Quảng Trị: Nhân rộng các mô hình học tập, nâng cao ý thức tự học cho người lớn

(Dân trí) - Việc xây dựng 4 mô hình học tập và mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã đã có tác dụng tích cực, hiệu quả, hạn chế trẻ em bỏ học, các em tích cực học tập và rèn luyện, người lớn có ý thức hơn trong việc tự học, tự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh và tham gia các lớp tập huấn tại các Trung tâm học tập cộng đồng…

Ngày 29/11, Sở Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Khuyến học tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT ngày 12/12/2014 của Bộ GD-ĐT về đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã.

Nhằm đưa Đề án 281/QĐ-TTg ngày 20/2/2014 của Chính phủ và Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT đi vào cuộc sống của người dân, Hội Khuyến học tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn UBND các cấp chủ trì phối hợp với Hội Khuyến học và ngành giáo dục trong việc tổ chức quán triệt cũng như tổng kết các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập” “Cộng đồng học tập” tiểu biểu trên địa bàn toàn tỉnh.

Quảng Trị: Nhân rộng các mô hình học tập, nâng cao ý thức tự học cho người lớn - 1

Những tập thể nhận Bằng khen của UBND tỉnh về những thành tích đạt được

Căn cứ vào các quy định tại Thông tư 44 về đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về xây dựng xã hội học tập, Sở GD-ĐT tỉnh phối hợp Hội Khuyến học tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Kế hoạch số 3012/KH-UBND ngày 01/08/2016 về triển khai nhân rộng, đánh giá, công nhận các mô hình học tập giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT, Hội Khuyến học tỉnh đã ban hành nhiều công văn hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn dành cho các cấp cơ sở trực thuộc về việc thực hiện đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã  theo Thông tư 44.

Trong những năm qua, việc xây dựng mô “Cộng đồng học tập” cấp xã luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền, các sở, ngành liên quan và sự đồng thuận của người dân.

Qua 5 năm thực hiện Thông tư 44 về đánh giá, xếp loại “Cộng đồng học tập” cấp xã, đến nay toàn tỉnh có 60 xã xếp loại tốt, chiếm tỉ lệ 42,55%; 38 xã xếp loại khá, chiếm tỉ lệ 26,95%; 1 xã xếp loại trung bình, chiếm tỉ lệ 0,71%; có 42 xã không xếp loại, chiếm tỉ lệ 29,79%.

Quảng Trị: Nhân rộng các mô hình học tập, nâng cao ý thức tự học cho người lớn - 2

Những cá nhân có thành tích nhận Bằng khen của UBND tỉnh

Những kết quả đạt được đã góp phần tích cực trong việc nâng cao dân trí, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo ở nông thôn, xóa đói giản nghèo và xây dựng xã hội học tập ngày càng vững mạnh trên địa bàn tỉnh.

Quá trình tổ chức triển khai các mô hình học tập và đánh giá, xếp loại công nhận các danh hiệu “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”,“ Cộng đồng học tập” cấp thôn/bản/ấp/tổ dân phố hoặc tương đương, “ Đơn vị học tập” ở cơ sở thuộc xã quản lý theo Quyết định số 448/QĐ-HKH ngày 1/12/2015 và đánh giá xếp loại cộng đồng học tập cấp xã theo Thông tư số 44/2014/TT-BGD ngày 12/12/2014 đều khẳng định việc đăng ký xây dựng 4 mô hình học tập và mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã đã có tác dụng tích cực, thiết thực, hiệu quả tới việc hạn chế trẻ em bỏ học, các em tích cực học tập và rèn luyện, người lớn có ý thức hơn trong việc tự học, tự tìm tòi học hỏi kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, kinh doanh và tham gia các lớp tập huấn tại các Trung tâm học tập cộng đồng, thu nhập các gia đình tăng lên, đời sống tinh thần, vật chất được cải thiện góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Ông Hoàng Xuân Thủy - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh, việc triển khai đánh giá, xếp loại, công nhận 4 mô hình học tập “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” và mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã các địa phương đã bước đầu xác định được tính phù hợp và tính khả thi của các tiêu chí, các minh chứng, quy trình đánh giá, cách cho điểm, xếp loại 4 mô hình học tập và mô hình Cộng đồng học tập” cấp xã; xác định được vai trò, trách nhiệm của UBND các cấp, của Hội khuyến học, ngành giáo dục và các sở ban, ngành, đoàn thể ở địa phương trong quá trình tổ chức, đánh giá, xếp loại, công nhận 4 mô hình học tập và mô hình “Cộng đồng học tập” cấp xã.

Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị đến 2020 đã tạo ra một bước chuyển mới trong nhận thức của cán bộ và nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của giáo dục người lớn và lợi ích thiết thực của việc học tập do người lớn thực hiện như công chức, viên chức học vì công việc, người lao động học để có nghề và sống được bằng nghề đã học, vv…

Phong trào xây dựng các mô hình học tập với nội dung, tiêu chí cụ thể đã có tác động mạnh mẽ đến việc học tập thường xuyên trong mỗi gia đình, dòng họ, cộng đồng góp phần giữ vững phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập Trung học cơ sở vững chắc và thực hiện phổ cập bậc Trung học.

Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào xây dựng gia đình, làng bản, đơn vị văn hóa, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh.

Nhiều đơn vị đã có nhiều cách làm hay như gắn xây dựng gia đình học tập, cộng đồng học tập, thôn-bản, khu phố, cơ quan, đơn vị khuyến học với xây dưng gia đình văn hóa, làng bản, cơ quan văn hóa; với phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; với cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Phong trào thi đua xây dựng GĐHT, DHHT, CĐHT, ĐVHT đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quan tâm, mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ.

Hội nghị lần này cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận làm rõ những tồn tại, hạn chế, biện pháp khắc phục và đề ra nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm thực hiện có hiệu quả hơn Thông tư 44.

Dịp này, UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 6 tập thể và 12 cá nhân; Sở GD-ĐT tỉnh tặng giấy khen cho 18 tập thể và 20 cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện Thông tư 44 của Bộ GD-ĐT. 

Đăng Đức