Phạt dạy thêm sai quy định: Đúng nhưng khó trúng!

(Dân trí) - Việc giáo viên cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc học sinh dạy thêm… là hành vi không thể chấp nhận. Việc xử phạt là cần thiết thế nhưng vấn đề làm sao phạt đúng người, đúng tội?

Sai phải phạt

Nói về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục của Bộ GD-ĐT đang đề xuất, nhiều giáo viên (GV) và phụ huynh tại TPHCM tỏ ra đồng tình với đề xuất phạt “mạnh tay” này đối với các hành vi dạy thêm tiêu cực.

Nguyên nhân chủ yếu của dạy thêm học thêm xuất phát nhu cầu có thật của người học lẫn người dạy. Ở các thành phố lớn, học sinh (HS) có nhu cầu học thêm rất cao, các tiêu cực trong dạy thêm như cắt xén chương trình, ép HS đi học thêm là có nhưng rất ít. Lâu nay, GV dạy thêm chính đáng, dạy từ nhu cầu của người học thường vẫn bị “đánh đồng” với những GV có hành vi tiêu cực do thiếu chế tài. 

Nên quy định xử phạt những GV “bắt ép” HS dạy thêm được nhiều người ủng hộ vì điều này nếu được thực hiện có thể hạn chế đi những “con sâu” gây bức xúc không chỉ đối với người học mà cả với những người GV chân chính. Họ muốn làm thêm bằng chuyên môn của mình một cách chính đáng không có gì sai mà còn hỗ trợ cho người học. Theo chương trình học, các kỳ thi hiện nay, với nhiều em HS nếu không học thêm rất khó thi đỗ ĐH như mong muốn của bản thân và gia đình.

Phạt dạy thêm sai quy định: Đúng nhưng khó trúng!
Xử phạt GV dạy thêm sai quy định là bảo vệ quyền lợi của người học và cả những GV dạy thêm chân chính

Một GV dạy Toán ở Q.5, TPHCM cho hay, thực tế là có những người thầy luôn tìm cách làm “khó dễ” để bắt HS học thêm. Hành vi này cần bị xử phạt, trước hết để đảm bảo quyền lợi cho HS và tiếp đó là quyền lợi của những người thầy dạy thêm chính đáng.

Bà Nguyễn Thị Phượng, phụ huynh HS một trường THPT ở Q.3 cho hay, con trai mình và rất nhiều HS trong lớp bức xúc vì nhu cầu là được đi học thêm bên ngoài nhưng lại phải theo học chính những thầy cô đang dạy ở lớp. Thầy cô có sự phân biệt đối xử rất rõ giữa những em học thêm và không đi học thêm và cách ra bài thường theo kiểu "không học tôi không thể làm được". 

“Có những người thầy chuyên môn giỏi, có cách truyền đạt tốt con mình tự nguyện theo học để thi ĐH. Còn những GV làm khó HS thì việc áp dụng những hình phạt là nên, kể cả phạt bằng tiền. Nếu anh không muốn bị phạt thì đừng vi phạm”, phụ huynh này cho hay. 

Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, hiệu trưởng Trường THPT Gia Định, TPHCM cho rằng, quan điểm của Bộ GD-ĐT khi đề ra chế tài xử phạt là nhằm hạn chế, giảm thiếu tình trạng dạy thêm tiêu cực chứ không phản đối việc dạy thêm chính đáng. Lâu nay, với những GV gây “nhũng nhiễu” cho HS, nhà trường nhận được đơn thư phản ánh cũng chỉ gọi lên nhắc nhở rồi… để đó vì chưa có chế tài. Việc xử phạt những GV này là hợp lý nhưng chỉ có thể đối với những nơi có cách quản lý tốt

"Bắt" sao cho trúng?

Đồng tình với phương án “làm sai phải chịu phạt” nhưng các nhà giáo đều cho rằng, việc xử phạt không dễ thực hiện vì chúng ta chưa có cơ chế quản lý chặt chặt chẽ. Việc “bắt” đúng người, đúng tội là cả một vấn đề.

Bà Thu Cúc phân tích, một GV khi lên lớp họ phải dạy đúng bài, đúng nội dung dưới dự quản lý chuyên môn của nhà trường. Còn những GV đã không có tâm, tiêu cực nếu cắt giảm người ta cắt rất khéo. Họ vẫn dạy đầy đủ chương trình, dạy không thiếu phần nào hết nhưng có thể họ sẽ “lái” cách truyền đạt làm HS không hiểu bài thì ai có thể bắt họ, ai có thể phạt họ 3 - 5 triệu đồng vì lỗi này?

Thực tế, một khi người thầy đã không có tâm thì không thiếu các chiêu thức để “ép” HS đến học mình một cách “tự nguyện”. Nếu không học mình, dù có học bên ngoài nhiều đến đâu vào lớp khi thầy đã có ý “gây” thì cũng khó mà làm được bài.

Chẳng thể vì HS không làm được bài rồi chúng ta… đòi phạt thầy. Vậy suy cho cùng mục đích chế tài là tích cực nhưng không khả thi. Tuy nhiên, cũng phải cần nhìn nhận số GV "ép" HS học thêm mình không nhiều, chủ yếu việc học thêm vẫn từ chính nhu cầu của phụ huynh, HS.

Nhiều GV cũng lo ngại, nếu chế tài được thông qua, việc “bắt lỗi” GV tiêu cực sẽ thực hiện như thế nào. Một số nơi khi thực hiện thông tư 17 về dạy thêm học thêm một cách máy móc, ập đến bắt dạy thêm như bắt trộm, bắt buôn lậu… làm tổn thương cả nhà giáo và học trò một cách ghê gớm và cũng đã bị dư luận lên án. 

“Chúng ta nên cân nhắc kỹ lưỡng, vì khi nghe một lệnh cấm, lệnh phạt là nhiều cấp quản lý rất vội vàng, thực hiện rập khuôn, cứng nhắc.. có thể gây bức xúc cho thầy cô giáo. Vì thế trước hết cần có sự thống nhất, rõ ràng trong quản lý”, bà Cúc bày tỏ. 

Bà Phạm Thị Huệ - hiệu trưởng Trường THCS Bạch Đằng cho rằng chúng ta đang đưa ra quy định cấm, xử phạt mà chưa tập trung giải quyết các vấn đề căn cơ một cách đồng bộ, đi đúng vào nguyên nhân của dạy thêm học thêm. Mà cụ thể là cần thay đổi chương trình học, cách ra đề thi, đẩy mạnh khả năng tự học, cải thiện đời sống cho GV... 

Việc đề xuất mức xử phạt đối với vi phạm quy định dạy thêm tuy không dễ thực hiện nhưng cho thấy ngành giáo dục thật sự đang rất quyết tâm, mong muốn giải quyết một cách triệt để tình trạng dạy thêm học thêm tràn lan gây bức xúc cho dư luận lâu nay. 
 

Dự thảo Nghị định về quản lý lĩnh vực giáo dục, Bộ GD-ĐT kiến nghị mức phạt tiền từ 3 đến 30 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về dạy thêm theo các mức phạt. Cụ thể, phạt từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi cắt giảm chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm, ép buộc HS học thêm; Từ 5 - 10 triệu đồng đối với đơn vị tổ chức dạy thêm tại địa điểm không đảm bảo quy định.

Phạt từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi quản lý thu, chi tiền dạy thêm học thêm không đúng quy định, hồ sơ không đầy đủ; Phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi dạy thêm không có giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn sử dụng.

Riêng đối với hành vi cấp phép day thêm, học thêm không đúng thẩm quyền thì dự thảo đề xuất mức xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng.

 

Hoài Nam