Phản đối sáp nhập trường ở Hà Tĩnh: Lãnh đạo tỉnh đối thoại với người dân

(Dân trí) - Sáng nay 12/10, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi đối thoại với người dân xã Hương Bình, huyện Hương Khê liên quan đến sực việc hàng chục hộ dân nơi đây phản đối việc sáp nhập trường dẫn tới hiện có gần 500 em học sinh chưa được đến trường.

Gần 500 học sinh chưa được đến trường

Tham gia buổi đối thoại về phía chính quyền có đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh dẫn đầu, cùng nhiều lãnh đạo các cấp, ban ngành Hà Tĩnh.

Người dân trình bày những tâm tư, những khúc mắc trong buổi đối thoại
Người dân trình bày những tâm tư, những khúc mắc trong buổi đối thoại

Thông tin từ Phòng GD-ĐT huyện Hương khê (Hà Tĩnh) cho biết, hiện vẫn có gần 500 học sinh (HS) thuộc ba cấp trên địa bàn vẫn chưa tới lớp.

Cụ thể trường Mầm non Hương Bình mới 30 trên tổng số 215 em, Tiểu học có 29/255, THCS sáp nhập sang cơ sở mới có 70/247 tới lớp, một số em được bố mẹ chuyển vào miền Nam hoặc sang huyện khác học.

Theo phản ánh của những phụ huynh thì khi xuống các cơ sở mới các em phải đi một quãng đường rất xa, lại phải đi ra đường mòn Hồ Chí Minh hết sức nguy hiểm, hơn nữa đây là 2 địa bàn thấp trũng thường xuyên bị lũ lụt... Đó là một trong những lý do khiến người dân không đồng tình với chủ trương sáp nhập trường và đã đồng loạt cho con em của mình nghỉ học để thể hiện sự phản đối.

Bà Trần Thị Huệ: “Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương sáp nhập. Nhưng bây giờ giải thể trường này và bắt con em chúng tôi phải xuống tận Hòa Hải hay Phúc Đồng thì chúng tôi không đồng ý”.

Người dân trình bày những tâm tư, những khúc mắc trong buổi đối thoại
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh khẳng định sáp nhập trường là chủ trương đúng đắn vì sự phát triển lâu dài của nền giáo dục.

“Các em còn quá nhỏ, nếu để các em tự đi đến trường qua đường mòn Hồ Chí Minh thì hết sức nguy hiểm. Đường thì vắng mà các loại xe tải, container thì chạy rất ẩu, chúng tôi hết sức lo lắng cho tính mạng của các con”, bà Huệ cho biết thêm.

Tại buổi đối thoại, người dân đã đặt ra rất nhiều câu hỏi, khúc mắc với mong muốn được các lãnh đạo giải thích thấu đáo: Việc sáp nhập trường có thực sự mang lại hiệu quả và đó đã là giải pháp tối ưu hay chưa? Hay có những uẩn khúc đằng sau việc sáp nhập trường này, cái được và cái không được của việc sáp nhập trường...

Và quan điểm của những người dân là ủng hộ chủ trương song mong muốn được giữ ngôi trường làm phân hiệu.

“Chúng tôi chưa thỏa mãn”

Sau khi lắng nghe những tâm tư, ý kiến của người dân, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã trả lời tất cả những câu hỏi, khúc mắc của người dân đặt ra. Đồng thời giải thích rõ ràng về những lợi ích của chủ trương sáp nhập trường.

Nhiều người dân bỏ ra về khi cuộc đối thoại vẫn đang diễn ra.
Nhiều người dân bỏ ra về khi cuộc đối thoại vẫn đang diễn ra.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết những tâm tư, nguyện vọng của người dân hoàn toàn chính đáng, song để phục vụ cho mục tiêu phát triển lâu dài, để nền giáo dục có những bước phát triển thì sáp nhập trường là một chủ trương đúng đắn và phải thực hiện.

"Chủ trương sáp nhập Trường THCS Hương Bình là hoàn toàn đúng đắn, là yêu cầu tất yếu của sự phát triển. Đây là chủ trương lớn nhằm khắc phục tình trạng quy mô nhỏ, chất lượng hạn chế tại các trường, tránh lãng phí trong bố trí các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân, tạo điều kiện tập trung đầu tư nguồn nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới", ông Bình nói.

Tuy nhiên những câu trả lời từ phía chính quyền vẫn chưa làm “thỏa mãn” những người dân nơi đây.

Có mặt tại buổi đối thoại, PV quan sát thấy, những người dân vẫn chưa đồng tình với những câu trả lời từ phía chính quyền. Thậm chí nhiều người dân đã bỏ về khi cuộc đối thoại vẫn đang diễn ra. Họ cho rằng những câu trả lời từ chính quyền còn chung chung.

“Chúng tôi hy vọng ngày hôm nay có lãnh đạo tỉnh về thì chúng tôi sẽ nhận được sự giải thích rõ ràng. Nhưng họ đều trả lời chung chung”.

Và theo khảo sát của chúng tôi thì những người dân nơi đây vẫn giữ nguyên quan điểm là tiếp tục cho các con nghỉ học để phản đối chủ trường.

Xuân Sinh - Tiến Hiệp