Quảng Trị: Không để học sinh nghỉ học do hoàn cảnh kinh tế khó khăn

(Dân trí) - Trước tình trạng học sinh bỏ học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông còn khá cao, ngành Giáo dục Quảng Trị yêu cầu quyết tâm chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học bằng nhiều biện pháp, tăng cường vận động học sinh đến trường.

Ngày 10/8, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị - TS Lê Thị Hương đã ký công văn gửi Trưởng phòng GD-ĐT huyện, thị xã, thành phố, Hiệu trưởng, Giám đốc các đơn vị thuộc Sở, Giám đốc trung tâm GDNN-GDTX huyện, thị xã, thành phố về việc tăng cường các giải pháp huy động học sinh đến trường năm học mới 2018-2019.

Theo Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, năm học 2017-2018, với sự nỗ lực và quyết tâm, công tác huy động học sinh đến trường, ngăn chặn học sinh bỏ học đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ngành Giáo dục nhìn nhận, tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông còn khá cao, công tác vận động học sinh bỏ học trở lại trường, lớp vẫn còn khó khăn.

Tỷ lệ học sinh nghỉ học giữa chừng tại miền núi vẫn còn cao, dù đầu mỗi năm học, nhà trường đã tổ chức vận động học sinh đến trường
Tỷ lệ học sinh nghỉ học giữa chừng tại miền núi vẫn còn cao, dù đầu mỗi năm học, nhà trường đã tổ chức vận động học sinh đến trường

Để khắc phục tình trạng này, cần tăng tỉ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở… Sở GD-ĐT Quảng Trị yêu cầu các Phòng GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc hướng dẫn cụ thể các hoạt động về ngày “Toàn dân đưa trẻ đến trường”, qua đó nâng cao nhận thức của phụ huynh và các tầng lớp nhân dân về việc đưa con em đến trường, khuyến khích, tạo điều kiện cho con em đi học, không bỏ học giữa chừng.

Tổ chức học sinh tựu trường đúng thời gian quy định, phân công giáo viên, đoàn thể trong trường phối hợp với chính quyền địa phương đến từng gia đình học sinh chưa đến lớp, học sinh bỏ học, có nguy cơ bỏ học để tìm hiểu nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp giúp đỡ phù hợp.

Đối với học sinh đã bỏ học và có nguy cơ bỏ học do hoàn cảnh khó khăn, các cơ sở giáo dục huy động các nguồn lực để hỗ trợ các em, hỗ trợ học phí, nhận đỡ đầu để các em yên tâm đến lớp. Tuyệt đối không để học sinh nghỉ học do hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Các cơ sở giáo dục có học sinh nội trú, bán trú xây dựng kế hoạch, bố trí chu đáo nơi sinh hoạt cho các em, tổ chức gặp gỡ, động viên để các em nhanh chóng hòa nhập, ổn định việc học tập. Các phòng GD-ĐT và các đơn vị khắc phục tình trạng xuống cấp trường, lớp, thiếu phòng học, bố trí đủ biên chế giáo viên giảng dạy.

Tập trung nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức tốt việc phụ đạo học sinh yếu kém, tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc, khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, thiếu trung thực trong đánh giá, thi cử…

Kéo giãn các khoản thu quy định đối với học sinh, chia thành nhiều đợt trong năm học, không tập trung một đợt gồm nhiều khoản thu vào đầu năm. Kịp thời triển khai thực hiện các chế độ cho học sinh khi vào năm học mới; thực hiện miễn, giảm các khoản đóng góp đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đ. Đức