Nữ sinh sư phạm đưa cảnh "chen nhau tắm ở công viên nước" vào đề thi

(Dân trí) - Câu hỏi nghị luận xã hội mà Trang tâm đắc nhất không phải là câu có trích dẫn một câu nói của nhân vật Dom trong bộ phim bom tấn Fast and Furious 7 mà chính là câu liên quan đến sự kiện vượt rào, chen nhau tắm ở công viên nước.

Giúp học sinh bớt “sợ văn”

Mới đây, nhiều đề thi môn ngữ văn trong cuốn tuyển tập 90 đề thi thử quốc gia THPT môn Ngữ văn sử dụng dữ liệu “nóng” từ xã hội của nữ sinh Mai Tôn Minh Trang khoa Ngữ Văn (Đại học sư phạm Hà Nội) cùng nhóm bạn đã gây được nhiều sự chú ý và được nhiều người đánh giá như một “làn gió mới” trong cách ra đề thi.

Đặc biệt, dù Bộ GD-ĐT mới chỉ công bố 1 đề thi minh họa cho cách đổi mới ra đề môn ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 nhưng Trang cùng những người bạn đã kỳ công soạn thêm 45 đề thi khác.

Tác giả của đề thi chen nhau tắm ở công viên nước

Tác giả của đề thi chen nhau tắm ở công viên nước

Tập 1 cuốn tuyển tập 90 đề thi thử quốc gia THPT môn Ngữ văn được phát hành trong năm 2014 và tập 2 sẽ được phát hành trong tháng 6 này.

So với cuốn tập 1 thì 45 đề thi thử ở cuốn tập hai được coi là cuốn sách đầu tiên biên soạn theo cấu trúc đề thi minh họa mà Bộ GD-ĐT công bố ngày 31/3 vừa qua. Là một trong các tác giả của 2 tập sách, Mai Tôn Minh Trang cho biết khởi đầu từ rất nhiều trăn trở của các bạn trong nhóm, trong đó trăn trở nhất đó là làm thế nào để học sinh bớt “sợ văn”.

Trăn trở này xuất phát từ thức tế trải nghiệm thời học sinh chính bản thân mỗi thành viên trong nhóm. Trang cho biết, ngày còn học THPT (Trang là cựu học sinh chuyên văn, trường THPT chuyên Lam Sơn, Thanh Hóa), em cũng như các bạn thường phải làm những đề bài về nghị luận xã hội có hơi quá sức, thậm chí còn hơi xa lạ.

Điều may mắn nhất của Trang đó là cô giáo dạy văn của em là người luôn biết truyền cảm hứng. Những vấn đề tưởng như khô khan, nhưng dưới sự giảng dạy của cô, nó đã trở nên giản dị và gần gũi. Đó là cô đã lấy những dữ liệu, những câu chuyện của cuộc sống hàng ngày để minh họa cho những vấn đề có phần “đao to búa lớn” ở trong đề.

Cũng chính từ đây, Trang luôn canh cánh một điều làm thế nào để nghị luận xã hội trong mỗi đề văn không phải là việc phải bàn bạc những đạo lý xa vời, cao siêu mà nó phải bắt đầu từ những điều thật gần gũi.

Chính vì vậy, khi nhận làm câu hỏi phần nghị luận xã hội, Trang thấy hợp với “tạng người” mình, hợp với những gì mình đã trăn trở, đã ấp ủ từ lâu. Trong cuốn tập 2 sắp ra mắt, câu hỏi nghị luận xã hội mà Trang tâm đắc nhất không phải là câu có trích dẫn một câu nói của nhân vật Dom trong bộ phim bom tấn Fast and Furious 7 mà chính là câu liên quan đến sự kiện vượt rào, chen nhau tắm ở công viên nước.

Theo Trang, sự kiện này gợi lên nhiều vấn đề trong cuộc sống. Phải chăng với câu hỏi này, đó còn là sự băn khoăn của giới trẻ Việt Nam trước một hiện thực xã hội đang xẩy ra mà họ chính là một trong những yếu tố tham gia vào thực tế đó, ngơ ngác ùa theo đám đông và không lường trước được hậu quả sẽ đi đến đâu?

Đưa vấn đề nóng nhưng không nhạy cảm

Trước câu hỏi: tại sao học sinh lại sợ văn? Mai Trang cho biết đó chính là do sự khuôn mẫu. Nhưng nó không bắt nguồn từ chương trình học mà theo Trang do cách giải quyết chương trình hiện nay đã gây nên tình trạng này. Theo Trang, những tác phẩm đưa vào chương trình học THPT đều hay và hấp dẫn.

Do đó, theo Trang, những đề nghị luận xã hội hay là những đề mang hơi thở cuộc sống. Nhìn lại cuốn tập 1, Trang cho rằng phần nghị luận xã hội có vẻ còn “hiền lành”, Trang cũng như các bạn trong nhóm còn chọn những vấn đề mang tính “truyến thống”, chưa chạm được tới vấn đề gai góc và thời sự của xã hội. Bởi những câu hỏi thường nêu ra những vấn đề trong sách, những vấn đề quen thuộc như bàn về niềm tin, ước mơ, ý chí, nghị lực...

Còn ở cuốn tập 2, nhóm của Trang đưa vào nhiều vấn đề nóng của xã hội hơn. Nhưng nhóm cũng cân nhắc rất nhiều, nóng nhưng không quá nhạy cảm, nóng nhưng trong phạm vi hiểu biết và suy nghĩ của học sinh phổ thông. Tuy nhiên, trước câu hỏi làm thế nào để học sinh yêu môn Ngữ văn thì Mai Trang cho rằng đó là vấn đề cảm xúc.

Không ai bắt một người yêu một người được. Cũng giống như học sinh đứng trước mỗi đề thi, có cảm hứng viết bài hay không viết bài mà thôi. Cô nữ sinh sư phạm cũng bày tỏ mong muốn lớn nhất sau này của mình là được đứng trên bục giảng, truyền cảm hứng văn chương của mình tới các thế hệ học trò.

Lê Tú