Bạn đọc viết:

Quản lý sinh viên kiểu… tiểu học

(Dân trí) - Sinh viên đã đủ 18 tuổi chứ không còn là học sinh tiểu học nhưng vì chính cách sống và học tập của các bạn đã khiến cho trường đại học phải làm cái việc cực chẳng đã là quản lý sinh viên kiểu tiểu học.

Trong 6 năm làm công tác cố vấn học tập (giáo viên chủ nhiệm của sinh viên đại học), qua 2 lớp sinh viên (1 đã tốt nghiệp, 1 vẫn đang học) có lẽ đối với 3 sinh viên đặc biệt, tôi được đặt biệt danh “mách lẻo”. Nhưng tôi không buồn vì điều đó vì tôi biết chắc 3 bạn sinh viên đó không ghét tôi, chỉ là hơi giận mà thôi.

Ba lần tôi mời phụ huynh hãy bất ngờ lên thăm con

Ba bạn sinh viên đặc biệt của tôi có một điểm chung là kết quả học tập bị đưa vào diện cảnh báo học vụ. Tôi đã buộc 3 bạn phải cung cấp số điện thoại phụ huynh cho tôi bằng cách vừa thuyết phục vừa dùng quyền uy của người cố vấn. Và cả 3 phụ huynh đều ngạc nhiên khi biết kết quả học tập bê bết của những “đứa con ngoan”. Tôi mời phụ huynh hãy 1 lần không báo trước mà lên thăm con, xem con ăn ở học hành như thế nào. Tôi cũng báo luôn với phụ huynh là không được lên thăm vào mùa thi vì lên lúc đó dễ bị “ăn quả lừa”.

Có phụ huynh sau đó cứ khẩn thiết “nhờ cô quan tâm đến cháu nhiều hơn” và thường xuyên gọi điện hỏi tôi những chuyện phụ huynh cảm thấy lời con mình có gì đó sai sai. Có lần mẹ sinh viên hỏi tôi:

- Lớp sắp đi thực tế phải không cô? Có tốn nhiều tiền không? Cháu xin tôi 1 triệu để đi thực tế với lớp.

Tôi kêu trời:

- Chị bị con lừa rồi! Đi thực tế môn học có 1 ngày sáng đi chiều về, xe của nhà trường chở. Nhiều lắm là tốn 100.000 đồng thôi.

Lần khác cũng phụ huynh đó gọi điện cho tôi hỏi:

- Tuần sau là bắt đầu đi học lại phải không cô? Cháu nói lên trường đi học nên tôi hỏi cô cho chắc.

Tôi lại một lần nữa phải lật tẩy vụ nói dối của sinh viên:

- Tuần sau vẫn còn nghỉ hè chị ơi. Hết tuần sau mới đi học lại. Chắc nó xin lên sớm để đi chơi thôi.

Hai lần tôi khuyên sinh viên: Nếu không muốn học thì em nghỉ luôn đi, đừng làm tốn tiền bố mẹ

Đã hai lần tôi khuyên sinh viên của mình nên bỏ học đi làm. Đó là 2 trong 3 bạn sinh viên đặc biệt nói trên. Sau khi tôi đã liên lạc với phụ huynh, kết hợp với gia đình để nhắc nhở, tình hình chẳng có gì thay đổi. Tôi đã gặp riêng sinh viên và khuyên: Nếu em không muốn đi học nữa, không theo nổi chương trình thì em nên nghỉ học, đi làm để bố mẹ đỡ khổ. Bố mẹ vất vả kiếm tiền cho em ăn học mà em không chịu học, đi học bữa đực bữa cái, thi đi thi lại vẫn nợ nhiều môn như thế thì em có nghĩ đến bố mẹ không? Em đã lớn rồi, phải có trách nhiệm với gia đình, với bản thân chứ  không thể sống vật vờ như thế này được nữa đâu.

Nhưng dù tôi đã nói hết những lời khuyên chân thành đó, 2 bạn sinh viên của tôi vẫn không chịu nghỉ học mà vẫn cứ tiền bố mẹ thì nhận đều nhưng đi học lại không đều.

Từ thực tế phũ phàng này, tôi hoàn toàn ủng hộ việc trường đại học nhắn tin kết quả học tập của sinh viên cho phụ huynh như cách mà trường Đại học Công nghệ TP.HCM, ĐH Kinh tế - tài chính TP.HCM và một số trường đại học khác đã và đang làm. Có người lại cho rằng tại sao không lập tài khoản hay sổ liên lạc điện tử để phụ huynh tự tra cứu thay vì nhắn tin nhưng sự thật là không phải phụ huynh nào cũng có thể thao tác nhanh gọn như sinh viên. Tôi đã từng hướng dẫn phụ huynh tra cứu thời khóa biểu, kết quả học tập, tình trạng đóng học phí của con mình chỉ bằng mã số sinh viên nhưng phụ huynh bó tay, không thể làm được.

Các bạn sinh viên đừng kêu ca đại học mà quản lý sinh viên như học trò tiểu học hay thậm chí muốn kiện nhà trường vì quyền bảo mật thông tin cá nhân mà hãy tự hỏi tại sao các trường phải tốn kinh phí để nhắn tin như thế. Nếu sinh viên đi học bằng tiền do mình tự kiếm được thì các bạn tự chịu trách nhiệm với kết quả học tập của mình. Còn nếu đã ăn học bằng tiền mồ hôi nước mắt của bố mẹ thì phải học cho đàng hoàng tử tế. Nếu kết quả học tập tốt thì sao phải lo bố mẹ biết? Còn nếu đã có gan ăn chơi nên học hành bê bết sao lại không chịu được lời trách mắng của bố mẹ? Lẽ nào các bạn dám chơi nhưng không dám chịu hậu quả?

Như Bình

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.  

Xin trân trọng cảm ơn!