PISA xếp hạng cao thế giới, sao chất lượng nhân lực Việt Nam chưa cao?

(Dân trí) - Ông Ousmane Dione (Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam) cho rằng, nền giáo dục Việt Nam đã được ghi nhận ở tầm quốc tế ở bậc phổ thông (chỉ số PISA vượt các nước tiên tiến) nhưng có một nghịch lý là chất lượng học sinh sau khi lên bậc đại học và khi bước ra thị trường lao động thì chưa tốt như mong đợi.

“Nghịch lý” trên được đưa ra phân tích tại Hội thảo tham vấn chiến lược giáo dục Đại học Việt Nam do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam tổ chức sáng nay 29/3 tại Hà Nội.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Hội thảo Tham vấn chiến lược giáo dục Việt Nam.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu khai mạc Hội thảo Tham vấn chiến lược giáo dục Việt Nam.

Đại học phải là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đặt vấn đề Bộ GD&ĐT Việt Nam cần cân nhắc một cuộc cải cách lớn để nâng cao chất lượng nhân lực, xây dựng năng lực nghiên cứu sáng tạo đáp ứng nền kinh tế đang đi lên.

“Hệ thống giáo dục Việt Nam đã được ghi nhận ở tầm quốc tế, điển hình chỉ số PISA 2015 do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD công bố cho biết học sinh Việt Nam ở tuổi 15 có năng lực cao hơn mức trung bình của các nước có nền kinh tế phát triển mạnh. Vậy tại sao, chất lượng nhân lực trẻ của Việt Nam chưa tốt như mong đợi?”, ông Ousmane Dione đặt câu hỏi.


Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa chất lượng giáo dục đại học.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa chất lượng giáo dục đại học.

Theo ông Ousmane Dione, đã có khoảng cách giữa giáo dục phổ thông với giáo dục đại học và vị này nhận định “Việt Nam cần đầu tư mạnh hơn nữa vào giáo dục bậc đại học”. Bởi lẽ, những chỉ số như mức lương, khả năng có việc làm chính thức, chất lượng lao động đa phần phụ thuộc vào giáo dục bậc đại học. Và công việc của Việt Nam là phải tranh thủ chất lượng của bậc giáo dục phổ thông để tạo nền/ nguồn cho giáo dục đại học phát triển vượt bậc.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh: “Muốn làm được điều đó, phải tìm cách đa dạng hóa và phân bố nguồn tài chính hiệu quả, cân bằng hơn và World Bank cam kết hỗ trợ Bộ GD&ĐT Việt Nam để xây dựng chiến lược phát triển giáo dục đại học với kinh nghiệm toàn cầu. Hi vọng, Bộ Giáo dục có thể huy động sự chung tay nhiều bên liên quan Bộ LĐTB&XH, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ KH-CN cũng như các khu vực tư nhân ngoài Chính phủ”.

Cùng chung quan điểm, Tiến sĩ Ju-Ho Lee, Ủy viên và nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho hay, Hàn Quốc cũng từng đối mặt với thực trạng “nghịch lý” như ở Việt Nam khi có chỉ số PISA cao nhưng học sinh Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp đại học không thực sự trở thành nhân lực lao động giỏi.

Tiến sĩ Ju-Ho Lee phân tích nguyên nhân: “Ở lớp học Hàn Quốc, trước đây chúng tôi yêu cầu học sinh trả lời câu hỏi mà không khuyến khích học sinh đặt câu hỏi. Vì lẽ đó, người Hàn Quốc sau khi tốt nghiệp đại học thường giỏi đưa ra những câu trả lời trắc nghiệm đúng nhưng không thực thành công trong việc nuôi dưỡng, phát huy khả năng sáng tạo”. Do đó, nước này đã phải thực hiện một sự thay đổi lớn trong nền giáo dục mà ở đó, các trường đại học giữ vai trò nòng cốt.

Ông Ju-Ho Lee cho hay, nổi tiếng là một quốc gia có hệ thống nghiên cứu tốt nhưng Hàn Quốc từng gặp vấn đề trong sáng tạo sản phẩm mới cho nền công nghiệp. Trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần 2 và 3, nước này đã hợp tác với các nước tiên tiến để đưa nền giáo dục chuyển mình nhờ đầu tư vào con người - tạo nền tảng để “đại nhảy vọt” trong cuộc CMCN lần thứ 3.

Và trước những thách thức của cuộc CMCN 4.0, Hàn Quốc thực hiện phương châm: “Đại học phải kiến tạo nền tảng công nghệ, nghiên cứu cơ bản không tách rời nghiên cứu ứng dụng và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu”.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc cho rằng: “Việt Nam đã thành công trong mở rộng nâng tâm hệ thống giáo dục phổ thông, bây giờ phải chuyển sang đại học để có cuộc đại nhảy vọt và đây là thời điểm phù hợp. Đại học phải là trung tâm của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phải là đòn bẩy tạo nên lực lượng lao động có kỹ năng tốt tầm thế giới”.

Chuyên gia giàu kinh nghiệm đến từ xứ Hàn khẳng định, cách tốt nhất mà các trường đại học nên làm là tạo hứng thú học tập cho học sinh thay vì bắt các em phải học máy móc, rập khuôn, ghi nhớ thuộc lòng. Chú trọng học tập suốt đời, tránh tình trạng học chăm chỉ ở bậc phổ thông nhưng vào đại học thì không học nhiều nữa.

Các trường đại học Việt Nam phải sẵn sàng đương đầu thử thách, đi tiên phong thay vì đi theo chân người khác. Điều này đòi hỏi hệ thống giáo dục đại học trang bị cho người trẻ kỹ năng, kiến thức để đi tiên phong, giảm khoảng cách giữa học thuật với môi trường doanh nghiệp. Điều đó đòi hỏi hợp tác chặt chẽ giữa trường đại học và doanh nghiệp.


Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trình bày khát vọng cho giáo dục đại học Việt Nam.

Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam trình bày khát vọng cho giáo dục đại học Việt Nam.

Cơ chế ưu đãi phù hợp, quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình

Tư vấn chiến lược giáo dục Đại học cho Việt Nam, PGS. Norhayati Mohamed - Giám đốc Văn phòng Quản lý Chương trình/Văn phòng Quản lý Đào tạo Bộ Giáo dục Đại học Malaysia cũng nhấn mạnh đến việc, Chính phủ phải đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục đại học vì chất lượng của bậc học nay là công cụ đảm bảo chất lượng nhân lực quốc gia.

Từ kinh nghiệm của quốc gia mình, theo bà Norhayati Mohamed, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển giáo dục đại học chi tiết.

“Chiến lược giáo dục đại học phải lấy sinh viên làm nhân tốt trung tâm trong quá trình chuyển đổi; quá trình xây dựng có sự tham gia và tham vấn rộng rãi; đề cập tới tất cả các cơ sở giáo dục (công lập, cao đẳng cộng đồng, đại học bách khoa, cơ sở giáo dục đại học tư nhân); mang tính chất định hướng chứ không áp đặt rập khuôn cho từng trường”, chuyên gia đến từ Malaysia góp ý.

Tiến sĩ Javier Botero Alvarez (Chuyên gia giáo dục hàng đầu - Ngân hàng Thế giới, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Columbia) lại nhấn mạnh đến việc hệ thống giáo dục đại học phải chú trọng tính đa dạng, bình đẳng và chất lượng giáo dục cho mọi đối tượng trong xã hội.

Tiến sĩ Javier Botero Alvarez - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Columbia góp ý kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học Việt Nam.
Tiến sĩ Javier Botero Alvarez - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục Columbia góp ý kinh nghiệm phát triển giáo dục đại học Việt Nam.

“Một vài nguyên tắc để tạo đột phá trong giáo dục đại học là có cơ chế ưu đãi phù hợp, quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình (thông tin, giám sát và điều chỉnh công khai)”, ông Javier Botero Alvarez lưu ý.

Từ kinh nghiệm của nền giáo dục Anh quốc, Tiến sĩ Jane Davidson (Phó Hiệu trưởng, Đại học Wales Trinnity Saint David) nhấn mạnh việc xây dựng mối quan hệ đúng đắn giữa Chính phủ và hệ thống giáo dục đại học.

Trong đó, cần đạt được sự cân bằng giữa ý muốn của Chính phủ là ra các quy định (can thiệp) để đảm bảo chất lượng mà không làm mất khả năng cung cấp nguồn nhân lực cho đất nước của các trường đại học.

Trước những đóng góp hữu ích từ các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: Trong nền giáo dục, giáo dục bậc đại học có vai trò rất quan trọng vì nó đảm nhận trực tiếp vai trò đào tạo phát triển nguồn nhân lực quyết định tăng năng suất lao động và tăng trưởng đất nước.

Bộ Giáo dục cũng rất quan tâm đến chất lượng của giáo dục đại học, đặc biệt với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới để có thể tham khảo, đối chiếu, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều quốc gia.

“Giáo dục đại học hiện nay phải phát triển theo hướng hội nhập quốc tế để từng bước nâng cao hệ thống giáo dục chất lượng quốc gia. Tôi có đặt vấn đề với Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam về việc phải tiếp cận vấn đề một cách có hệ thống, tránh tình trạng vay nhưng hoạt động không hiệu quả, thậm chí chưa có đánh giá tác động thực tiễn về đầu tư đó”.

Hội thảo đã tập hợp các nghiên cứu ban đầu của các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế và thảo luận với nhau hết sức cởi mở về điểm yếu, điểm mạnh của giáo dục Việt Nam.

“Chúng tôi đặt việc phát triển hệ thống giáo dục đại học trong một tầm nhìn dài đến năm 2030-2035 để phù hợp với lộ trình phát triển đất nước. Từ giờ đến năm 2020 chuẩn bị thật kỹ để đưa ra tầm nhìn về giáo dục đại học và các bước đi theo lộ trình, phân công cụ thể để cải cách căn bản, hiệu quả”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay.

Lệ Thu