Quy chế đào tạo tiến sĩ mới phải thực chất, học thật

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

(Dân trí) - Nếu chất lượng tiến sĩ yếu kém sẽ để lại hậu quả khôn lường không chỉ cho giáo dục đại học mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển và hội nhập của đất nước.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, có 4 điểm tiên quyết cần tiếp thu để Quy chế mới, không cải tiến hơn nhưng chí ít có sự kế thừa những điểm tiến bộ của Quy chế 2017 mà chúng ta đã tốn bao giấy mực và tranh luận, thậm chí quyết liệt để có được Quy chế này.

Trước hết về chuẩn đầu ra, theo quy chế năm 2017, nghiên cứu sinh phải công bố tối thiểu 02 bài báo về kết quả nghiên cứu của luận án trong đó có 01 bài đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục các tạp chí ISI-Scopus hoặc đã công bố tối thiểu 02 báo cáo bằng tiếng nước ngoài trong kỷ yếu hội thảo quốc tế có phản biện hoặc 02 bài báo đăng trên tạp chí khoa học nước ngoài có phản biện. Đây là quy định không cao so với khu vực.

Với quy định này, ngành Khoa học xã hội nhân văn và tất cả các ngành khác hoàn toàn có thể đáp ứng được bởi đã có yêu cầu về chuẩn ngoại ngữ với tiến sĩ theo khung bậc 8 trình độ năng lực Quốc gia là rất cao, như tiếng Anh phải là B2, bậc 4/6. Do đó, Quy chế mới nếu không cao hơn, thì chuẩn đầu ra chí ít phải giữ được như Quy chế 2017.

Thậm chí có thể nâng chuẩn đầu ra với một số lĩnh vực trong các khối ngành KHTN-CN phải tối thiểu công bố được 1 bài ISI/Scopus trong quá trình làm luận án cho phù hợp với những chuyển biến tích cực và lành mạnh về tăng trưởng các nhóm nghiên cứu và công bố quốc tế của Việt Nam trong những lĩnh vực này trong thời gian qua.

Quy chế mới cũng không nên hạ thấp yêu cầu với người hướng dẫn, thành viên hội đồng. Thầy không giỏi thì không có trò giỏi được. Do đó cần có những tiêu chí để chọn những giảng viên hướng dẫn và chấm luận án cho nghiên cứu sinh phải là những giảng viên có chuyên môn sâu, phù hợp và có năng lực nghiên cứu tốt. Đã giữ lại yêu cầu công bố quốc tế với nghiên cứu sinh, thì cũng phải có yêu cầu đó với người hướng dẫn, thành viên hội đồng chấm luận án.

Về ngoại ngữ, theo khung trình độ ngoại ngữ quốc gia, tiến sĩ phải đạt bậc 4/6, tương đương TOEFL iBT 72 điểm. Thế nhưng, quy chế mới lại chỉ yêu cầu TOEFL iBT 46 điểm, tương đương bậc 3/6 - B1 như với thạc sỹ. Đây là điểm không phù hợp nhất định phải sửa đổi.

Với mục tiêu tăng cường hội nhập quốc tế cho đội ngũ trí thức, Quy chế cũ quy định những nghiên cứu sinh sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ khác tiếng Anh vẫn phải giao tiếp được chuyên môn (nghe, đọc, hiểu, trình bày được chuyên môn) bằng tiếng Anh. Đây là điểm rất tiến bộ nhưng quy chế mới đã bỏ đi hoàn toàn và nên giữ lại nếu được sửa đổi.

Cuối cùng, trong quản lý đào tạo, nghiên cứu sinh khi vào theo quy chế nào thì thường phải ra theo quy chế ấy. Nhưng khoản 2 Điều 24 Quy chế vừa ban hành đã cho phép tất cả các khóa tuyển sinh theo Quy chế cũ được áp dụng chuẩn đầu ra như Quy chế mới, tức là bỏ đi yêu cầu công bố quốc tế. Thực sự là một sự thụt lùi, đã xóa bỏ hoàn toàn điểm tiến bộ ưu việt nhất của Quy chế 2017.

Tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất, 8/8 trong khung năng lực trình độ Quốc gia. Có lẽ tất cả những ai đã làm tiến sĩ theo đúng nghĩa chân chính và thực chất đều phải chấp nhận và trải qua những thử thách, gian nan trong quá trình học tập để tiến bộ và trưởng thành. Nếu chất lượng tiến sĩ yếu kém sẽ để lại hậu quả khôn lường không chỉ cho giáo dục đại học mà còn tác động tiêu cực đến sự phát triển và hội nhập của đất nước.

Từ chất lượng tiến sĩ, kéo theo chất lượng GS, PGS. Quy chế mới mặc dù có nhiều cải tiến nhưng mấu chốt quan trọng nhất, cốt lõi nhất là chuẩn đầu ra về chuyên môn, ngoại ngữ và hội nhập quốc tế đều thấp hơn. Chính vì vậy, việc cầu thị, tiếp thu sửa đổi Quy chế mới vừa ban hành để thực sự góp phần nâng cao chất lượng KHCN, chất lượng đội ngũ trí thức Việt Nam là cần thiết.

Những từ như chất lượng (mà một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá luận án tiến sĩ theo thông lệ là công bố quốc tế), thực chất, học thật - nhân tài thật, tiên tiến, hiện đại và hội nhập, ngày càng tiến lên là nguyện vọng và khát khao của các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học và nhân dân ta, với mong muốn chấn hưng giáo dục đại học Việt Nam - thiết nghĩ là những từ khóa không thể thiếu trong triết lý xây dựng Quy chế đào tạo tiến sĩ trong bối cảnh hiện nay.