Nghệ An:

Nữ sinh nghèo dân tộc Thổ và nỗi buồn gác lại giấc mơ giảng đường đại học

Nguyễn Phê

(Dân trí) - Là người dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa miền núi của Nghệ An nhưng Trang vẫn gắng vươn lên học giỏi và thi đạt 31 điểm để nuôi ước mơ trở thành người luật sư giỏi giúp quê hương đất nước.

Nữ sinh nghèo dân tộc Thổ và nỗi buồn gác lại giấc mơ giảng đường đại học

Gia đình gieo neo, mẹ bệnh tật

Hoàn cảnh chúng tôi muốn nói đến là nữ sinh Mai Thị Quỳnh Trang (trú làng Mai Thịnh, xã Nghĩa Mai, Nghĩa Đàn, Nghệ An). Tại kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Trang thi đạt 28,25 điểm, trong đó, Trang được 9 điểm môn văn; 9,25 môn lịch sử và Địa lý 10 điểm. Tính cả điểm vùng, tổng điểm thi của Trang đạt 31 điểm.

Với số điểm cao này, Trang đã đậu vào Trường Đại học Luật Hà Nội. Ngày biết điểm và biết đậu vào Đại học, cả xã Nghĩa Mai ai cũng vui mừng cho Trang. Bởi đây là lần đầu tiên ở xã nghèo 135 này lại có người học giỏi, thi đậu điểm cao đến thế.

Nữ sinh nghèo dân tộc Thổ và nỗi buồn gác lại giấc mơ giảng đường đại học - 1

Một buổi đi học, một buổi đi làm thuê, chăm em và ở nhà Trang luôn là một người con ngoan hiền biết chăm lo cho gia đình.

Nhưng trái ngược với niềm vui của cả làng, cả xã thì Trang và gia đình chỉ vui trong chốc lát rồi mang nặng nỗi lo buồn. Trang và gia đình buồn bởi nhà nghèo, bố mẹ đau yếu, em còn nhỏ, tiền ăn còn không đủ thì lấy đâu ra để theo học những ngày sắp tới. Chỉ nghĩ đến thế thôi, nước mắt của cô nữ sinh nghèo ấy lại tuôn chảy.

"Từ hôm cháu nó nhận điểm và biết đậu đại học, tôi thấy mặt cháu cứ buồn vậy. Nhiều hôm cháu còn khóc. Tôi thấy mà thương con", ông Mai Quang Thịnh - bố Trang nói.

Trang sinh ra và lớn lên trong dòng máu người dân tộc Thổ. Là người dân tộc lại ở vùng xã 135 nên mọi điều kiện sinh sống học tập cũng khó khăn, hiểu được hoàn cảnh, vượt lên khó khăn vật chất, Trang luôn cố gắng là một con ngoan trò giỏi của bố mẹ và thầy cô.

Nữ sinh nghèo dân tộc Thổ và nỗi buồn gác lại giấc mơ giảng đường đại học - 2
Nữ sinh nghèo dân tộc Thổ và nỗi buồn gác lại giấc mơ giảng đường đại học - 3
Dù việc nặng nhọc nhưng Trang muốn góp một phần để bố đỡ vất vã.

Từ lớp 1 đến lớp 12, Trang luôn là một học sinh khá, giỏi. Ở trường, Trang là một học sinh giỏi, được cô yêu, bạn mến. Vậy nên, kết quả thi vừa rồi của Trang không khiến ai bất ngờ, bởi lẽ Trang xứng đáng được như vậy.

Biết hoàn cảnh khó khăn của con - ông Mai Quang Thịnh đã liên hệ với PV Dân trí để mong được giúp đỡ, bởi ông hiểu rằng, giờ đây con mình sẽ khó lòng nhập học vì gia đình quá nghèo, hoàn cảnh éo le…

Nhận lời “cầu cứu”, chúng tôi đã vượt gần 200km để tìm đến nhà Trang. Đến đầu làng, hỏi thăm về Trang ai cũng biết. Ai cũng khen Trang ngoan, học giỏi. Nhưng khi hỏi về hoàn cảnh gia đình em thì ai cũng buồn cho em.

Nữ sinh nghèo dân tộc Thổ và nỗi buồn gác lại giấc mơ giảng đường đại học - 4
Bố mẹ đi chữa bệnh mọi công việc đều dồn lên vai em.

"Nhà cháu ấy nghèo lắm, bố mẹ làm nông quanh năm chưa đủ ăn, không có điều kiện như những gia đình khác chú à. Giờ này các chú đến nhà thì không gặp được cháu Trang đâu, cháu ấy đang đi bóc lá mía thuê cho hàng xóm ngoài đồng để kiếm thêm tiền chữa bệnh cho mẹ rồi. Phải cuối buổi cháu mới về...", bà Loan sống gần nhà Trang chia sẻ.

Căn nhà cấp 4 cũ kỹ được xây hàng chục năm trước nằm khuất sâu trong những vườn cây. Tiếp chúng tôi, ông Mai Quang Thịnh (bố Trang) cho biết, vợ ông bị ung thư giai đoạn 4 từ khi Trang còn học lớp 10. Suốt 3 năm nay, vợ ông ở viện nhiều hơn ở nhà.

Cũng vì nhà nghèo, vợ bệnh tật nên ngoài thời gian đồng áng, ông Thịnh lại tranh thủ đi làm thuê. Biết bố vất vả, ngoài giờ học Trang cũng theo bố đi làm kiếm tiền về đỡ đần cuộc sống.

Nữ sinh nghèo dân tộc Thổ và nỗi buồn gác lại giấc mơ giảng đường đại học - 5
Suốt 12 năm học Trang luôn giành nhiều thành tích trong học tập.

"Mấy năm qua phải vay mượn để chữa bệnh cho mẹ cháu. Giờ cháu thi đậu vào đại học rồi, không biết xoay xở ra sao. Vui thì vui thật nhưng lại lo nhiều hơn. Những chỗ vay được thì gia đình vay mấy năm rồi chưa có trả. Giờ chẳng biết vay đâu cho con nhập học. Mà để con ở nhà nghỉ học thì không đành.

Nữ sinh nghèo dân tộc Thổ và nỗi buồn gác lại giấc mơ giảng đường đại học - 6

Gia đình quá nghèo, nữ sinh dân tộc Thổ nguy cơ lỡ giảng đường đại học.

Bố mẹ học không đến nơi đến chốn nên cuộc sống đã nghèo khó. Giờ chỉ mong con học được nên người sau này thay đổi cuộc sống mà cũng khó quá", ông Thịnh nói mà lòng buồn bã.

Ông Thịnh cho biết, vợ ông đang nằm viện và cũng đang cần tiền để chữa bệnh. Sắp tới ông sẽ cố gắng làm thêm thật nhiều và vay thêm tiền để vừa lo cho vợ chữa bệnh, vừa cho con đi học. Nhưng nếu đến đường cùng không vay được tiền thì đành phải để con nghỉ học ở nhà.

Nguy cơ lỡ hẹn giấc mơ giảng đường đại học

Ngồi bên nghe bố tâm sự, Trang quay mặt, đôi mắt nhạt nhòa vì rơi lệ. Trang khóc vì thương bố mẹ suốt đời lam lũ lo cho con, nhưng Trang cũng khóc cho ước mơ trở thành luật sư của mình nguy cơ bị tan vỡ.

Nữ sinh nghèo dân tộc Thổ và nỗi buồn gác lại giấc mơ giảng đường đại học - 7
Từ việc ăn, ngũ, học hành của 2 em đều mình Trang lo hết.

Gạt ngang giọt nước mắt, Trang nghẹn ngào: "Trước giờ em luôn mong theo học trường luật và trở thành 1 luật sư giỏi để về phổ biến pháp luật, giúp quê hương bà con. Nhưng có lẽ em phải tạm thời gác lại giấc mơ đó.

Có lẽ em sẽ kiếm việc gì làm thêm để phụ giúp bố, giúp mẹ có tiền chữa bệnh và nuôi các em khôn lớn. Ít năm nữa kiếm tiền rồi em lại đi học vậy". Nói đoạn, Trang đã khóc vì biết rằng mình sẽ không có khả năng được đi học.

"Cũng mong con được đi học lắm nhưng nghe đến khoản chi phí trong 4 năm tới của con đi học mà tôi không dám nghĩ đến. Số tiền đó thực sự là quá khả năng đối với gia đình tôi bây giờ", ông Thịnh buồn bã khi nghĩ về tương lai của con.

Nữ sinh nghèo dân tộc Thổ và nỗi buồn gác lại giấc mơ giảng đường đại học - 8

Trang bảo, gia đình nghèo nên ở nhà đi làm thêm để giúp đỡ bố mẹ.

Ông Trần Đăng Huy - Bí thư đảng ủy xã Nghĩa Mai cho biết, gia đình Trang có hoàn cảnh rất éo le và là gia đình hộ nghèo của xã.

"Trường hợp của Trang là người đầu tiên của xã Nghĩa Mai có điểm thi Đại học cao như vậy. Là con hộ nghèo, mẹ mắc bệnh ung thư giai đoạn 4, sau Trang còn 2 em nhỏ nên khả năng để theo học đại học với cháu là rất khó.

Để chia sẻ với cháu và gia đình, UBND xã đã nhận cháu Trang là “địa chỉ đỏ” để giúp đỡ. Ngoài ra, Đảng ủy, UBND, UBMTTQ xã vận động các tổ chức, đoàn thể cùng tham gia. Mong rằng các mạnh thương quân, các nhà tài trợ bớt chút tấm lòng quyên góp để cháu Trang có tiền đi học”, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Mai nói.

Trang
Trang

Tuy nhiên, giấc mơ giảng đường đối với Trang đang xa dần, bởi gia đình quá nghèo.

Bạn đọc Dân trí chia sẻ với cháu Trang xin gửi về gia đình ông Mai Quang Thịnh (bố ruột của em Mai Thị Quỳnh Trang) ở làng Mai Thịnh, xã Nghĩa Mai, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An.

Số điện thoại: 086.554.85.05