Quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh: Lỗi thời, xa rời thực tế

Kỷ luật trong trường học được xem như một trong những biện pháp giáo dục học sinh. Tuy nhiên, hệ thống quy định về kỷ luật trong nhà trường, vốn được ban hành từ năm 1988 đã quá lạc hậu, không theo kịp thời đại thông tin hiện nay, thậm chí còn có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đối với học sinh.

Quy định về khen thưởng, kỷ luật học sinh: Lỗi thời, xa rời thực tế - 1

Quy định kỷ luật học sinh cần sớm thay đổi để phù hợp với tâm lý lứa tuổi(Ảnh minh họa)

Bị sang chấn tâm lý do dính kỷ luật 

Trường hợp em N.T.V.Q, học sinh lớp 12 THPT Lê Lợi, Hà Đông bị sang chấn tâm lý không thể đi học sau quyết định đình chỉ học tập 10 ngày của nhà trường khiến gia đình học sinh này phản ứng mạnh. Theo phụ huynh em Q., cho rằng bị cô “trù” do không đi học thêm, Q. đã viết lên Facebook bày tỏ tâm sự của mình với bạn bè. Em Q đã được giáo viên và nhà trường yêu cầu giải trình và xin lỗi cô giáo, tuy nhiên nhà trường vẫn áp dụng hình thức kỷ luật đình chỉ học tập 10 ngày theo nội quy của nhà trường.

Theo phụ huynh của em Q, nhà trường đã thành lập Hội đồng kỷ luật và thông báo quyết định kỷ luật vào giờ chào cờ trước toàn trường trước khi thông báo với phụ huynh. Trong khi đó, Q. đang là học sinh lớp 12, cần phải tập trung cho việc học tập chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp. Sự việc khiến em Q. phải nhập viện vì sang chấn tâm lý.  Gia đình đã làm đơn gửi tới Sở GD-ĐT kiến nghị làm rõ  quy trình xử lý kỷ luật của nhà trường cũng như phản ánh sự phối hợp giáo dục thiếu chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường…

Hiện không có một quy định cụ thể nào của ngành GD-ĐT liên quan tới hành vi ứng xử của học sinh trên Facebook nhưng nhiều trường phổ thông ở Hà Nội đã đề ra các quy định liên quan tới việc sử dụng mạng xã hội. Nhiều trường cho rằng, việc xử lý kỷ luật nghiêm khắc là cần thiết để ngăn chặn những tác hại của thế giới ảo lan rộng trong học sinh hiện nay. Không những vậy, nhiều vi phạm khác của học sinh cũng khiến các trường băn khoăn vì không biết nên xử lý ở mức độ nào, phối hợp với gia đình ra sao khi quy định về xử lý kỷ luật của Bộ GD-ĐT đã ban hành được gần 30 năm.

Phê bình trước toàn trường là hãn hữu

Về hình thức kỷ luật phê bình học sinh trước toàn trường, TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, chỉ những trường hợp vi phạm rất nặng mới áp dụng. Còn những vấn đề liên quan đến cá nhân, nhà trường sẽ làm việc riêng với học sinh chứ không thể lạm dụng hình thức kỷ luật này. Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, quan trọng nhất của việc kỷ luật là giáo dục, giúp học sinh nhận ra lỗi để sửa chữa chứ không phải làm học sinh bị tổn thương, dẫn tới phản ứng tiêu cực.

Theo PGS Văn Như Cương, trường THPT Lương Thế Vinh, hình thức cảnh cáo hay phê bình học sinh trước toàn trường không nên áp dụng bởi dễ gây tâm lý căng thẳng, tổn thương lòng tự trọng của các em. Theo PGS Văn Như Cương, học sinh mắc lỗi phải có sự nhắc nhở, phê bình, cảnh cáo (tùy mức độ vi phạm) để giáo dục các em, không nhất thiết phải nêu tên hoặc yêu cầu học sinh đứng trước toàn trường mà cảnh cáo trong tiết chào cờ. “Thay vì hình thức này, trường sẽ phát thông báo đến từng lớp để thầy cô thông báo lại cho các em. Như thế vẫn đạt hiệu quả phê bình học sinh hư và răn đe các em khác” - PGS Văn Như Cương cho biết.

Thầy Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng trường phổ thông quốc tế Wellspring chia sẻ trường hợp một học sinh nói tục khi nhắc đến tên hiệu trưởng khi thầy còn làm Hiệu trưởng trường Nguyễn Gia Thiều. “Các giáo viên đi cùng chứng kiến sự việc đều đề nghị phải kỷ luật học sinh này nhưng tôi vẫn quyết định cho qua vì nghĩ rằng em không cố ý. Sau này, khi em đã ra trường, tốt nghiệp đại học, tôi được các bạn em chia sẻ lời tâm sự của em đó trên mạng xã hội rằng, nếu ngày đó em bị kỷ luật thì sẽ không thể có tương lai như hôm nay. Việc kỷ luật dù đúng quy định nhưng phải tùy hoàn cảnh và phải vì sự tiến bộ của học sinh” - thầy Đặng Đình Đại nhấn mạnh.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến các trường để điều chỉnh quy định khen thưởng, kỷ luật học sinh. Theo ông Dương Văn Bá - Phó Vụ trưởng Vụ Học sinh - Sinh viên (Bộ GD-ĐT), Thông tư 08 hướng dẫn khen thưởng, kỷ luật học sinh đã có từ năm 1988 nên bộc lộ nhiều bất cập. Thông tư có những chi tiết không còn phù hợp với xã hội ngày nay. Vấn đề khen thưởng, kỷ luật trong nhà trường hiện cũng được lồng ghép trong một số văn bản khác nhau dẫn tới sự lúng túng khi thực hiện ở cơ sở.

Do đó, Bộ GD-ĐT sẽ sớm đưa ra dự thảo Thông tư mới để lấy ý kiến dư luận xã hội. Bên cạnh yêu cầu cập nhật cho phù hợp với tình hình hiện nay, quy định về khen thưởng, kỷ luật trong nhà trường phải đảm bảo vì sự tiến bộ của học sinh, giúp nâng cao nhận thức của các em từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Theo An ninh Thủ đô