển sinh. Có phải sau vụ tiêu cực ở Hội đồng thi THPT DL Đồi Ngô (Bắc Giang), Bộ đã sửa đổi quy chế?

Không nhất thiết là như vậy nhưng Quy chế sửa đổi thể hiện quan điểm của lãnh đạo Bộ là thi cử nghiêm túc, đảm bảo chất lượng thật của công tác đào tạo và tạo công bằng trong thi cử. Đồng thời minh bạch hóa trong thi cử để xã hội cùng tham gia giám sát và tạo niềm tin với giáo dục đào tạo.

Bởi vì lâu nay việc thi cử chỉ co cụm trong hội đồng thi, khép kín, việc sảy ra như thế nào không ai biết. Bây giờ công khai, cả quần chúng và thí sinh họ có quyền phản ánh rõ ràng. Nếu có hiện tượng tiêu cực thì các cơ quan chức năng xử lý ngay lập tức.

Tuy nhiên, trong Thông tư bổ sung có yêu cầu trách nhiệm thí sinh là không được mang vào phòng thi tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi… nhưng khuyến khích thí sinh tố cáo tiêu cực trong phòng thi. Hai quy định có vẻ ngược nhau vì người tố cáo tiêu cực phải có bằng chứng?

Bộ chỉ cấm mang vào phòng thi những vật dụng và phương tiện gian lận trong thi. Bằng chứng chống gian lận có nhiều cách khác nhau. Nhiệm vụ thí sinh là làm bài nghiêm túc. Ví dụ, giám thị nghiêm túc, thí sinh làm bài nghiêm túc thì không có bằng chứng gì. Mục đích của Bộ là cán bộ và thí sinh giám sát lẫn nhau cả 2 phía, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thi, tạo điều kiện phản ánh tiêu cực trong thi.

Mục đích khuyến khích tiêu cực là phòng ngừa và phản ánh tiêu cực trong thi để giải quyết kịp thời chứ không để xong rồi mới giải quyết thì không được.

Vậy quyền lợi người tố cáo có được đảm bảo không thưa Thứ trưởng?

Thông tin và danh tính người cung cấp thông tin phải được bảo mật. Bên cạnh đó, Bộ đã bổ sung quy định Trưởng Ban Chỉ đạo tuyển sinh Bộ GDĐT, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh các trường khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng những người đã giúp chống tiêu cực trong thi cử.
 
Thí sinh được quyền giám sát cán bộ coi thi
Thí sinh được quyền giám sát cán bộ coi thi.

Năm nay, dự báo nhiều thiết bị gian lận công nghệ cao. Bộ có biện pháp gì để chống gian lận này thưa Thứ trưởng?

Vì thiết bị công nghệ cao hiện nay quá đa dạng nên Bộ không thể thống kê hết được. Trong điều sửa đổi Quy chế quy định chung là nếu thí sinh sử dụng thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi... là bị đình chỉ thi. Do không lường trước được những dụng cụ công nghệ cao nên Bộ nói chung như vậy để “quét” hết những vật dụng công nghệ cao trong phòng thi. Thí sinh có thể hiểu điện thoại di động, thiết bị ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu trữ tài liệu kể cả “thô sơ” như “phao” thi tự chế, thiết bị thu, phát… là nằm trong quy định bị cấm mang vào phòng thi.

Bên cạnh đó, Bộ yêu cầu các trường tăng cường tập huấn giám thị, trong quá trình coi thi nếu phát hiện thấy điều gì bất thường phải báo ngay Hội đồng coi thi để xử lý, không được tự xử lý như trước.

Thông tư mới mà Bộ ban hành là cả thí sinh giám sát giám thị chứ không chỉ có giám thị giám sát thí sinh. Vậy nên bắt buộc giám thị phải làm việc nghiêm túc nếu để sảy ra vấn đề gì sẽ bị xử lý rất nặng để đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, công bằng.

Như Thứ trưởng đã nói, đề thi đại học năm nay không quá dài, không khó, học sinh có lực học trung bình cũng làm được nhằm tạo ra phổ điểm đẹp, có phải như vậy để tránh dư luận nói về chất lượng đào tạo khi điểm thi của thí sinh thấp?

Chủ trương của Bộ là ra đề thi làm sao có tính phân loại cao, không quá dài, không quá khó, không đánh đố thí sinh. Có câu hỏi dễ, câu hỏi khó. Những câu hỏi khó chỉ có học sinh giỏi mới có thể làm được

Đề thi ra để những học sinh trung bình có thể làm được và tập trung ở phổ điểm 4 - 6, tạo cho các trường lựa chọn thí sinh phù hợp với mức độ đào tạo của mình. Như vậy, phổ điểm trung bình sẽ trải rộng ra chứ không để phổ điểm quá thấp như ngày trước.

Thứ trưởng có lời khuyên gì cho thí sinh trước kỳ thi đại học sắp tới?

Còn vài hôm nữa các em thi rồi nên các em cần nghỉ ngơi thật khỏe, tinh thần thoải mái đừng tạo áp lực tâm lý nặng nề trong kỳ thi này. Hãy xem như kỳ thi bình thường.

Năm nay, Bộ cho các em rất nhiều nguyện vọng, kéo dài thời gian xét tuyển. Do vậy, các em vào phòng thi làm hết khả năng của mình vì nếu các em trên điểm sàn của bộ thì rất có nhiều khả năng trúng tuyển vào học trường đại học phù hợp.

Vì đề thi có tính phân loại nên các em phải đọc kỹ đề và chọn những câu hỏi dễ làm trước chứ đừng đương đầu với câu hỏi khó sẽ mất nhiều thời gian.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Hồng Hạnh (thực hiện)