Phát triển nguồn nhân lực nông thôn thời 4.0: Chỉ cho "con cá" là chưa ổn

Mai Châm

(Dân trí) - “Muốn tăng giá trị của lao động nông thôn, phát triển nông thôn, chỉ cho “con cá” là chưa ổn, cho cần câu cũng chưa đủ mà phải cho họ niềm tin chắc thắng và khát vọng vươn lên làm giàu".

Đó là ý kiến của ông Lê Đức Thịnh – Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn tại Tọa đàm “Nguồn nhân lực nông thôn ở đâu trong thời 4.0” ngày 12/11 do Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội (Hà Nội) đã tổ chức.

Tham dự chương trình có ông Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp, ông Lê Đức Thịnh – Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, ông Ngô Xuân Liễu – Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ Việc làm và đại diện các Vụ thuộc Tổng Cục GDNN và các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề, người lao động đến từ nông thôn.

Phát triển nguồn nhân lực nông thôn thời 4.0: Chỉ cho con cá là chưa ổn - 1

Tọa đàm “Nguồn nhân lực nông thôn ở đâu trong thời 4.0”.

Tại buổi Tọa đàm, các khách mời chia sẻ thẳng thắn về thực trạng của lao động nông thôn.

Tâm sự thất nghiệp

Anh Đàm Văn Thực, tài xế xe ôm công nghệ cho biết, anh quê ở ngoại thành Hà Nội. Anh Thực đã có hơn 10 năm làm xe ôm truyền thống và trong vòng 2-3 năm trở lại đây, anh làm tài xế xe ôm công nghệ. Lí do anh chọn là vì công việc này là vì nó mang lại thu nhập cho anh. Tuy nhiên, bản thân anh Thực cho rằng, thanh niên trẻ tuổi không nên làm công việc này.

Anh Thực đã có gia đình, có con là học sinh cấp 2. Anh mong  thế hệ con mình được định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn, có tương lai tươi sáng hơn.

Một lao động trẻ khác được mời dự Tọa đàm là anh Hoàng A Dê ( 28 tuổi, Lai Châu – Hòa Bình). Trước đây anh từng học Cao đẳng Sư phạm nhưng không kiếm được việc làm sau khi ra trường nên thất nghiệp.

Trong nỗ lực tìm kiếm việc làm, anh A Dê tự học kiến thức về du lịch, học Tiếng Anh để trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên, anh A Dê chưa từng được đào tạo chuyên nghiệp. Gần đây, do dịch bệnh Covid-19 nên anh Dê lại tiếp tục thất nghiệp, tạm thời ở nhà phụ giúp đồng áng với gia đình.

Chương trình đào tạo phải phù hợp với doanh nghiệp

Lắng nghe câu chuyện của hai lao động trẻ, ông Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp nói: “Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta nói tới chất lượng nguồn nhân lực. Qua 1 thập kỷ, tỉ lệ nhân lực qua đào tạo đã tăng từ 40% lên hơn 64%. Đây là một bước phát triển lớn. Trong số nhân lực được đào tạo này có nhân lực ở nông thôn, đóng góp lớn trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn".

Theo ông Khánh, để đáp ứng các phân tầng của thị trường lao động, chúng ta phải có những chương trình đào tạo phù hợp để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.

Phát triển nguồn nhân lực nông thôn thời 4.0: Chỉ cho con cá là chưa ổn - 2

Ông Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp: "Phát triển nguồn nhân lực nông thôn trong thời đại 4.0 là thách thức lớn".

Đại diện doanh nghiệp, bà Mai Phương (Công ty Tập đoàn Hoàng Long JHL) cho biết trong 21 năm hoạt động, công ty bà đã cử gần 40.000 lao động có tay nghề đi làm việc tại nước ngoài.

Bà Phương cho hay, các lao động nông thôn sau khi được đào tạo tay nghề đã có công ăn việc làm ở nước ngoài, có thu nhập cho bản thân và gửi tiền nuôi sống gia đình. Sau thời gian làm việc ở nước ngoài, các bạn trẻ có kiến thức, kinh nghiệm, vốn đã về quê hương lập nghiệp và phát triển cuộc sống.

Ông Đồng Văn ngọc – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội với kinh nghiệm giảng dạy thực tế, nêu thực tế rằng một vài doanh nghiệp lớn ở Việt Nam sử dụng tới khoảng 100.000 lao động nhưng chỉ đào tạo cho lao động kỹ năng và năng lực thực hiện công việc cụ thể chứ không đào tạo kiến thức hệ thống cho lao động.

Điều này dẫn tới việc lao động làm việc cho doanh nghiệp vài năm rồi nghỉ việc, ra xã hội rất khó kiếm việc làm khác vì không có trình độ, kỹ năng đầy đủ. Đây là một vấn đề lớn theo ông Ngọc.

Do vậy, ông Ngọc đề nghị cần quan tâm sâu sát đối với vấn đề đào tạo bài bản, có hệ thống cho lao động trước khi đưa vào làm việc trong doanh nghiệp. Là Hiệu trưởng, ông Ngọc đã ký cam kết có việc làm cho 100% học viên, sinh viên sau khi ra trường. Học viên Cao đẳng Cơ điện Hà Nội có lương khởi điểm là 6 triệu đồng, lương cao là 18 triệu đồng.

Phát triển nguồn nhân lực nông thôn thời 4.0: Chỉ cho con cá là chưa ổn - 3

Ông Đồng Văn ngọc – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội ký cam kết 100% sinh viên có việc làm sau khi ra trường.

Chỉ cho “con cá” là chưa ổn...

Ông Nguyễn Chí Trường – Vụ trưởng Vụ Kỹ năng Nghề nghiệp, Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp đưa ra một số con số đáng quan tâm: “Chúng ta có 37,1 triệu lao động nông thôn, chiếm 66% lao động, tỉ lệ thất nghiệp 69%. Trong đó chỉ có tỉ lệ 24% lao động qua đào tạo”. Ông Trường cho rằng nâng cao chất lượng lao động là tất yếu.

Ông Lê Đức Thịnh – Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phát biểu: “Muốn tăng giá trị của lao động nông thôn, phát triển nông thôn, chỉ cho “con cá” là chưa ổn, cho cần câu cũng chưa đủ mà phải cho họ niềm tin chắc thắng và khát vọng vươn lên làm giàu".

Ông Thịnh cho rằng khi tái cơ cấu nông nghiệp, có thể khuyến cáo vùng đất này nên trồng cây gì, nuôi con gì để nông dân có được định hướng thông tin. Khi nói đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn chúng ta phải gắn với thế mạnh của nông thôn, đưa ra khuyến cáo phù hợp cho người lao động.

Phát triển nguồn nhân lực nông thôn thời 4.0: Chỉ cho con cá là chưa ổn - 4

Ông Lê Đức Thịnh – Cục Trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn cho rằng muốn tăng giá trị của lao động nông thôn, phát triển nông thôn, chỉ cho “con cá” là chưa ổn, cho cần câu cũng chưa đủ mà phải cho họ niềm tin chắc thắng và khát vọng vươn lên làm giàu".

Ông Ngô Xuân Liễu – Giám đốc Trung tâm Quốc gia về dịch vụ Việc làm nhận định: "Thực tế cho thấy lao động giản đơn có nguy cơ thất nghiệp cao hơn những lao động có trình độ cao. Mặc dù doanh nghiệp đang rất “khát” lao động có trình độ cao, có tay nghề”.

Tiếp nối buổi Tọa đàm có rất nhiều ý kiến mang tính thời sự về phát triển nguồn nhân lực nông thôn. Ông Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Giáo dục Nghề nghiệp nhận xét, việc đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực nông thôn nói riêng và nhân lực nói chung là một thách thức lớn. Ở góc độ quản lý, chính sách cần phái thiết thực hơn để định hướng nghề nghiệp cho người lao động.

Mặt khác ông Khánh cho rằng, những người lao động chủ động học tập như anh Hoàng A Dê là đáng được cổ vũ. Trong thời đại 4.0, người lao động cần phải học cách nắm bắt xu thế và cơ hội việc làm.