Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng nào để hội nhập quốc tế?

(Dân trí) - Câu hỏi trên sẽ được các chuyên gia trong nước, quốc tế các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp bàn thảo tại Hội thảo giáo dục 2019 với chủ đề: "Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế".

Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức. Hội thảo sẽ được diễn ra vào ngày 20/9/2019 tại Hà Nội.

Phát triển giáo dục nghề nghiệp theo hướng nào để hội nhập quốc tế? - 1

Ban tổ chức thông tin với báo chí về hội thảo: "Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế".

Thông tin về hội thảo với báo chí ngày 4/9, ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, những năm qua, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, góp phần quan trọng trong công cuộc đổi mới, hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, từng bước hội nhập tích cực, toàn diện với thế giới.

Tuy nhiên, trước sự vận động, phát triển không ngừng của khoa học – công nghệ và tri thức nhân loại, trước yêu cầu của việc hội nhập sâu rộng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, công tác giáo dục nghề nghiệp nước ta đang đứng trước yêu cầu phải hoàn thiện, đổi mới từ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đến năng lực, hiệu quả đào tạo, đáp ứng yêu cầu của người học, thị trường lao động và doanh nghiệp. Đặc biệt là những đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao trong xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Ông Thắng cho hay, hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, thảo luận, đề xuất ý tưởng phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.

Đồng thời, Hội thảo sẽ góp phần cung cấp thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho các Đại biểu Quốc hội trong thẩm tra, giám sát, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành và cơ quan hữu quan hoàn thiện chính sách, pháp luật phát triển giáo dục nghề nghiệp, cung cấp nguồn nhân lực có tay nghề cao cho đất nước trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế mạnh mẽ.

"Thông qua hội thảo, Ban tổ chức mong muốn đem đến cái nhìn rõ hơn, toàn diện hơn về thực trạng giáo dục nghề nghiệp, từ đó đề xuất các giải pháp để phát triển lĩnh vực này, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, hoàn thiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới" - ông Thắng nhấn mạnh.

Đến nay, Ban tổ chức Hội thảo giáo dục 2019 đã nhận được gần 60 tham luận của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo, nhà khoa học trong và ngoài nước. 

Hồng Hạnh