Sau đầu tư "núi tiền" và chục năm đèn sách, bác sĩ tại Mỹ xong nội trú đi dạy hay làm tư?

(Dân trí) - Sau khi đầu tư cả “núi tiền” và ngót nghét hơn chục năm ròng rã đèn sách để hoàn thành bác sĩ nội trú tại Mỹ, các tân bác sĩ nội trú nên chọn con đường nào?

Những thắc mắc về hướng đi sau khi du học Y khoa tại Mỹ và hoàn thành bác sĩ nội trú được bác sĩ gốc Việt Trần Huỳnh – còn gọi là Huynh Wynn Tran (Tốt nghiệp Tiến sĩ Y Khoa ĐH New York tại Buffalo, Mỹ) chia sẻ cụ thể.

Mời các bạn trẻ Việt có con dự định theo đuổi bác sĩ nội trú nói riêng và ngành y khoa nói chung tại Mỹ tham khảo:

Sau 11-15 năm đèn sách, thức thâu đêm, học từ MCAT đến USMLE rồi Board chuyên khoa, nợ nần ngập đầu, mặt nổi mụn, tăng cân, tóc bạc, gương mặt già đi thấy rõ... Các bác sĩ (BS) nội trú Mỹ đã xong những ngày khó khăn nhất. Giờ đây, họ bước qua một chương mới của cuộc đời. Các nhân viên “săn đầu người” liên tục gọi điện, email với các lời mời làm việc cực kỳ béo bở, có khi lên đến 400,000 USD/ BS nội hoặc 900,000 USD/ BS da liễu.

Vậy các hướng đi nào cho các BS Mỹ sau khi xong nội trú?

1. Đi dạy và lên bậc giáo sư

Nếu muốn đi dạy, bạn sẽ phải đồng ý làm BS với đồng lương thấp. Nếu làm BS nội tổng quát và gia đình, mức lương để bắt đầu khoảng 110,000 -150,000 USD/năm. Nếu làm BS tổng quát thì bậc đi dạy thường là giảng viên (instructor) hoặc trợ lý/phó giáo sư (Assistant Professor).

Nếu là BS chuyên khoa sâu (sau khi đi nghiên cứu fellowship) thì bậc sẽ thường là assistant professor và lương cao hơn một chút, khoảng 130-180,000 USD/năm. Đây là dạng dành cho đi dạy và nghiên cứu toàn thời gian.

Có một dạng khác là vừa đi làm tư nhưng tự nguyện (volunteer) để dạy thêm 1-2 ngày /tháng cho trường Y. Thường các BS này sẽ có danh xưng là clinical assistant professor để phân biệt với assist professor (là giảng viên cơ hữu).

Di dạy có nhiều ưu điểm. Thường các công việc chữa bệnh do BS nội trú làm nên BS giảng dạy chủ yếu là theo dõi và chỉnh sửa. Lịch đi dạy và làm việc cũng nhẹ nhàng, khoảng 12-20 bệnh nhân/ngày cho khoa nội điều trị nội trú so với 30-40 bệnh nhân nếu làm tư bên ngoài.

Nhược điểm là phải làm nghiên cứu và công bố khoa học. Các BS ở bậc phó GS (assistant/associate professor) phải công bố một số lượng bài nghiên cứu tối thiểu hằng năm. Từ Assist Professor (Giảng viên cơ hữu) lên Associate Professor (Phó GS) là cả một quá trình vì thường được lên Associate Professor là được vào biên chế chính thức, sẽ ở luôn trong khoa, không sợ bị đuổi (tenure track).

2. Đi làm cho bệnh viện bên ngoài:

Đây là hướng phổ biến nhất ngày nay do các BS sẽ hưởng lương cố định, 4-5 tuần nghỉ dưỡng /năm, có bảo hiểm sức khoẻ. Hiện nay BS nội khoa đi làm BS bệnh viện (hospitalist) lương khởi điểm khoảng 250,000 USD/năm, có thể lên đến 400,000 USD/năm vùng sâu vùng xa. Các BS làm phòng khám gia đình khoảng 200,000-230,000 USD/năm. Nhìn chung đi làm cho bệnh viện lương cao hơn đi dạy. Công việc cũng cực hơn và phải khám số lượng bệnh nhân đông hơn. Một BS gia đình có thể khám đến 40 bệnh nhân/ngày. Các nhân viên săn đầu người liên tục tìm BS cho các công việc này vì hoa hồng rất cao. Mỗi BS được bệnh viện tuyển, họ được nhận 20,000-30,000 USD.

Bác sĩ gốc Việt Trần Huỳnh đã có 13 năm theo đuổi con đường Y học tại Hoa Kỳ.
Bác sĩ gốc Việt Trần Huỳnh đã có 13 năm theo đuổi con đường Y học tại Hoa Kỳ.

3. Mở phòng mạch tư:

Xu hướng này ngày càng ít đi vì chi phí mở một phòng mạch rất đắt, mua bảo hiểm, trả lương nhân viên, nếu không khéo thì BS sẽ không còn đồng nào cho mình. Tuy nhiên, mở phòng mạch lâu năm có thế có lợi nhuận tốt và lương phòng mạch có thể tương đương, thậm chí hơn lương của BV trả.

Làm phòng mạch tư có sự tự do về tài chính nhưng có những cái cực khác. Tôi sẽ viết kỹ hơn về chuyện này trong mục kinh doanh trong ngành y.

Quý vị muốn đi hướng nào?

Sau đầu tư "núi tiền" và chục năm đèn sách, bác sĩ tại Mỹ xong nội trú đi dạy hay làm tư? - 2

Bác sĩ Huynh Wynn Tran

(Từ Los Angeles, California, Mỹ)