PGS trẻ nhất ĐH Sư phạm Huế: 1 năm đăng 19 bài báo trên tạp chí quốc tế

(Dân trí) - “Giảng dạy và nghiên cứu là một nghề, luôn cố gắng để “sống được” bằng nghề và gắn bó với nghề. Đó là động lực quan trọng giúp tôi gắn bó với công việc mình đã chọn, làm việc chăm chỉ và vượt qua khó khăn”.

Đó là những chia sẻ về nghề dạy học của PGS.TS. Bùi Đình Hợi - giảng viên khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, là Phó Giáo sư trẻ nhất trong số 11 giáo sư, phó giáo sư của trường được bổ nhiệm năm 2017.

Trở thành phó giáo sư ở độ tuổi 35, anh không giấu nổi sự vui mừng: “Chắc chắn đó cũng là cảm xúc chung của bất kỳ ai khi đón nhận niềm vinh dự này. Chức danh đó có nhiều ý nghĩa quan trọng, trong đó thể hiện sự nỗ lực không ngừng trong giảng dạy và nghiên cứu; sự ghi nhận của xã hội; là dấu mốc cho sự trưởng thành trong công việc và sự nghiệp của mỗi người ở vị trí như tôi”.

Vốn là sinh viên từ trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế, PGS.TS. Bùi Đình Hợi đã được học từ các thầy cô rất nhiều điều, từ chuyên môn cho đến các phẩm chất của một nhà giáo. Nay trở thành một giảng viên và được sống trong môi trường làm việc đầy tính nhân văn đã giúp anh vững tin hơn khi chọn và gắn bó với ngôi trường này. Tiếp bước truyền thống của những người thầy đi trước, anh nguyện làm người truyền lửa cho các thế hệ sinh viên mới trên hành trình đem tri thức đến khắp mọi vùng của Tổ quốc.

Bằng sức trẻ và tình yêu nghề, anh nhận thấy mình cần học tập, nghiên cứu tích cực hơn nữa để đóng góp một phần nhỏ bé vào sự nghiệp giảng dạy, bồi dưỡng, đào tạo và chuyển giao công nghệ của Nhà trường. Các mục tiêu đặt ra từng bước được anh chinh phục.

Đến nay, anh là tác giả và đồng tác giả của khoảng 40 bài báo khoa học công bố, đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành thuộc danh mục ISI, trong đó có các tạp chí được xếp hạng cao. Đặc biệt, trong năm 2017, anh có 19 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế, một con số kỷ lục từ trước đến nay.

Các nghiên cứu anh tập trung vào lĩnh vực vật lý các chất đông đặc (ngưng tụ). Trong đó, nghiên cứu chuyên sâu về các hệ vật liệu thấp chiều như hố lượng tử, siêu mạng bán dẫn. Đặc biệt, gần đây là các vật liệu thấp chiều thế hệ mới siêu mỏng (có bề dày chỉ bằng một hoặc vài lớp nguyên tử) và các dị tiếp xúc của chúng. Các vật liệu này đã và đang là đối tượng quan tâm bậc nhất của các nhà Vật lý chất rắn và khoa học vật liệu trên thế giới do chúng có nhiều tính chất mới và ưu điểm so với các vật liệu bán dẫn truyền thống, mở ra nhiều ứng dụng mới trong các thiết bị và linh kiện quang - điện tử, đặc biệt ở kích thước nhỏ cỡ nanomet.

PGS trẻ Bùi Đình hợi - giảng viên Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế (trái) cùng Hiệu trưởng nhà trường - PGS.TS. Lê Anh Phương
PGS trẻ Bùi Đình hợi - giảng viên Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế (trái) cùng Hiệu trưởng nhà trường - PGS.TS. Lê Anh Phương

Bên cạnh đó, anh thực hiện các nghiên cứu lý thuyết và tính số về các tính chất Vật lý và một số hiệu ứng xảy ra trong các cấu trúc vật liệu thấp chiều (cấu trúc nano) đã đề cập ở trên. Cụ thể là khảo sát cấu trúc tinh thể, các tính chất điện tử (cấu trúc vùng năng lượng, sự chuyển pha điện tử), tính chất quang, điện - từ và một số hiệu ứng xảy ra khi hệ vật liệu được đặt trong trường điện từ ngoài. Mục đích là tìm ra các tính chất, các đặc điểm mới mà các vật liệu trước đó không có. Đây là các vấn đề nghiên cứu có tính thời sự và có ý nghĩa khoa học cao. Ngoài việc giải thích lý thuyết, làm rõ cơ chế quy định các tính chất và các hiệu ứng xảy ra, các kết quả tìm được còn góp phần định hướng cho các nghiên cứu ứng dụng của các vật liệu đó vào từng thiết bị, linh kiện cụ thể.

Để có kết quả như hôm nay, bên cạnh sự đồng hành của gia đình, thầy cô và đồng nghiệp là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân khi phải vượt qua bao khó khăn. Những năm tháng miệt mài nghiên cứu giúp anh đúc kết được nhiều kinh nghiệm quý giá để có được kết quả tốt nhất.

Anh luôn tâm niệm việc giảng dạy và nghiên cứu là một nghề, vì vậy luôn cố gắng để “sống được” bằng nghề và gắn bó với nghề. Đó là động lực quan trọng giúp anh gắn bó với công việc mình đã chọn, làm việc chăm chỉ và vượt qua khó khăn.

Chọn học và nghiên cứu Vật lý vì thực sự yêu thích Vật lý. Được nghiên cứu một lĩnh vực (dù nhỏ) của Vật lý giúp anh nâng tầm hiểu biết và thỏa mãn sự tò mò của mình đối với lĩnh vực này. Để đạt được mục đích đề ra cần phải chấp nhận hi sinh, “mất mát, chẳng hạn thời gian dành cho người thân, bạn bè, những đam mê khác, thậm chí là sức khỏe bản thân”.

Theo PGS.TS. Bùi Đình Hợi, sự hợp tác và làm việc nhóm là kỹ năng hết sức quan trọng trong nghiên cứu. Hợp tác trong công việc giúp phát huy sức mạnh tập thể, khai thác điểm mạnh của mỗi thành viên trong nhóm nghiên cứu, có cơ hội chia sẻ các ý tưởng và cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc: “Tôi may mắn có cơ duyên được quen biết và làm việc với một số đồng nghiệp ở trong nước cũng như quốc tế, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Hiếu (ĐH Duy Tân), PGS.TS. Huỳnh Vĩnh Phúc (ĐH Đồng Tháp), TS. Nguyễn Văn Chương (Học viện Kỹ thuật quân sự), TS. Yarmohammadi (Iran). Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ họ và thông qua hợp tác chúng tôi thu được các kết quả nghiên cứu rất quan trọng”.

Đạt được những thành quả đáng khích lệ nhưng anh vẫn luôn khiêm tốn và cho rằng: “Những gì tôi đã đạt được thực sự còn nhỏ bé so với nhiều đồng nghiệp mà tôi biết, đặc biệt là so với các nhà nghiên cứu quốc tế thì vẫn còn một khoảng cách khá xa”. Vì vậy, trong tương lai gần, anh mong có thể đạt được một số kết quả tốt trong hướng nghiên cứu đã chọn và muốn được học hỏi thêm nhiều điều thú vị, mới mẻ từ các đồng nghiệp.

Mai Lan - Đại Dương