Quà tặng 20/11: Phía sau chiếc phong bì!

Lê Đăng Đạt

(Dân trí) - Chị Trâm và em gái đã phải dừng cuộc nói chuyện vì quá trái quan điểm trong việc tặng quà bằng phong bì cho giáo viên dịp Ngày Nhà giáo 20/11.

Chị Trần Thu Trâm (có hai con học ở Hà Nội) và em gái ruột vừa có cuộc tranh cãi nảy lửa về chủ đề tặng phong bì cho thầy cô dịp Ngày Nhà giáo 20/11 này. 

Em gái chị cũng có hai con, bé trai học mầm non và bé gái học lớp 3. Em chị Trâm dự tính đi cô tiểu học phong bì 1 triệu, ở lớp mầm non hai cô, mỗi cô 500.000 đồng kèm thiệp chúc mừng. 

Quà tặng 20/11: Phía sau chiếc phong bì! - 1
Quà tặng 20/11: Phía sau chiếc phong bì! - 2

Chị em chị Trâm tranh cãi kịch liệt về vấn đề đi phong bì thầy cô dịp 20/11

Cô em cho biết, mình không quà cáp giáo viên bất cứ ngày nào khác trong năm, chỉ xem ngày 20/11 là ngày Tết của thầy cô. Tuy nhiên, người mẹ này cũng băn khoăn, đi phong bì từng đó đã hợp lý chưa? Nhiều hay ít?

Cô em kể, qua trao đổi phụ huynh trong lớp thì hầu hết đều đi phong bì, đó là món quà thiết thực nhất. Số đông làm vậy nên mình... cũng làm vậy. Cô mầm non mẹ sẽ đưa trực tiếp, còn bé tiểu học, chị sẽ đưa thiệp kèm phong bì cho con cầm đến lớp tặng cô giáo. 

Chị Trần Thu Trâm lại ở quan điểm ngược lại, phản đối kịch liệt việc đi phong bì vào ngày 20/11, nhất là việc tặng mà đầy so đo, tính toán, cân nhắc thiệt hơn chứ không phải vì thể hiện sự biết ơn.

Với chị, đó là dịp để tri ân, hướng con đến tinh thần tôn sư trọng đạo, nâng niu cảm xúc của thầy và trẻ - chính là những đứa con của mình. 

Ngày 20/11, chị hướng con tặng quà tùy các con chọn, hoặc tự tay làm, một món quà tri ân thật sự cho thầy cô. Còn bản thân chị Trâm, dành thời gian nói chuyện với con về vai trò của người thầy, đạo hiếu của bậc làm trò.

Quà tặng 20/11: Phía sau chiếc phong bì! - 3

Việc tặng quà cho thầy cô dịp 20/11 làm nhiều phụ huynh đau đầu 

Còn về tiền, là vấn đề của bố mẹ, nếu có, chị biếu vào dịp Tết mang ý nghĩa lì xì như một lời chia sẻ, cảm ơn. 

Đặc biệt, chị Trâm không thể chấp nhận việc em gái mình đưa phong bì cho con nhỏ đem tặng cô giáo. Theo chị, bố mẹ có toan tính, nhuốm màu lên giá trị tôn sư trọng đạo thì làm ơn, cũng đừng để trẻ biết, đừng vấy bẩn sự trong sáng của trẻ. 

Cô em thật tình nói: "Bông (tên gọi của bé ở nhà) cũng biết mẹ tặng phong bì cho cô. Tuổi này chúng biết hết rồi!". 

Chị Trâm bức xúc: "Người lớn, mà ở đây là phụ huynh tự gắn cái mác quà tặng thiết thực, cái gì cũng thiết thực làm méo mó tình cảm của con trẻ, sự tôn trọng đối với thầy cô". 

Chỉ vì mong con được cô giáo quan tâm, ưu ái hơn trong năm học mà nhiều phụ huynh đã bỏ qua việc vun vén, chăm chút cho tình cảm, tâm hồn của trẻ nhỏ. 

"Sau tranh cãi kịch liệt, chị em tôi đã phải dừng cuộc nói chuyện lại vì không cùng quan điểm", chị Trâm nói. 

Tôn trọng cần đến từ bên trong 

Trên nhiều diễn đàn, những ngày qua, một số phụ huynh cũng hỏi ý kiến về việc tặng quà, đi phong bì cho giáo viên dịp 20/11. 

Ở đây, cũng diễn ra cuộc tranh cãi nảy lửa về việc nên đi phong bì hay không. Không ít ý kiến chia sẻ họ chọn tặng quà thầy cô bằng phong bì vì nhanh, gọn, thiết thực. 

Ở trường phái ngược lại, nhiều người không đồng tình tri ân thầy cô dịp 20/11 bằng quà tặng phong bì. Họ cho rằng, ý nghĩa, giá trị của tình thầy trò, cảm xúc thầy trò nhận được khi trao - nhận một bông hoa, món quà nhỏ hay là một lời cảm ơn, thái độ... ý nghĩa hơn bất cứ tiền bạc, vật chất nào. 

Cô Trần Huỳnh Nhị, giáo viên Trường THPT Nguyễn Thông, Vĩnh Long chia sẻ tâm tư, nhiều năm qua cô rất ngại ngày 20/11. Ngại khi nghe các bậc phụ huynh ngồi tính, cân nhắc tiền để mua quà cho thầy cô; ngại khi nghe học sinh than phải tham gia nhiều phong trào để chào mừng 20/11.

Theo cô, việc giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo cần có chiều sâu, nhẹ nhàng và tự nhiên. Cốt làm sao để học sinh hiểu vai trò của tất cả những người thầy trong cuộc đời và hiểu điểm đến của truyền thống đó là những nhân cách được trưởng thành.

Quà tặng 20/11: Phía sau chiếc phong bì! - 4

Sự tri ân thầy cô chỉ có giá trị khi tôn trọng xuất phát từ bên trong mỗi người (ảnh minh họa)

"Thương quý người thầy trong tâm và sống có giá trị, sống chân chính là cách thể hiện lòng biết ơn tốt nhất", cô giáo dạy Văn bộc bạch.

Cô cũng giả sử, hãy để ngày 20/11 diễn ra bình thường. Mỗi thầy cô lên lớp kể cho các em nghe những câu chuyện về tình nghĩa thầy trò, rồi lắng nghe các em nói những lời chân thật...

Cô Nhị bộc bạch, xã hội không thể thiếu nghề giáo, ít ai trưởng thành mà không có những người thầy. Sự tôn trọng cần đến từ bên trong chứ không phải bằng hình thức.

Còn người thầy, chọn nghề giáo là đã biết trước sứ mệnh của mình. Mỗi người cần bồi dưỡng bản thân thật tốt để thực hiện sứ mệnh của mình. Hãy để học sinh hạnh phúc khi đến trường.

Phía sau chiếc phong bì là lựa chọn và cũng là giá trị sống của mỗi người...