Phụ huynh "đau đầu" chọn máy tính cho con học trực tuyến

Đặng Dương

(Dân trí) - Bước vào giai đoạn học trực tuyến, nhiều phụ huynh vẫn băn khoăn không biết nên chọn thiết bị nào phù hợp với việc học của con trong thời gian dài.

Bất cập khi mua máy cũ

Năm học 2021- 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp. Dự kiến sau bậc THPT, một số khối lớp khác của tỉnh Đắk Nông sẽ áp dụng phương pháp dạy, học trực tuyến để đảm bảo quy định phòng chống dịch.

Tuy nhiên, năm học mới 2021-2022 đã bắt đầu hơn một tuần, nhiều phụ huynh vẫn loay hoay, chưa thể lựa chọn được thiết bị phù hợp cho con học trực tuyến.

Theo anh Lê Văn Chinh (phường Nghĩa Trung, TP Gia Nghĩa), hiện nay khó khăn nhất đối với gia đình là thiết bị phục vụ việc học cho con.

Đi ra cửa hàng tham khảo máy thì có vô vàn loại, giá nào cũng có. Các thiết bị rất hiện đại khiến vợ chồng anh Chinh lo lắng khi mua về, không quản lý, theo dõi được các cháu trong lúc sử dụng.

Phụ huynh đau đầu chọn máy tính cho con học trực tuyến - 1
Các thiết bị cũ phục vụ học online được bán nhiều trên mạng xã hội ngay sau khi năm học mới bắt đầu.

Tính toán kỹ, hai vợ chồng anh Chinh đã lựa cho cháu một chiếc điện thoại cũ trị giá hơn 2 triệu đồng. Thế nhưng, đây có lẽ là quyết định sai vì chiếc điện thoại nhanh hết pin và liên tục nóng máy khi truy cập vào phần mềm học trực tuyến.

Sau cùng, vợ chồng anh Chinh phải đặt mua một chiếc máy tính bảng với giá trị hơn 5 triệu đồng và trả lại thiết bị đã mua trước đó.

Hiện trên thị trường, các sản phẩm cũ như smartphone, máy tính bảng, laptop, giá bán dao động từ 2 -10 triệu đồng/ thiết bị. Một số thiết bị phụ trợ khác như loa phát, chuột hoặc bàn phím di động có giá dao động trên dưới một triệu đồng.

Sản phẩm đa dạng vô tình trở thành là "rào cản" đối với nhiều phụ huynh, nhất là phụ huynh các khu vực nông thôn. Nhiều phụ huynh chưa quan tâm tới chức năng và chất lượng mà giá cả lại trở thành yếu tố quyết định.

Chị Bùi Thị Châu (xã Đắk Drô, huyện Krông Nô) chia sẻ, băn khoăn lớn nhất của gia đình là hai vợ chồng đều làm nông, hiện tại mới chỉ biết sử dụng điện thoại chứ chưa từng sử dụng máy tính.

Tuy nhiên, chị Châu cho rằng, con học lớp 1 và lớp 3 mà chỉ theo dõi qua điện thoại sẽ rất ảnh hưởng đến mắt và khả năng tương tác. Sau đó, hai vợ chồng chị Châu quyết định mua một chiếc máy tính để phục vụ việc học cho cả 2 con trong thời gian tới.

"Do chưa có kinh nghiệm nên chúng tôi chọn mua một chiếc máy tính để bàn giá hơn 5 triệu đồng. Tuy nhiên, khi mua máy về thì mới biết là phải mua thêm máy ảnh (webcam) thì mới học được. Sau đó, gia đình phải bỏ thêm gần một triệu đồng nữa mua thiết bị này", chị Châu kể.

Lựa chọn thiết bị nào là phù hợp ?

Anh Trần Xuân Sơn, một người thành thạo về công nghệ tại TP Gia Nghĩa cho biết, thiết bị điện tử, thiết bị di động đã qua sử dụng vẫn là lựa chọn hàng đầu của phụ huynh trong thời điểm triển khai học trực tuyến.

Bên cạnh giá thành rẻ thì các thiết bị này đáp ứng tối thiểu được việc kết nối internet, truy cập vào phần mềm học trực tuyến. Tuy nhiên, các thiết bị đã qua sử dụng cũng gây ra không ít phiền toái cho phụ huynh, học sinh.

Phụ huynh đau đầu chọn máy tính cho con học trực tuyến - 2
Nhiều phụ huynh vẫn ưu tiên chọn mua thiết bị cũ để con học online.

"Thời gian sử dụng sẽ hạn chế do nhiều thiết bị đã "chai" pin, thậm chí pin bị phồng, có thể gây cháy nổ. Nhiều dòng máy cũ có chất lượng âm thanh, hình ảnh không sắc nét, tốc độ xử lý chậm hoặc không cài đặt được ứng dụng học trực tuyến", anh Sơn phân tích.

Đầu tư các thiết bị mới thì tránh được nhiều phiền toái khi mua hàng cũ cho con sử dụng. Tuy nhiên, nếu điều kiện kinh tế không cho phép, phụ huynh cũng có thể chọn hàng đã qua sử dụng, với giá thành hợp túi tiền và không phải thiết bị cũ nào cũng hạn chế.

Điều quan trọng nhất khi mua một thiết bị học trực tuyến là chọn mua lại của người hoặc cửa hiệu có uy tín và tham khảo các ý kiến tư vấn kỹ càng. Khi mua máy, phụ huynh cần kiểm tra pin, cấu hình, độ nhạy màn hình, âm thanh và chất lượng hình ảnh.