Nuôi dạy con không phải là cuộc chiến!

(Dân trí) - Nuôi dạy con là một cuộc hành trình, không phải là cuộc chiến, người chiến thắng ngay bây giờ có khi lại thua về lâu dài. Bởi lẽ, kết quả của việc nuôi dạy con chỉ thể hiện đầy đủ khi con lớn lên, trở thành người trưởng thành và có thể tự lập trong cuộc sống của mình khi tách rời bố mẹ.

Nuôi dạy con nhỏ không phải là một cuộc chạy đua về các chỉ số (con dài được bao nhiêu cm, con nặng bao nhiêu kg…) bởi vì con có bé nhỏ thế nào rồi con cũng dần lớn lên. Đến một lúc nào đấy khi con đã trưởng thành, lúc nhìn lại, bố mẹ sẽ thấy những chỉ số cân đo đó không phải điều quan trọng nữa, mà điều quan trọng là con có phát huy được giá trị riêng của mình hay không.

Nuôi dạy con không phải là cuộc chiến! - 1

Nuôi dạy con là một cuộc hành trình (ảnh minh họa)

Khi nuôi dạy con nhỏ, bố mẹ không nhất thiết phải chăm chắm vào điểm số, thứ hạng cao ngay bây giờ, bởi vì điều quan trọng trong học tập là khơi gợi hứng thú học hỏi, tìm hiểu kiến thức của con, để rồi con phát hiện được lĩnh vực sở trường của mình và trau dồi khả năng ở lĩnh vực đó. Có như vậy, sau này khi lớn lên, con có thể làm công việc mà mình có thế mạnh, qua việc kiếm sống mà phục vụ được người khác với khả năng riêng biệt của mình và tìm được niềm vui hạnh phúc.

Nếu các bậc cha mẹ có thể nuôi dạy trẻ chậm rãi, từ tốn như thế này thì chính là đang thực hiện tinh thần của “giáo dục chậm” (slow education). Cuối năm 2002, Maurice Holt, Giáo sư Danh dự về Giáo dục tại Trường Đại học Colorado Denver (Mỹ), đã công bố cương lĩnh kêu gọi một phong trào rộng khắp thế giới mang tên “Giáo dục chậm”.

Theo Holt, tốt hơn cả là học tập ở nhịp điệu khoan thai, dành thì giờ để tìm hiểu sâu sắc môn học, thiết lập những kết nối, học cách làm thế nào để tư duy vẫn hơn là học cách làm thế nào vượt qua các kỳ thi.

Trong cuốn sách “Cảm ơn con đã chọn bố mẹ”, bác sĩ Nhật Bản Akira Ikegawa cho rằng, từ trước đến nay, người ta dễ lầm tưởng rằng “giáo dục là nhồi nhét kiến thức để trẻ em trở thành những người vĩ đại”. Tuy nhiên, bản chất của giáo dục chính là trang bị tính tự lập và khả năng tự quyết định hướng đi của cuộc đời cho trẻ.

Theo bác sĩ Akira Ikegawa, mục tiêu của giáo dục là một người đến 30 tuổi sẽ có thể cảm thấy hạnh phúc và sống một cuộc sống tự lập.

Xét như vậy, thì hành trình nuôi dạy con rất dài, tận 30 năm cơ mà! Tại sao các ông bố bà mẹ phải vội vàng đến thế, sao phải gấp gáp chạy đua với các gia đình khác thành ra làm khổ mình, làm khổ con?

Nguyên Chi

Dòng sự kiện: Phương pháp giáo dục