DMagazine

Nữ sinh nghèo nuôi giấc mơ giảng đường từ căn gác trọ

(Dân trí) - Căn gác nhỏ áp mái, mùa đông gió lùa thông thốc, mùa hè nóng như hầm lửa. Từ căn gác nhỏ này, nữ sinh nghèo Lê Thị Hiền đang dần hiện thực hóa ước mơ trở thành cô giáo.

Nữ sinh nghèo nuôi giấc mơ giảng đường từ căn gác trọ - 1

 Quán cơm nhỏ trên đường Nguyễn Đức Cảnh (TP Vinh, Nghệ An) cũng chính là nơi tá túc của chị Hồ Thị Vân (SN 1977, quê xã Quỳnh Vinh, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) và hai con. Là quán ăn của người quen nên chị Vân được tạo điều kiện ăn ở tại đây để giảm bớt một phần chi phí.

Nữ sinh nghèo nuôi giấc mơ giảng đường từ căn gác trọ

Chỗ ở của ba mẹ con là căn gác lửng, rộng hơn 10 m2, không có gì đáng giá ngoài tủ sách nho nhỏ của cô con gái Lê Thị Hiền. Căn phòng sát mái, trống huơ trống hoác, mùa đông gió lùa vào thông thốc, mùa hè nóng như lò nung. Từ căn phòng áp mái này, Lê Thị Hiền đã làm nên kỳ tích để đến gần hơn với giảng đường đại học.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, Lê Thị Hiền đạt 27,1 điểm xét tuyển đại học khối D., trong đó Toán 8,2, Ngữ văn 9,5, tiếng Anh 9,4 điểm. Trước đó, với thành tích giải Nhì học sinh giỏi Quốc gia môn Ngữ văn năm học 2020-2021, Lê Thị Hiền đã chắc một suất vào giảng đường đại học.

Nữ sinh nghèo nuôi giấc mơ giảng đường từ căn gác trọ - 2

Ít ai biết rằng, trước đó, cô nữ sinh này đã từng "trắng tay" tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ văn vào năm lớp 11. Cảm giác ngồi dưới hội trường chứng kiến các bạn lên nhận thưởng khiến Hiền không thể quên. Cú sốc ấy khiến Hiền quyết định không tập trung cho kỳ thi học sinh giỏi quốc gia nữa mà dành thời gian để ôn luyện cho thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học.

"Cô giáo chủ nhiệm đã động viên em rất nhiều để em thử sức một lần nữa. Cô bảo cô tin vào khả năng của em, chỉ cần em tin vào bản thân mình thì sẽ làm được", Lê Thị Hiền nhớ lại.

Thất bại của lần thi trước giúp Hiền nhìn rõ yếu điểm của bản thân và cố gắng khắc phục. Với sự hướng dẫn tận tình của giáo viên chủ nhiệm, cũng chính là cô giáo trực tiếp bồi dưỡng Nguyễn Khánh Ly, sự động viên của mẹ và nỗ lực của bản thân, Hiền bước vào kỳ thi thử thách bản lĩnh của chính mình. "Khi cô giáo thông báo em được giải Nhì học sinh giỏi toàn quốc, em không tin vào tai mình. Niềm vui ấy thực sự vượt quá sức tưởng tượng của em dù trước đó em đã cố gắng hết sức mình".   

Nữ sinh nghèo nuôi giấc mơ giảng đường từ căn gác trọ - 3

Hiền lớn lên trong mái ấm không trọn vẹn khi bố mẹ chia tay lúc em mới 6 tuổi. Mẹ tần tảo nuôi hai chị em trong thiếu thốn đủ bề. Mẹ vào TP Vinh làm phụ bếp cho một quán cơm của người thân, chị em Hiền chủ yếu sống với ông bà ngoại và các cậu mợ.

Ý thức được thiệt thòi của mình và những vất vả nhọc nhằn của mẹ, Hiền luôn cố gắng chăm ngoan, học giỏi. Kết thúc bậc Trung học cơ sở, Hiền được các thầy cô giáo định hướng thi vào trường THPT chuyên đại học Vinh, bởi ở đó em có nhiều điều kiện hơn để phát huy năng lực bản thân, và hơn hết được sống gần mẹ hơn.

Nữ sinh nghèo nuôi giấc mơ giảng đường từ căn gác trọ - 4

Ngày Hiền chuyển vào thành phố để theo học lớp chuyên Văn, cậu em trai cũng nằng nặc vào cùng dù lúc đó mới học xong lớp 8. Cậu quyết định dừng việc học để chị có thể theo đuổi ước mơ và bớt đi cho mẹ một gánh nặng. Hiền biết ơn em trai và đó cũng là điều khiến cô bé day dứt nhiều nhất.

Hiền lao vào học, vì bản thân mình, vì mẹ và vì cả em trai. Liên tục 3 năm, Hiền luôn là học sinh xuất sắc của lớp. Hết giờ học ở trường, cô bé về nhà phụ giúp mẹ bán quán cơm. "Chỉ trừ quãng thời gian tập trung ôn luyện cho kỳ thi học sinh giỏi, còn phần lớn em không có nhiều thời gian để học. May mắn lớn nhất của em là được cô giáo chủ nhiệm và các thầy cô giáo quan tâm, động viên, hỗ trợ chi phí học tập", Hiền luôn dành sự biết ơn đối với các thầy, cô giáo của mình.

Nữ sinh nghèo nuôi giấc mơ giảng đường từ căn gác trọ - 5

Với thành tích giải Nhì học sinh giỏi quốc gia và 27,1 điểm xét tuyển đại học, Hiền cho biết em đăng ký vào khoa Sư phạm tiếng Anh tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. "Nghề sư phạm là ước mơ từ nhỏ của em và em cũng cảm thấy phù hợp với tính cách của mình nhất. Học sư phạm được miễn học phí, ngành sư phạm tiếng Anh tiểu học sau này cơ hội việc làm cũng rộng mở hơn. Một lý do nữa khiến em chọn sư phạm là em mong muốn sau này có thể làm được nhiều điều để giúp đỡ học trò nghèo như các thầy cô của mình, đặc biệt là cô giáo chủ nhiệm", Lê Thị Hiền chia sẻ.

Nữ sinh nghèo nuôi giấc mơ giảng đường từ căn gác trọ - 6

 Chị Hồ Thị Vân - mẹ Hiền cho biết: "Đợt ôn thi tốt nghiệp cũng là thời điểm dịch Covid-19 hoành hành, quán ăn phải đóng cửa, chuyển sang ship tận nơi cho khách. Sáng Hiền giúp mẹ đi chợ mua thực phẩm, rồi về rửa rau, mang cơm đi ship. Tối dọn dẹp, rửa bát đến 20h30 mới ngồi vào bàn học. Căn gác xép thấp tè, mái tôn, nóng như nung, chỉ có cái quạt cọc cạch, nhìn con ngồi học mồ hôi ướt đẫm, thương lắm. Mẹ chỉ biết động viên con cố gắng sau này có cái nghề ổn định, ấm tấm thân, đỡ khổ như mẹ".

Trong thời gian này, Hiền vẫn miệt mài phụ giúp mẹ bán quán cơm và rong ruổi trên chiếc xe đạp điện khắp thành phố Vinh để ship hàng, bất kể trưa hay tối, nắng hay mưa.

Nữ sinh nghèo nuôi giấc mơ giảng đường từ căn gác trọ - 7

Chứng kiến giấc mơ của con sắp trở thành hiện thực, chị Vân vui lắm nhưng cũng không giấu nổi nhưng lo toan trong lòng. Hiền ra Hà Nội học, bao nhiêu thứ phải lo, trước mắt là các khoản chi phí nhập học, ăn ở.

"Hai mẹ con phấn đấu mỗi ngày dành ra 100 nghìn đồng bỏ lợn. Tiết kiệm từ nay đến khi Hiền nhập học cũng không được nhiều nhưng 3 mẹ con cố gắng chắt góp, được từng nào quý từng đó", chị Vân nghèn nghẹn.

Nữ sinh nghèo nuôi giấc mơ giảng đường từ căn gác trọ - 8

Cô nữ sinh nghèo cũng đã có kế hoạch rõ ràng cho bản thân trong thời gian tới. "Em cố gắng xin được một suất ở ký túc xá để giảm bớt chi phí rồi sẽ xin đi làm thêm, đi làm gia sư để có thể tự trang trải được cuộc sống. Ngành học của em chắc chắn sẽ phải học thêm nhiều, rồi thi lấy các loại chứng chỉ ngoại ngữ... Có thể khi sang năm thứ 3 hi vọng em cũng đã tiết kiệm được một khoản để học thêm", Hiền hào hứng.

                                                                                                 Bài viết: Hoàng Lam

                                                                                           Thiết kế: Nguyễn Vượng