Phải làm sao khi hai đứa con trai suốt ngày đánh nhau, cãi vã?

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - "Tôi có hai cậu con trai. Một đứa hơn 2 tuổi và đứa kia 4 tuổi. Chúng cãi vã và đánh nhau cả ngày khiến tôi rất mệt mỏi", một bà mẹ chia sẻ.

Một bà mẹ tâm sự: "Tôi có hai cậu con trai. Một đứa hơn 2 tuổi và đứa kia 4 tuổi. Chúng cãi vã và đánh nhau suốt cả ngày.

Con lớn của tôi có vẻ luôn bực bội với em và không chịu chia sẻ bất kỳ món đồ chơi nào với em. Hai đứa nó dường như không thể chơi cùng nhau và bất cứ khi nào tôi để chúng gần nhau, chúng sẽ sớm bắt đầu đánh nhau.

Đứa nhỏ luôn bỏ dở thứ mà nó đang chơi và cố gắng giành đồ chơi của anh mình. Kết quả là nó sẽ bị anh đánh và gào khóc.

Tôi từng nghĩ trẻ con cãi vã là bình thường nhưng ở một mức độ nào đó, đôi khi tôi rất thất vọng và tự hỏi liệu có khi nào chúng có thể vui vẻ ở bên nhau hay không?".

Phải làm sao khi hai đứa con trai suốt ngày đánh nhau, cãi vã? - 1

Nhiều khi trẻ nhỏ rất dễ mâu thuẫn và cãi vã (Ảnh minh họa: The Acorn Within).

Tiến sĩ John Sharry, cây bút chuyên về vấn đề gia đình của báo Irish Times, chia sẻ: "Tranh chấp giữa trẻ nhỏ rất phổ biến trong các gia đình và đặc biệt nghiêm trọng ở lứa tuổi của hai con bạn.

Khi được 26 tháng tuổi, cậu con trai nhỏ của bạn có thể sẽ cố gắng chơi với đồ chơi hoặc tham gia trò chơi của anh trai mình nhưng vì cậu bé chưa biết cách chơi trò chơi đúng cách hoặc cư xử đúng mực nên đã xâm phạm vào anh trai mình và bị anh đánh.

Cậu con trai lớn của bạn thì cũng chỉ mới 4 tuổi. Cậu nhóc chỉ mới học cách chia sẻ và có thể không thích sự chú ý của em trai. Cậu có thể bực bội với em, người mà cậu bé coi là đối thủ cạnh tranh để được cha mẹ chú ý.

Cả hai đứa trẻ đều có khả năng rất nhạy cảm với cách bạn phản ứng với những tranh chấp của chúng và sẽ rất khó chịu nếu bạn đứng về một trong hai phía.

Cố gắng không bênh vực chỉ một trong hai con

Một phản ứng phổ biến khi hai đứa con đánh nhau là để cha mẹ trở thành trọng tài quyết định ai là người có lỗi, và sau đó trừng phạt đứa trẻ đó.

Hầu hết các bậc cha mẹ thường đứng về phía đứa trẻ nhỏ hơn và nói với đứa lớn hơn rằng: "Con lớn hơn thì phải nhường em chứ" hoặc là "Đưa cho em món đồ chơi đó ngay".

Tuy nhiên, trong trường hợp đó, đứa trẻ lớn hơn thường cảm thấy cha mẹ thiên vị em của mình. Điều này càng khiến nó bực bội hơn và không muốn phải chia sẻ bất cứ thứ gì với em trong tương lai.

Nếu có thể, chìa khóa để giải quyết những tranh chấp này là không thiên về một bên nào mà thay vào đó, bạn hỗ trợ cả hai giải quyết tranh chấp tiềm ẩn.

Ví dụ, nếu bạn thấy các con đánh nhau, bạn có thể nói: "Bây giờ chúng ta hãy bình tĩnh lại và giải quyết chuyện này. Trong nhà này không có chuyện anh em đánh nhau. Tất cả chúng ta phải nói chuyện nhẹ nhàng với nhau. Bố mẹ yêu cầu các con cư xử một cách tử tế và không tranh giành đồ chơi".

Khi bạn sử dụng hậu quả làm hình phạt, thay vì chọn hậu quả riêng một đứa trẻ, hãy cố gắng đưa ra những hậu quả ảnh hưởng đến cả hai, chẳng hạn như chúng phải dừng chơi cho đến khi chúng ngoan, hoặc chúng phải tách ra cho đến khi bình tĩnh.

Giữ giọng nói của bạn ấm áp và mềm mỏng, không trừng phạt và tức giận, là chìa khóa để thành công.

Khi một trong hai đứa trẻ là người sai

Đôi khi bạn sẽ phải can thiệp để giúp đỡ đứa trẻ này hơn đứa trẻ kia, nhưng cách bạn làm việc này rất quan trọng.

Ví dụ, nếu bạn cho rằng cậu lớn thô bạo với cậu con nhỏ thì bạn có thể nói với con rằng: "Nào, con hãy giữ bình tĩnh và chơi ngoan"; "Con vẫn thường nhường em cơ mà".

Bạn cũng có thể gọi con sang một nơi khác để sửa sai thay vì làm điều này trước mặt em của nó, điều này có thể làm tăng sự oán giận và cạnh tranh. Nếu bạn sửa lỗi cho con lớn, bạn cần phải tỏ ra hoàn toàn công bằng.

Bên cạnh đó, nếu bạn thấy cậu bé sắp giành lấy đồ chơi của anh trai mình, bạn có thể đưa cậu nhóc sang nhóm đồ chơi khác để đánh lạc hướng cậu và nói: "Hãy nhường chỗ cho anh trai của con, và chúng ta sẽ chơi với những chiếc xe ở đây".

Hướng dẫn trẻ giải quyết vấn đề

Về lâu dài, điều quan trọng là dạy hai cậu con trai của bạn cách giải quyết xung đột và học cách chia sẻ. Đôi khi điều này có thể được thực hiện trong lúc tranh cãi gay gắt, bằng cách đề nghị trẻ, đặc biệt là trẻ lớn hơn, dừng lại và suy nghĩ.

Ví dụ, bạn có thể nói với các con rằng: "Khoan đã, chúng ta có một bộ Lego và hai cậu bé - chúng ta có thể làm gì đây?" hoặc bạn có thể hướng dẫn cụ thể: "Bây giờ chúng ta thay phiên nhau chơi món đồ chơi này nhé. A, con chơi bây giờ và sau đó B có thể chơi".

Trong vai trò cha mẹ, bạn có thể huấn luyện con trẻ vào những thời điểm khác để ngăn chặn vấn đề từ đầu.

Ví dụ, khi trò chuyện với cậu con trai lớn hơn, bạn có thể giúp cậu bé hiểu một cách tích cực về em trai mình: "Em thích chơi đồ chơi của con vì cậu bé ngưỡng mộ anh và muốn học hỏi từ anh trai của mình".

Bạn cũng có thể cố gắng khám phá, tìm ra những điều khác mà cậu bé quan tâm, đánh lạc hướng cậu nhóc bằng một món đồ chơi khác.

Dạy trẻ cách chơi cùng nhau

Trong khi cha mẹ thường cho rằng trẻ em tự nhiên biết cách chơi với nhau, thì sự thật là nhiều trẻ nhỏ cần được hỗ trợ để học những kỹ năng này.

Hãy dành thời gian để ngồi chơi với con, nhẹ nhàng hướng dẫn chúng và khuyến khích bất kỳ hành động, thái độ tích cực nào.

Ví dụ bạn có thể nói: "Con đã kiên nhẫn đợi đến lượt mình, con làm rất tốt"; "Con thật tốt bụng khi chia sẻ đồ chơi với em" hoặc "Cách con xin anh chơi đồ chơi cùng thật đáng yêu"...

Về lâu dài, bạn nên giúp các con mình khám phá lẫn nhau với tư cách là bạn chơi và bạn đồng hành. Hãy dạy dỗ con để chúng nhận ra những lợi ích mà việc "có anh có em" mang lại cho cuộc sống của chúng.

Theo Talk