Sau 3 năm học, sinh viên Sư phạm vẫn thiếu kỹ năng nghiệp vụ cần thiết

(Dân trí) - Một số kỹ năng sư phạm cần thiết của sinh viên chưa được chuẩn bị chu đáo như chữ viết, trình bày bảng còn tùy tiện, chữ quá xấu hay phát âm nhỏ và sử dụng cả từ địa phương. Đó là một thực tế được nhìn nhận trong khi tổng kết sau đợt thực hành nghiệp vụ sư phạm của sinh viên ĐH Sư phạm TPHCM.

Năm học 2013-2014, Trường ĐH Sư phạm TPHCM có 3.376 sinh viên thực hành nghiệp vụ sư phạm (THNVSP). Trong đó hơn 1.800 sinh viên tham gia rèn luyện nghiệp vụ sư phạm và trên 1.500 sinh viên thực tập sư phạm. Địa bàn thực hành chủ yếu tại các trường ở TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu (khoa Tâm lý giáo dục, khoa tiếng Nga) và Lâm Đồng.

Đánh giá kết quả, Ths Trần Văn Châu - Phó phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm TPHCM cho biết do đáp ứng nhu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, công tác thực hành nghiệp vụ được triển khai theo phương thức mới cả về hình thức tổ chức và nội dụng thực hành. Do triển khai chậm hơn mọi năm nên một số trường THPT dự kiến nhờ hướng dãn THNVSP từ chối tiếp nhận nên có sự thay đổi địa điểm, dẫn đến một số khó khăn cho sinh viên.

Sinh viên sư phạm trong ngày hội nghề nghiệp (
Sinh viên sư phạm trong ngày hội nghề nghiệp (Ảnh: Hoài Nam)

Kết quả tổng kết khá khả quan khi năm học này, sinh viên đạt điểm thực tập giỏi chiếm tỉ lệ 90,4%. Kết quả này ít nhiều còn phụ thuộc vào quan điểm đánh giá nhưng cũng khẳng định sự cố gắng của sinh viên và công tác tổ chức học phần này của nhà trường. Những giáo sinh đã cơ bản nắm được những yêu cầu cụ thể của công việc của người giáo viên ở trường THPT ngoài thực hành kỹ năng giảng dạy còn được tham gia coi thi, học làm các sổ sách, tổ chức các hoạt động giáo dục khác. Kết quả là khả năng hòa nhập với các trường phổ thông của sinh viên được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, ông Châu cũng cho rằng một số kỹ năng sư phạm cần thiết của sinh viên chưa được chuẩn bị chu đáo như chữ viết, trình bày bảng còn tùy tiện, chữ quá xấu hay phát âm nhỏ, sử dụng từ địa phương... Đây là những việc cần có sự chỉ đạo rèn luyện của các khóa đối với sinh viên ngay từ năm nhất. Ngoài ra, vẫn còn hạn chế cần khắc phục khi sinh viên đến các trường không liên tục nên mối quan hệ với học sinh chưa thân thiện gắn bó, mặt khác sinh viên đi rèn luyện nghiệp vụ sư phạm chưa tận dụng hết thời gian và điều kiện để theo dõi, gắn bó với học sinh. Một số sinh viên chưa nhiệt tình với công tác này. Cần xem lại quá trình chuẩn bị, trang bị cho snh viên nhiều kỹ năng liên quan đến lĩnh vực giáo dục và cần xem lại quan niệm, công tác giáo dục học sinh thông qua nhiệm vụ chủ nhiệm lớp.

Một đại diện của phòng giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) tỏ ra băn khoăn khi trong những năm gần đây hình thức tuyển công chức, viên chức của Sở GD-ĐT TPHCM có hai phần: thẩm tra hồ sơ và trực tiếp thi qua bài giảng. “Bản thân khi tham gia chấm thì tôi cảm thấy lo lắng về cách và phương pháp các sinh viên tham gia giảng dạy”. Liệu chăng những kết quả cao ở kỳ thực tập đúng thực tế để các em tham dự một kỳ thi tuyển công chức hay không. Trong quá trình giảng dạy bên cạnh những giáo sinh có sự đầu tư tốt thì một số em có phương pháp truyền đạt, tổ chức lớp học chưa tốt so với yêu cầu hiện nay.

Tương tự, bà Huỳnh Thị Kim Trang - Phó trưởng phòng giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM), cũng ở vai trò của đơn vị tiếp nhận những “sản phẩm” của trường sư phạm cũng cho rằng nên đánh giá chính xác năng lực của sinh viên trong quá trình thực tập, thực nghiệp sư phạm. “Không nên vì tâm lý thương mà cho các em điểm cao” mà thành ra “hại” các em vì môi trường, thời gian thực tập là cơ hội để các sinh viên nhận thấy được hạn chế của mình mà có sức phấn đấu hơn”, bà Trang bày tỏ. Ở cái nhìn của một chuyên gia giáo dục tiểu học, bà Trang cũng lưu ý rằng riêng đối với bậc tiểu học thì đòi hỏi người giáo viên phải có chữ viết thật đẹp để noi gương cho học sinh cũng như có giúp các em có thêm niềm tin với thầy cô giáo.

Ths Trần Văn Châu cũng nhìn nhận cần đổi mới quan niệm về thực hành nghiệp vụ Sư phạm. Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm phải là nhiệm vụ thường xuyên của sinh viên và giáo viên, thậm chí là  nhiệm vụ suốt đời của nghề giáo. Chính vì thế, sinh viên sư phạm phải ý thực được ngay từ khi mới vào trường để tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp mọi lục mọi nơi.

Riêng đối với cán bộ quản lý và giáo viên trường phổ thông phải xem việc tổ chức, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành nghiệp vụ sư phạm là trách nhiệm và tình cảm đối với nghề nghiệp, với sự nghiệp giáo dục.

Đại diện nhiều trường đều tỏ ra băn khoăn về thời gian sinh viên tham gia thực tập, kiến tập. Các trường phổ thông cho rằng kế hoạch đến thực tập của sinh viên không nên rơi vào thời điểm các trường thi học kỳ cũng như vào đầu năm vì giáo viên hướng dẫn bị chi phối, không tập trung tốt cả hai việc chuyên môn và hướng dẫn cho giáo sinh. Đối với thời gian cho sinh viên thực tập thì nên đẩy sớm hơn kế hoạch khoảng 2 tuần để sinh viên có thể tham gia nhiều hoạt động hơn chỉ đơn thuần đến lớp như tham gia làm sổ sách, gặp phụ huynh học sinh...

Một trong các khó khăn ảnh hưởng đến việc công tác thực tập, kiến tập của sinh viên chính là chọn thời điểm sao cho phù hợp với kế hoạch của trường ĐH Sư phạm và các trường phổ thông. Theo ông Châu đó là bài toán khó, không có lời giải duy nhất. Chính vì thế, phía phòng đào tạo trường ĐH Sư phạm đề nghị các khoa và các trường phổ thông nên linh hoạt và chọn thời điểm thuận lợi nhất cho cả hai phía trên tinh thần vì quyền lợi của sinh viên và học sinh.

Lê Phương