Ở nơi sách là xa xỉ phẩm

(Dân trí) - Ít có ai ngờ rằng, ở TPHCM phồn hoa lại có một trường học mà học trò hàng ngày chòng chành trên biển đảo hơn 1 giờ đồng hồ đến lớp. Cũng khó tin rằng, nơi ấy, thầy và trò thay phiên nhau từng cuốn sách để đọc.

Ở nơi sách là xa xỉ phẩm  - 1

Để đến trường, các em học sinh THPT và các em ở ấp Thiềng Liềng phải vào trung tâm huyện hoặc trường THCS Thạnh An trên đường biển hơn 1 giờ đồng hồ
Vượt biển tìm chữ

Phải hơn 2 giờ đồng hồ trên đường thuỷ lẫn đường bộ chừng 100km từ trung tâm TPHCM chúng tôi mới về đến huyện Cần Giờ. Tại đây, chúng tôi phải lênh đênh gần 1 giờ đồng hồ trên biển mới về đến xã đảo Thạnh An. Đứng trên boong tàu, nhìn về phía khơi xa, đảo Thạnh An như một vệt xám giữa biển xanh muôn trùng.

Các chiến sĩ đồng biên phòng 554 - đơn vị trực chiến bảo vệ an toàn biên giới biển TPHCM vui mừng khôn xiết khi có người từ đất liền đến thăm. Chiến sĩ Lê Quốc Dũng nhìn thuyền đè sóng lướt về đảo cho biết: “Đây là con đường mà hằng ngày, các em học sinh đều phải đi qua để đến với lớp học”.

Ở xã đảo Thạnh An, khi các em học sinh vào THPT thì phải vào trường cấp 3 ở trung tâm huyện Cần Giờ học. Hằng ngày, những chuyến đò từ 5 đến 6 giờ sáng lại vượt sóng gần 1 giờ đồng hồ đưa các em từ đảo vào đất liền để học. Đến chiều lại về. Đó là những lúc biển bình yên. Còn những khi biển động, sóng lớn, có khi thuyền chòng chành cả 2 giờ mới cập bờ.

Đảo Thạnh An đón chúng tôi bằng con đường độc đạo dẫn liền vào trong. Người dân ở đây kể, có bỏ xe máy bên lề đường cả ngày cũng chẳng ai lấy, người lạ nào xuất hiện ở đảo thì từ đầu làng đến cuối xóm ai cũng biết. Nói như thế để thấy sự an toàn, đoàn kết trong lòng người dân. 
 
Ở nơi sách là xa xỉ phẩm  - 2

Là cư dân của thành phố lớn nhất nước, nhưng các em phải học hành trong điều kiện thiếu thốn về vật chất, sách vở…

Thiếu tá Võ Minh Tâm - Trưởng đồn biên phòng 554 cho biết, xã đảo hiện có khoảng 7.000 dân. Trẻ em đến tuổi đi học đều được vận động đến trường. Xã có 3 ấp. Tuy nhiên, ấp Thiềng Liềng lại là một hòn đảo nhỏ, nằm cách đảo Thạnh An khoảng 1 giờ đi tàu trên biển. Các em học sinh cấp 1, cấp 2 ở ấp Thiềng Liềng hàng ngày lại phải qua trường học bằng thuyền hơn 1 tiếng đồng hồ trên biển. Bằng với đoạn đường mà các em học sinh cấp 3 từ đảo Thạnh An sang trung tâm huyện Cần Giờ. Ngoài ra, tại ấp Thiềng Liềng, các chiến sĩ cũng đã mở lớp học tình thương cho khoảng 40 em nhỏ, và lớp xoá mù chữ cho người dân ở đây.

Cuộc sống kinh tế khó khăn, nhưng các chiến sĩ ngoài nhiệm vụ bảo vệ an toàn biển đảo, họ còn tích cực vận động và đưa đón, giúp đỡ các cháu trong hành trình vượt biển tìm con chữ.  

Khát khao có sách để đọc

Xã đảo Thạnh An là một trong những xã nghèo và chịu nhiều thiên tai nhất của TPHCM. Đây từng là nơi gánh chịu nặng nề nhất sự càn quét của cơn bão dữ Durian vào năm 2006. Người dân trên đảo sống chủ yếu nhờ vào nghề làm muối và đánh bắt hải sản ven bờ nên còn rất nhiều khó khăn. Các em nhỏ ngoài thời gian đến trường còn phải phụ giúp cha mẹ đi đánh bắt. Cuộc sống mưu sinh còn chật vật khiến việc tiếp cận với sách đã trở thành một điều gì đó rất đỗi xa xỉ với người dân Thạnh An.  

Thầy Trương Hữu Phước - Hiệu trưởng trường THCS Thạnh An cho biết, trường hiện có 300 học sinh, 30 giáo viên. Nhà trường còn thiếu thốn về phòng ốc, phòng thí nghiệm, phòng chức năng… Đặc biệt, nhà trường thiếu trầm trọng về sách giáo khoa, sách tham khảo cho học sinh và cả giáo viên.

Nhiều gia đình không có tiền mua sách vở cho con em. Từ nhiều năm qua, nhà trường đã phát động phong trào nhường sách giáo khoa của lớp trước cho lớp sau, nhà này cho nhà khác nhưng việc học, đọc của các em vẫn còn hết sức hạn chế.
 
Ở nơi sách là xa xỉ phẩm  - 3

Các chiến sĩ xã đảo vận chuyển sách về trường cho các em học sinh

Trung uý Bùi Văn Ca - đồn biên phòng 554 tâm sự: “Bên cạnh nhiệm vụ chính là canh giữ bờ biển, chiến sĩ còn tham gia trồng rừng, hỗ trợ đời sống và đặc biệt là dạy học, phổ cập kiến thức cho người dân đảo. Nhưng sách ở đây để cho các chiến sĩ đọc cũng thành một xa xỉ phẩm”. 

Chị Thuý - người đẩy xe ba gác, giúp chúng tôi vận chuyển 5.000 cuốn sách do Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, dự án OneBook do SachHay.com khởi xướng gửi tặng cho các chiến sĩ đồn biên phòng 554 và trường THCS Thạnh An cho tôi biết: “Học sinh ở đây mua sách trả góp giá đến 100.000 đồng/bộ vậy mà, đang ký cả tháng trời mới có sách từ đất liền gửi ra”.  

Sau một ngày lặn lội trên xã đảo Thạnh An, chúng tôi hiểu được phần nào nỗi cơ hàn mà người dân nơi đây đang gánh chịu. Con thuyền chòng chành trên sóng nước đưa tôi về lại đất liền. Nhìn về phía đảo xa, các em nhỏ vẫn còn vẫy tay chào trong niềm luyến tiếc.  

Công Quang