"Quả cầu vàng" Bách khoa HN: Muốn xây dựng cộng đồng "phase field" Việt Nam

(Dân trí) - TS. Lê Văn Lịch, trường ĐH Bách khoa Hà Nội từng có mong ước một ngày nào đó sẽ cùng nhiều nhà khoa học khác ở trong nước xây dựng được cộng đồng "phase field" Việt Nam.

TS. Lê Văn Lịch - Viện KH&KT Vật liệu, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên QUẢ CẦU VÀNG năm 2019 - giải thưởng uy tín tôn vinh các tài năng trẻ Việt Nam có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Hỏi chuyện TS. Lê Văn Lịch về những dự định trước thềm xuân mới 2021, anh chia sẻ: Dự định chính trong năm 2021 là mở rộng quy mô hoạt động của nhóm nghiên cứu.

Quả cầu vàng Bách khoa HN: Muốn xây dựng cộng đồng phase field Việt Nam - 1

Động lực để tiếp tục cố gắng hơn nữa

Nhóm nghiên cứu của TS. Lê Văn Lịch phát triển và sử dụng phương pháp mô phỏng số pha-trường (phase field model) để nghiên cứu các tính chất cơ học và vật lý của vật liệu nano sắt điện, nano từ, và nano đa tính sắt.

Phương pháp mô phỏng số pha-trường mô tả được nhiều hiện tượng xảy ra ở cấp độ từ vài nano-mét đến kích cỡ lớn. Đặc biệt, phương pháp này rất hiệu quả trong việc mô tả các quá trình chuyển pha vật liệu, chuyển pha của các trường vật lý, chuyển chất và chuyển khối, do đó, phù hợp với việc tìm ra mối liên hệ giữa cấu trúc và tính chất vật liệu.

Giải thưởng KHCN Thanh niên Quả Cầu Vàng 2019 đã tạo điều kiện cho TS. Lê Văn Lịch có thêm cơ hội để gặp gỡ và trò chuyện với nhiều đồng nghiệp có nhiều thành tích tốt trong công tác giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Anh chia sẻ: "Tôi hiểu được rằng khi mình đang cố gắng thì nhiều người khác còn cố gắng và nỗ lực nhiều hơn. Tôi ngưỡng mộ những người luôn nỗ lực, dành hết tâm lực, trí lực và sức lực cho công việc nhằm mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng và xã hội. Điều này cũng tạo nhiều động lực cho tôi tiếp tục cố gắng hoàn thành tốt hơn nữa những công việc mà tôi đang làm".

Quả cầu vàng Bách khoa HN: Muốn xây dựng cộng đồng phase field Việt Nam - 2
Thông qua giải thưởng KHCN Thanh niên Quả Cầu Vàng, TS. Lê Văn Lịch có cơ hội được tham gia Đại hội Tài năng trẻ Việt Nam lần thứ III (ngày 13/12/2020) với tư cách là đại biểu chỉ định của TW Đoàn TNCS HCM. Tại đây, anh được giao lưu gặp gỡ với nhiều tài năng trẻ trên toàn quốc ở nhiều lĩnh vực và chia sẻ trước các đại biểu những ý kiến và đề xuất trong việc chăm lo, bồi dưỡng và phát huy tài năng trẻ.

Mơ ước xây dựng cộng đồng "phase field" Việt Nam

Khi làm việc ở Nhật Bản, TS. Lê Văn Lịch từng có mong ước một ngày nào đó sẽ cùng nhiều nhà khoa học khác ở trong nước xây dựng Cược cộng đồng "phase field%8 Việt Nam và ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu có địa chỉ ở Việt Nam trong lĩnh vực này.

Với khoảng 6 năm kinh nghiệm, từ trải nghiệm người dùng đến vai trò là người phát triển phương pháp mô phỏng số pha-trường, anh nhận ra được rằng đây là một công cụ mạnh và hữu ích để nghiên cứu nhiều hiện tượng diễn tiến trong vật liệu, và còn nhiều khoảng trống để tiếp tục nghiên cứu.

Một số đồng nghiệp người Việt Nam mà TS. Lê Văn Lịch biết cũng đang nghiên cứu về lĩnh vực này, tuy nhiên, tất cả vẫn đang công tác và có nhiều cơ hội thăng tiến ở nước ngoài. Việc xây dựng cộng đồng "phase field" Việt Nam cần nhiều thời gian và công sức, nhưng không bắt tay vào làm luôn thì sẽ còn rất lâu nữa mới được hình thành. "Đó là một trong những lý do tôi trở về nước làm việc." - TS. Lê Văn Lịch cho biết.

Quả cầu vàng Bách khoa HN: Muốn xây dựng cộng đồng phase field Việt Nam - 3
Giáo sư Đại học Kyoto trân trọng trao bằng tốt nghiệp cho tân TS. Lê Văn Lịch.

Phấn đấu nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học có giá trị.

Dự định chính trong năm 2021 của TS. Lê Văn Lịch là mở rộng quy mô hoạt động của nhóm nghiên cứu. Sau hơn 3 năm hoạt động tích cực, nhóm nghiên cứu của anh và các cộng sự đã xây dựng được những nền tảng cơ bản để phát triển bền vững. Hai mục tiêu song hành mà nhóm nghiên cứu luôn hướng tới là đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng và có nhiều sản phẩm nghiên cứu khoa học có giá trị.

Một trong những điểm khác biệt của nhóm nghiên cứu của anh và các cộng sự là việc đào tạo sinh viên ngay sau khi các em nhập học vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thông qua các hoạt động NCKH. Ở trong nhóm nghiên cứu, các em sẽ được trang bị thêm các kiến thức thông qua các buổi trao đổi hàng tuần với thầy cô hướng dẫn, tập làm những chủ đề nghiên cứu nhỏ liên quan đến một số nội dung trong môn học trên lớp và tiếp cận dần tới những chủ đề nghiên cứu lớn

"Lý do lựa chọn "bến đậu" Đại học Bách khoa Hà Nội với tôi gói gọn trong từ "duyên nợ"! Tôi đã trưởng thành và được mở mang nhận thức từ Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Điều khiến tôi ấn tượng khi ở Trường đó là sự chủ động và năng động trong các công việc và các hoạt động của cả thầy, cô và các em sinh viên. Nhiều em sinh viên có tố chất tốt, rất phù hợp cho việc hợp tác để cùng nhau hiện thực hóa những ý tưởng nghiên cứu." - TS. Lê Văn Lịch

hơn.

Sinh viên tốt nghiệp từ nhóm nghiên cứu đã có công việc tốt tại các tập đoàn công nghiệp lớn ở Việt Nam, một vài bạn xuất sắc hơn đã nhận được công việc đúng chuyên môn ở các nước phát triển hoặc đi du học.

Bên cạnh đó, việc đạt được và duy trì ổn định chất lượng và số lượng sản phẩm NCKH theo như kế hoạch đặt ra ban đầu cũng tạo tiền đề tốt để nhóm có những kế hoạch phù hợp cho giai đoạn tiếp theo.

Trong những năm vừa qua, nhóm nghiên cứu của TS Lê Văn Lịch đã cùng tiến hành nhiều hoạt động trao đổi hợp tác NCKH với nhiều nhóm nghiên cứu ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và nhiều trường khác. Nhiều kết quả sơ bộ đã đạt được thông qua các hoạt động hợp tác nghiên cứu này. "Vì vậy, năm 2021 là thời điểm thích hợp để nhóm nghiên cứu chúng tôi cố gắng hướng tới những kết quả khả quan hơn" - TS. Lê Văn Lịch cho biết.

Trước thềm xuân mới, tự nhìn nhận lại thời gian qua, TS. Lê Văn Lịch cho rằng điểm mấu chốt để cả nhóm nghiên cứu đạt được những kết quả đáng khích lệ trong những năm vừa qua nằm ở sự chủ động của các thành viên và việc tổ chức hoạt động tốt, trong đó mỗi thành viên hiểu rõ được vị trí và thực hiện đúng vai trò của mình trong tập thể.

"Nhóm nghiên cứu chúng tôi đang rất hào hứng chào đón những thành viên mới, để cùng nhau chia sẻ kiến thức, ý tưởng, cách làm việc, và thành quả chung." - Nhà khoa học trẻ chia sẻ.