Nữ thủ khoa từng thi trượt đại học

(Dân trí) - Năm trước, với số điểm 24, em Trần Mỹ Dung trượt Học viện An ninh. Không nản chí, cô học trò xinh xắn Trường THPT Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) ôn thi lại và vừa xuất sắc giành ngôi vị thủ khoa khối C Trường ĐH Luật TPHCM với số điểm 26.

Trần Mỹ Dung (sinh năm 1995) là con lớn trong một gia đình thuần nông có 3 người con thuộc miền sơn thượng Hà Tĩnh. Với tổng điểm 26 (trong đó Địa 9,5, Sử 9 và Văn 7,5 điểm), Mỹ Dung là một trong hai thủ khoa khối C của Trường ĐH Luật TPHCM, thành tích này của em góp phần làm rạng danh thêm vùng đất học Hà Tĩnh.
 
Trần Mỹ Dung - thủ khoa khối C Trường ĐH Luật TPHCM năm 2014
Trần Mỹ Dung - thủ khoa khối C Trường ĐH Luật TPHCM năm 2014.
 
Tờ mờ sáng, chúng tôi men theo con đường quanh co, ôm lấy dãy núi Hồng Lĩnh, để tìm về ngôi nhà nữ thủ khoa Trần Mỹ Dung thuộc thôn Hồng Hoa (xã Đức Đồng, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ngôi nhà nhỏ nằm dọc tuyến đường tỉnh lộ 5, từ lúc hay tin em Dung đạt thủ khoa, ngôi nhà càng tấp nập người vào ra, chúc mừng cô học trò xinh xắn, ngoan hiền này.
 
Ngôi nhà nhỏ tấp nập người vào ra khi nghe tin em Mỹ Dung đậu thủ khoa
Ngôi nhà nhỏ trở nên tấp nập mọi người đến chúc mừng, chia vui khi nghe tin em Mỹ Dung đậu thủ khoa.
 
Chia sẻ về thành tích mình vừa đạt được, Mỹ Dung cho biết: " Em cũng rất bất ngờ về thành tích của mình, lúc thi xong em nghĩ mình sẽ đậu, nhưng lại không nghĩ mình giành được thủ khoa".
 
Mỹ Dung sinh ra trong gia đình nghèo có 3 chị em, bố mẹ em phải suốt ngày bám lấy ruộng đồng để mưu sinh. Dung là chị cả, nên mọi công việc nhà đều do em đảm đương, từ việc bếp núc, chăm bà nội đã ngoài 75 tuổi, cho đến dạy dỗ 2 đứa em học hành.
 
Ngoài giờ học, Dung luôn là người chị cả đảm đang trong gia đình
Ngoài giờ học, Dung luôn là người chị cả đảm đang trong gia đình.
 
Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn mà gia đình mình đang trải qua, Dung luôn cố gắng hết mình trong học tập. Sự cố gắng của em đã được đền đáp với một bảng thành tích "dày cộp": 12 năm liền đều học sinh giỏi, trong 3 năm học phổ thông em đều đạt giải về môn Văn, thành tích cao nhất của em là vào năm lớp 12 em đạt giải Nhì môn Văn của tỉnh Hà Tĩnh.
 
Chia sẻ về phương pháp học của mình, Dung cho biết: "Em không ôn luyện tại một lò luyện thi nào cả, ngoài kiến thức sẵn có mà các thầy cô giáo dạy ở trường, thì em kết hợp việc học hỏi qua tivi, sách báo. Học khối C thì em luôn phải thực hiện song hành việc đọc và ghi nhớ. Đối với môn Văn thì em tự giải các đề có sẵn. Còn với môn Địa và môn Sử thì em lập bản đồ hình xương cá, sau đó ghi nhớ các ý chính và các ý phụ, mỗi lần làm xong em đều ghi lại vài lần cho nhớ, sau một vài tuần em lại tự ngồi nhớ lại bản đồ mình làm trước, theo cách nhớ của mình. Đối với em khó khăn nhất trong khi học, là mình không xác định được hướng đề thi ra như thế nào, nên cứ phải học thuộc tất cả, nên rất khó khăn…".
 
Được biết, gia đình Dung thuộc hộ cận nghèo của xã, thu nhập chính chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng đất màu (đất trồng lạc, đậu - PV), lại phụng dưỡng bà nội nay đã ngoài 75 tuổi. Khó khăn là thế, nên thời gian dành cho việc học của Dung cũng dần rút ngắn, thay vào đó em phải tần tảo cùng bố mẹ để kiếm thêm thu nhập.
 
"Việc học của em chỉ bắt đầu vào lúc 7h tối, vì hầu như ban ngày em phải đi giúp bố mẹ làm việc nhà và làm đồng. Mỗi ngày em chỉ học được 3 đến 4 tiếng, chứ không có thời gian nhiều" - Mỹ Dung chia sẻ về thời gian học của mình.
 
Chặng đường phía trước mà gia đình Dung đang phải vượt qua đầy khó khăn và thử thách
Chặng đường phía trước mà gia đình Dung đang phải vượt qua đầy khó khăn và thử thách.
 
Nói về cô học trò của mình, cô giáo Lê Thị Tuyết Nhung cho biết: “Dung là học trò giỏi nhất trong các khóa mà tôi chủ nhiệm, em có ý chí và nghị lực cao, luôn vượt lên trên hoàn cảnh. Em luôn được mọi người yêu quý và có tố chất thông minh, cách học của  Em không học theo mô típ có sẵn, mà luôn tìm tòi, luôn sáng tạo trong cách học và làm bài”.
 
Dù vui mừng khi con gái đậu thủ khoa, thế nhưng với bố mẹ của Dung thì từ đây nỗi lo, sự vất vả lại đè nặng lên cả hai người. Ông Trần Hoài Linh (SN 1966) - bố em Dung nói: "Tôi cố gắng đi làm thuê kiếm tiền cho cháu nhập học, chứ ở nhà làm nông thì chắc chắn không thể nuôi cháu học được. Trước mắt gia đình sẽ vay tiền cho cháu nhập học đã, rồi sẽ tính sau, đến đoạn nào hay đến đó chú à…". Nhìn vào đôi mắt của ông Linh chúng tôi biết, ông đang lo lắng cho chặng đường gian nan phía trước, mà gia đình ông đang sắp bước tới.
 
Nói về dự định của mình, Dung chia sẻ: "Gia đình em cũng đang vất vả, nên sau khi được nhập học, thì em sẽ kiếm thêm việc làm, kiếm thêm thu nhập phụ giúp vào việc học của em. Vì gia đình em còn hai em đi học nữa, bố mẹ chỉ làm nông nên chắc chăn khi em đi học thì bố mẹ càng thêm vất vả".
 
Chia tay gia đình em, với những cái bắt tay trìu mến và những lời hứa sẽ cố gắng học tập từ Dung, chúng tôi tin rằng, rồi mai đây, dù chặng đường em đang bước còn nhiều những khó khăn và thử thách, nhưng với nghị lực phi thường và sự hiền lành chịu khó thì nữ thủ khoa này nhất định em sẽ thành tài.
 
Anh Tấn - Văn Dũng