Sẽ hình thành hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp

Lệ Thu

(Dân trí) - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa ban hành Kế hoạch Truyền thông về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) giai đoạn 2021-2025, hướng tới xây dựng hệ sinh thái truyền thông về giáo dục nghề nghiệp.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ LĐ-TB&XH tập trung xây dựng, phát triển không gian truyền thông giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan thông tấn báo chí, hệ thống nền tảng số.

Đồng thời thực hiện truyền thông trên không gian công cộng: Các điểm văn hóa, du lịch, công viên, phương tiện giao thông công cộng… tiến tới xây dựng hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp.

Đối tượng truyền thông là học sinh THCS, THPT và gia đình; lao động nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã; bộ đội xuất ngũ; thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an, nghĩa vụ quân sự; Học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở GDNN; sinh viên, học viên các cơ sở giáo dục đại học; doanh nghiệp, người sử dụng lao động…

Các cấp ủy, Đảng; các cơ quan quản lý: cơ quan Quốc hội, HĐND các cấp; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp ở Trung ương, địa phương và các cơ sở GDNN; cơ quan chủ quản của các cơ sở GDNN; UBND các cấp; các tổ chức quốc tế...

Sẽ hình thành hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp - 1

Truyền thông về giáo dục nghề nghiệp trên các phương tiện giao thông công cộng.

Qua đó, truyền tải đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới người dân và toàn xã hội; lan tỏa sâu rộng hình ảnh, giá trị giáo dục nghề nghiệp trong đời sống kinh tế xã hội; nâng cao nhận thức người dân, xã hội, doanh nghiệp và cải thiện hình ảnh giáo dục nghề nghiệp; tạo sự chuyển biến trong công tác phân luồng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp…

Mục tiêu cụ thể, giai đoạn 2021-2023 sẽ xây dựng phát triển không gian truyền thông giáo dục nghề nghiệp. Giai đoạn 2024-2025: Tiếp tục phát triển không gian truyền thông giáo dục nghề nghiệp và tiến tới triển khai xây dựng, hình thành hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp.

Các nội dung cụ thể sẽ tập trung vào việc nâng cao nhận thức; quảng bá hình ảnh; tôn vinh các cá nhân, tập thể điển hình trên tất cả các phương triện và loại hình truyền thông với các phương thức phong phú, đa dạng như: Xây dựng các sản phẩm phần mềm, ứng dụng công nghệ thông tin mang tính chất truyền thông và kết hợp với chuyên môn, nghiệp vụ; biên soạn, xây dựng, phát hành các ấn phẩm, tờ rơi…; xây dựng các video clip giới thiệu, mô tả, định hướng nghề nghiệp; tổ chức các hội nghị, hội thảo, cuộc thi tuyên truyền về GDNN.

Phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hiệp hội GDNN và nghề công tác xã hội, các tổ chức đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức các hoạt động, sự kiện,... tuyên truyền cho GDNN.

Xác định rõ nhiệm vụ chính trị cần tạo đột phá chiến lược về phát triển nhân lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là đối với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Công tác truyền thông giai đoạn 2021-2025 tập trung truyền tải về nội dung: Đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; lan tỏa các thông điệp của giáo dục nghề nghiệp: Đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam; giáo dục nghề nghiệp: Thực học, thực hành - Vững khởi nghiệp, sáng tương lai; Tương lai tươi sáng cùng giáo dục nghề nghiệp…

Kinh phí hoạt động truyền thông được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và nguồn hợp pháp khác, xã hội hóa (tài trợ, viện trợ, ODA...).