Phụ huynh, học sinh Hà Nội tối ngày chạy đua với thời gian luyện thi vào 10

Văn Hiền Trà My

(Dân trí) - Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, HS lớp 9 tại Hà Nội bước vào kỳ thi lớp 10. Trong giai đoạn nước rút này, phụ huynh, thí sinh tối ngày chạy đua với thời gian để ôn luyện, giành tấm vé vào trường yêu thích.

"Cuộc chiến" đầy cam go

Năm nay, Hà Nội có hơn 90 nghìn học sinh dự thi vào lớp 10. Tuy nhiên, chỉ tiêu vào lớp 10 trường công lập là 60 nghìn, như vậy sẽ có khoảng 30 nghìn em bị loại tại cuộc đua này.

Áp lực trước những con số khổng lồ, rất nhiều học sinh lớp 9, không chỉ tham gia học chính ở trên trường theo thời khóa biểu hàng ngày, mà còn tham gia các lớp học thêm.

Phụ huynh, học sinh Hà Nội tối ngày chạy đua với thời gian luyện thi vào 10 - 1

21h30 các em học sinh vẫn miệt mài học tại trung tâm luyện thi tại Cầu Giấy

Theo thông báo mới nhất cho quy chế thi vào 10 năm nay, các thí sinh dự thi sẽ phải trải qua 4 môn thi bắt buộc: Toán, Văn, Anh và Lịch sử. Chính vì thế, khoảng 1 tháng trở lại đây, các em học sinh lớp 9 tại Hà Nội phải sắp xếp ôn thêm môn lịch sử, lịch học ngày một dày đặc. 

Các trung tâm luyện thi trong thời điểm này đều đang hoạt động hết công suất, trước kia chỉ có 1 - 2 ca kết thúc vào lúc 20h00 thì nay số lượng các ca học đã tăng lên thành 3- 4 và kết thúc vào lúc 23h00 là chuyện khá bình thường.

Em Nguyễn Thùy Linh, học sinh trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) trải lòng: "Em có nguyện vọng thi vào trường chuyên từ những năm đầu lên cấp II. Vậy nên từ cuối năm lớp 8, em đã bắt đầu tham gia học các lớp bồi dưỡng nâng cao để có thể nắm được các dạng bài thi.

Bên cạnh thi hệ chuyên, em vẫn có thi trường hệ thường, nên phải ôn song song hai kiến thức cơ bản và nâng cao, thời gian thi đẩy lùi giúp em có thêm thời gian ôn. Dẫu vậy, để phục vụ cho kì thi quan trọng này em buộc phải ôn rất nhiều. Mỗi ngày đều kết thúc học thêm vào 22h- 23h đêm, em chỉ được nghỉ khoảng 4 tiếng/ngày". 

Em Vũ Thảo My, học sinh lớp 9 trường THCS Tân Định (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Em có nguyện vọng thi vào trường THPT Thăng Long, Hà Nội. Lịch học năm nay của em thay đổi rất nhiều so với các năm trước vì học cuối cấp, sau khi hoàn thành chương trình học kì II thì em chỉ còn học chính ở trường 4 môn thi. Lịch học gần như phủ kín nên em phải học tối ngày, chỉ có khoảng thời gian ngắn để nghỉ trưa, rồi lại học hết cả chiều.

Buổi tối, có hôm thì đi học thêm, có hôm thì em học gia sư tại nhà đến khoảng 21h. Sau đó có nghỉ một chút rồi tiếp tục dành thời gian tự học, làm bài tập nên kết thúc mỗi ngày đều đến 1h-2h sáng".

Phụ huynh, học sinh Hà Nội tối ngày chạy đua với thời gian luyện thi vào 10 - 2

Thảo My chia sẻ với phóng viên khi vừa tan lớp học thêm ca tối.

Mỗi môn học ở trung tâm có giá từ 250 - 500 nghìn đồng/buổi

Trao đổi với phóng viên, chị Mai Anh, một phụ huynh ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, đã đăng kí cho con học 3 môn chính từ lâu, song việc thêm 1 môn lịch sử nữa, đồng nghĩa lại thêm 1 lớp phụ đạo, khiến cho lịch học của con rất kín. Thấy con học triền miên, dù rất thương con nhưng cũng không biết phải làm thế nào. 

"Mặc dù là môn thi thứ 4 được coi là dễ thở hơn so với 3 môn chính nhưng nếu điểm thi bị thấp so với mặt bằng chung, việc trúng tuyển của con sẽ chới với hơn các bạn. Vì thế phải đi học thêm do môn thứ 4 vẫn là môn quyết định" - chị Mai Anh chia sẻ. 

Anh Hùng, một phụ huynh khác có con đang theo học trường THCS Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội) tiết lộ, bên cạnh các lớp ôn thi, anh còn cho con học thêm lớp luyện kín chỉ khoảng 3-4 học sinh do gia đình và con có nguyện vọng thi tuyển vào các trường hệ chuyên tập trung thuê thầy dạy.

"Thi vào hệ thường đã nhiều kiến thức, thi vào hệ chuyên con còn phải ôn thêm rất nhiều kiến thức nâng cao khác. Chi phí cho con ôn luyện như vậy không hề ít, mỗi buổi của con học khoảng một tiếng rưỡi, trung bình là 500.000 đồng/buổi" - anh Hùng cho biết. 

Phụ huynh, học sinh Hà Nội tối ngày chạy đua với thời gian luyện thi vào 10 - 3

Tại Nam Từ Liêm, dù mất điện thì tinh thần học tập của các em học sinh lớp 9 và thầy vẫn được nâng cao bởi ánh đèn flash.

Anh Nam Anh, một phụ huynh ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), than thở, lịch học của con không còn đến một khoảng trống. Hết học trên lớp, học thêm lại học ở nhà, nhiều lúc nhìn gương mặt con phờ phạc cũng chẳng biết làm thế nào ngoài động viên để con cố gắng.

Cũng giống như tâm lý của các phụ huynh trên, anh Vũ Vinh Quang, phụ huynh của em Yến Ngọc (Hà Nội), cho biết: "Chỉ mong con học được tốt để có thể thi vào trường công lập như ý muốn. Thời gian này, làm bạn với con để hiểu con cần và mong muốn gì mới là điều quan trọng".

Anh Quang cho hay, con anh luyện thi cả 4 môn Toán, Văn, Anh, Lịch Sử tại một trung tâm có uy tín. Mỗi buổi học 2 tiếng - 2 tiếng rưỡi cũng mất 250.000 nghìn đồng - 300.000 nghìn đồng/môn. 

Phụ huynh, học sinh Hà Nội tối ngày chạy đua với thời gian luyện thi vào 10 - 4

20h00 nhiều phụ huynh vẫn đứng cổng trường để đợi con tan học.

Anh Đỗ Minh - thầy giáo luyện thi vào 10 môn Toán có nhiều năm kinh nghiệm cũng là quản trị viên của nhóm Đồng hành cùng con vào 10 với hơn 6 nghìn thành viên chia sẻ: "Năm nay, do quy chế của Sở GD&ĐT Hà Nội ban hành đã ít nhiều có sự xáo trộn tâm lý của các bậc phụ huynh. Thí sinh được đăng ký 3 nguyện vọng, trong đó nguyện vọng 1 -2 theo hộ khẩu, nguyện vọng 3 có thể tùy chọn. Nhưng muốn trái tuyến thì chỉ có đăng ký 1 nguyện vọng. Điều này khiến cho phụ huynh nào cũng cân nhắc và lo lắng cho con em".

Anh Minh chia sẻ thêm, nhiều phụ huynh vẫn còn chạy đua với thời gian để cho con học được trung tâm ôn luyện tốt nhất. Những câu hỏi "Bác nào biết trung tâm luyện thi Văn uy tín, cho mình xin thông tin", "Quanh Mễ Trì có gia sư nào dày dặn kinh nghiệm không các mẹ?",... là những lời "cầu cứu" xuất hiện với tần suất dày đặc trong hội nhóm.

Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, kì thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021 tại địa bàn sẽ diễn ra trong hai ngày 10 và 11/06, đối với hệ không chuyên và từ ngày 12 đến ngày 14/06 đối với hệ chuyên. 

Xét tuyển vào công lập sẽ được dựa theo nguyên tắc: Điểm xét tuyển (ĐXT) = (Điểm bài thi môn Toán + Điểm bài thi môn Ngữ Văn) x 2 + (điểm bài thi môn Ngoại Ngữ + Điểm bài thi môn thứ tư) + Điểm ưu tiên (nếu có). 

Đối với các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp và trường THPT ngoài công lập có thể xét tuyển bằng hình thức học bạ.