Olympic Tiếng Anh Tiểu học là một “sân chơi” trí tuệ bổ ích

Từ ngày 4/4/2015 đến 27/4/2015, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội phối hợp Language Link Việt Nam tổ chức Olympic Tiếng Anh Tiểu học lần thứ 12. Đây được xem là một “sân chơi” bổ ích, lý thú cho các em học sinh giao lưu, học hỏi, trau dồi thêm trình độ và tăng thêm niềm yêu thích tiếng Anh.

Bên lề Olympic, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội đã có cuộc trò chuyện xoay quanh việc giảng dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học trên địa bàn thủ đô.

Xin ông cho biết đánh giá đôi nét về việc dạy và học tiếng Anh trong các trường tiểu học ở Hà Nội hiện nay?

Ông Phạm Xuân Tiến: Tại Hà Nội, việc dạy học ngoại ngữ theo đề án “Ngoại ngữ quốc gia 2020” đã được triển khai từ năm học 2008-2009. Nhìn chung, việc dạy và học tiếng Anh tại các trường tiểu học thủ đô đảm bảo đạt chuẩn kiến thức và kỹ năng theo quy định của Bộ Giáo dục & Đào tạo. Tuy nhiên, chất lượng giảng dạy, học tập tiếng Anh ở một số trường tiểu học còn hạn chế, chủ yếu đảm bảo kỹ năng đọc - viết còn kỹ năng nghe - nói rất yếu, nhất là học sinh ở những trường ngoại thành. Ngoài nguyên nhân do điều kiện giảng dạy và học tập tiếng Anh của một số trường còn thiếu thốn, trình độ khả năng và phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng là một nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Hiện nay, giáo viên tiếng Anh trong các trường tiểu học trên địa bàn thành phố hầu hết được đào tạo theo trình độ cao đẳng sư phạm nên có những hạn chế nhất định trong việc dạy kỹ năng nghe - nói. Các thầy cô giáo chủ yếu dạy từ, ngữ pháp chứ chưa chú trọng việc dạy kỹ năng nghe - nói cho các em.

Ông Phạm Xuân Tiến
Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội.

Từ thực tế này, Sở giáo dục & Đào tạo Hà Nội đã có biện pháp gì để khắc phục những hạn chế trên?

Ông Phạm Xuân Tiến: Chúng tôi đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập tiếng Anh tại các trường tiểu học như tăng cường đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt trình độ tối thiểu B2, tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa... Bên cạnh đó, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội cho phép các nhà trường liên kết với những đơn vị, tổ chức tiếng Anh quốc tế để đưa giáo viên nước ngoài tham gia kết hợp giáo viên nhà trường dạy tiếng Anh cho học sinh. Thông qua phương pháp giảng dạy theo giáo trình nước ngoài và trực tiếp tiếp xúc với giáo viên người nước ngoài sẽ giúp các em được tiếp cận phương pháp học tập năng động, sáng tạo, học mà chơi, chơi mà học. Từ đó sẽ yêu thích môn tiếng Anh hơn, đồng thời tăng cường kỹ năng nghe - nói giúp các em mạnh dạn, tự tin, nói chuẩn và chính xác khi giao tiếp. Một trong những tổ chức giáo dục nước ngoài uy tín mà chúng tôi phối hợp chặt chẽ về dạy và học tiếng Anh là Language Link Việt Nam, trong đó có việc đồng hành tổ chức Olympic Tiếng Anh Tiểu học và Trung học cơ sở suốt nhiều năm qua.

Ông Phạm Xuân Tiến
1068 học sinh từ hơn 300 trường thuộc 29 quận huyện thủ đô đã tham gia vòng sơ khảo Olympic Tiếng Anh Tiểu học lần thứ 12.

Để tránh bệnh thành tích và giảm áp lực thi cử cho học sinh, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có chỉ thị không tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học, không tổ chức ôn luyện thi “gà nòi”... Vậy lý do tại sao Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội vẫn phối hợp với Language Link Việt Nam tổ chức Olympic tiếng Anh Tiểu học, thưa ông?

Ông Phạm Xuân Tiến: Trước hết tôi khẳng định rằng, đây là Olympic Tiếng Anh chứ không phải là một cuộc thi tranh giành thứ hạng như bình thường. Olympic Tiếng Anh không đặt ra áp lực tâm lý, chạy đua giải thưởng cho các em thí sinh mà như một “sân chơi” trí tuệ về ngôn ngữ, tiếp thêm cho các học sinh niềm đam mê, hào hứng học tập môn tiếng Anh. Tại đây, các em sẽ có cơ hội trải nghiệm nội dung hoạt động thiết kế theo tiêu chuẩn khảo thí quốc tế nhằm đánh giá toàn diện và chính xác năng lực bản thân trên cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Đặc biệt, phần phỏng vấn do giáo viên nước ngoài đảm nhiệm sẽ giúp các em thêm tự tin và phát huy kỹ năng nghe – nói, một trong những điểm hạn chế của nhiều học sinh Việt Nam hiện nay. Cũng thông qua Olympic, các thầy cô giáo dạy tiếng Anh có cơ hội nhìn nhận, đánh giá lại kết quả giảng dạy, học tập tiếng Anh của trường đồng thời rút ra kinh nghiệm, đổi mới phương pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy tiếng Anh cho học sinh.

Ông Phạm Xuân Tiến
Các em hào hứng tham gia hoạt động truyền thống “Easy English – Tiếng Anh thật dễ” cùng giáo viên nước ngoài.

Vậy xin ông cho biết những kết quả Olympic Tiếng Anh Tiểu học đã đạt được sau 11 năm tổ chức?

Ông Phạm Xuân Tiến: Tôi vui mừng nhận thấy Olympic Tiếng Anh Tiểu học là một trong những hoạt động đóng góp thiết thực, hiệu quả triển khai đề án “Ngoại ngữ quốc gia 2020”. Đây là chương trình được đánh giá thành công nhất về số lượng cũng như chất lượng thí sinh tham dự, quy mô tổ chức và ý nghĩa trong việc phát động phong trào học tiếng Anh cho học sinh toàn thành phố. Cụ thể, từ năm 2003 đến nay đã có gần 12,000 học sinh tham dự. Rất nhiều thí sinh trưởng thành từ Olympic đã gặt hái được nhiều thành tích tại các cuộc thi trong nước và quốc tế. Một lần nữa tôi có thể khẳng định, Olympic Tiếng Anh là một “sân chơi” trí tuệ, bổ ích, khuyến khích các em học tập môn tiếng Anh.

Ông Phạm Xuân Tiến
Thí sinh làm bài thi trắc nghiệm 45 phút vòng sơ khảo. Dự kiến 150 em đạt kết quả cao nhất sẽ được lựa chọn vào vòng chung khảo thứ 7, ngày 18/04 tới.

- Với những đóng góp ý nghĩa của Olympic Tiếng Anh Tiểu học đối với việc dạy và học tiếng Anh tiểu học ở Hà Nội, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội có hướng chỉ đạo như thế nào để tiếp tục duy trì và phát triển Olympic Tiếng Anh Tiểu học trong thời gian tiếp theo?

Ông Phạm Xuân Tiến: Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Language Link Việt Nam để tổ chức tốt hơn nữa Olympic Tiếng Anh Tiểu học trong những năm tiếp theo. Thông qua đó, Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội cũng sẽ có định hướng, bổ sung, điều chỉnh phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh trong các trường tiểu học.

Xin trân trọng cảm ơn ông!