Nước sông Đà nhiễm dầu: Nhiều trường dùng nước đóng bình để nấu bán trú

(Dân trí) - Sau sự cố nguồn nước sông Đà bị nhiễm dầu, nhiều trường học ở Hà Nội dùng nước đóng bình để nấu ăn bán trú.

Trưa 10/10, nhiều hộ dân sống tại các khu chung cư trên địa bàn quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân… phát hiện nước có mùi hắc, nồng và có mùi clo rất nặng.

Lo lắng về “mùi lạ” bốc lên từ nguồn nước sạch, nhiều hộ dân đã phải cắt hoàn toàn việc dùng nước tại vòi mà chuyển sang mua nước đóng chai để sử dụng.

Tuy nhiên, điều phụ huynh lo lắng là nguồn nước ở bếp ăn bán trú của  hàng nghìn học sinh ở các nhà trường liệu có đảm bảo?

Anh Nguyễn Đ., phụ huynh học sinh Trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận Thanh Xuân) cho biết, trước lo lắng của phụ huynh về thông tin Hà Nội không cho dùng nước sông Đà vì ô nhiễm, anh đã kiểm tra phía nhà trường nơi con mình học. Được biết, sau khi có thông tin nguồn nước ô nhiễm, nhà trường đã dùng nước đóng bình để nấu cho các con.

Nước sông Đà nhiễm dầu: Nhiều trường dùng nước đóng bình để nấu bán trú - 1

Nhiều trường phải mua nước bình đóng chai để nấu ăn bán trú cho học sinh trước thông tin nước sông Đà nhiễm bẩn. 

Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cho hay, ngay sau khi có khuyến cáo của UBND thành phố Hà Nội, đơn vị này đã có văn bản khẩn gửi đến các trường học.

Theo đó, văn bản yêu cầu các trường học nghiêm túc thực hiện các nội dung theo khuyến cáo tại cuộc họp báo của UBND thành phố. Chỉ nên dùng nguồn nước này để tăm giặt, không nên dùng để nấu ăn.

Đồng thời, dùng nguồn nước đóng chai, đóng bình của các đơn vị khác thay thế, đảm bảo mọi hoạt động bán trú của học sinh diễn ra bình thường.

Tuyên truyền sâu rộng cho học sinh, giáo viên, phụ huynh học sinh được biết, rà soát nguồn nước sử dụng thay thế cho học sinh bán trú.

Các trường phải báo cáo ngay lên Phòng GD&ĐT cũng như UBND quận nếu nhà trường thiếu nước sạch.

Cũng theo ông Hữu, hiện trường học đã uống nước đóng bình. Một số trường có máy lọc nước cho hoạt động bán trú nhưng trường không có hệ thống lọc sẽ phải mua nước đóng bình để giải quyết tình thế.

Tuy nhiên, việc mua bình chỉ đủ để nấu trước mắt. Còn việc rửa, sơ chế đồ ăn, vẫn phải dùng nước thường.

“Trường hợp trường nào thiếu kinh phí khi mua nước đóng chai, phải báo cáo quận ngay để có giải pháp, không để học sinh ăn, uống bằng nước ô nhiễm”, ông Hữu cho biết.

Một trong những quận huyện có số lượng trường học sử dụng nước sông Đà nhiều nhất đến thời điểm này là quận Hà Đông.

Trao đổi với PV Dân trí sáng nay (16/10), bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Hà Đông cho biết, địa bàn Hà Đông có 128 trường học. Hầu hết các trường đều dùng nguồn nước sông Đà.

Nhiều trường học ở đây đã có hệ thống lọc nước sạch từ khi xây bếp ăn nên có thể an tâm hơn một chút. Còn lại các trường khác, nếu chưa có hệ thống lọc, Phòng GD&ĐT quận cũng khuyến cáo các đơn vị tạm mua nước đóng bình để nấu bán trú.

Tại trường Tiểu học Đại Từ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), bắt đầu từ ngày 14/10, nhà trường đã chỉ đạo nhà bếp lấy nước đóng bình để nấu cơm, canh cho học sinh. 

Tuy nhiên, với gần 2.000 học sinh, lượng nước bình chỉ cấp đủ để nấu cơm, canh còn nước rửa thực phẩm vẫn phải dùng nguồn nước bình thường. Riêng nước uống, lâu nay, học sinh đã uống nước đóng bình trên lớp nên không lo lắng.

Nước sông Đà nhiễm dầu: Nhiều trường dùng nước đóng bình để nấu bán trú - 2

Nhiều trường học ở Hà Nội có hệ thống lọc nước nhưng một số trường vẫn chưa có. 

Chia sẻ với PV Dân trí, bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàng Mai cho hay, phần lớn các trường học ở phía Tây của quận đều dùng nước sông Đà.

Ngoài một số trường đã có hệ thống lọc, ngày 14/10, Phòng đã chỉ đạo các trường đổi nguồn nước tạm thời sang các bình lọc tiêu chuẩn để sử dụng trong nấu ăn bán trú, nước uống cho học sinh.

Trên trang thông tin cá nhân, bà Văn Thuỳ Dương, Phó Hiệu trưởng Trường Lương Thế Vinh cũng đưa thông tin, ban giám hiệu nhà trường biết rằng phụ huynh sẽ rất quan tâm và lo lắng đến nguồn nước ăn uống và sinh hoạt cho học sinh tại trường Lương Thế Vinh - cơ sở A .

Tuy nhiên, theo bà Văn Thuỳ Dương, nguồn nước tại trường Lương Thế Vinh cho đến hiện tại vẫn là nguồn nước sạch và không bị ô nhiễm. Bởi lẽ, hệ thống nước sinh hoạt tại nhà trường là nguồn nước từ nhà máy nước Mai Dịch, thuộc công ty nước sạch Hà Nội cung cấp. Nhà trường không sử dụng nước sinh hoạt từ nguồn nhà máy nước Sông Đà.

Cũng theo giải thích của Phó hiệu trưởng này, phía bên kia đường Trần Duy Hưng, hiện sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước Sông Đà. Tuy nhiên, nhà trường may mắn rơi vào phía trục đường có sử dụng nguồn nước của nhà máy nước Mai Dịch nên phụ huynh học sinh không nên lo lắng.

Trước đó, ngày 10/10, nhiều hộ dân sống tại các khu chung cư trên địa bàn quận Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân… phát hiện nước có mùi hắc, nồng và có mùi clo rất nặng.

Trong khi đó, một số người dân tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình, cho biết từ ngày 8/10, quanh khu vực suối đầu nguồn gần nhà máy nước sạch Sông Đà xuất hiện dầu nhớt đã qua sử dụng, có mùi khét rất khó chịu.

Sáng 14/10, công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) mới có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9 đến 11/10. Văn bản này thừa nhận vào 12h ngày 9/10, thời tiết khu vực mưa, nhân viên bảo vệ đi vớt rong rêu phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng dầu. Do trời mưa, lượng dầu này tràn xuống nước của dòng suối đầu nguồn, sau đó tiếp tục chảy vào hồ Đồng Bài gây ô nhiễm nước.

Điều đáng nói dù đã biết nước bị nhiễm dầu, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà vẫn cung cấp nước đến người dân và không đưa ra khuyến cáo nào.

Mỹ Hà