Đắk Nông:

Nữ sinh Khmer tìm giải pháp giúp học sinh M’Nông sống hòa nhập

(Dân trí) - Từng sống khép mình thụ động, cô học trò vùng cao đã rũ bỏ sự rụt rè để tự tin hòa nhập tại trường. Kinh nghiệm từ việc “lột xác” thành công còn mang lại cho em giải Ba cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia về đề tài khoa học thuộc lĩnh vực xã hội, hành vi.

Với đề tài “Một số giải pháp giúp học sinh dân tộc thiểu số người M’Nông sống hòa nhập ở trường THPT Đắk Song”, em Chia Việt Mỵ được BTC cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp Quốc gia học sinh trung học khu vực phía Nam năm 2017 trao giải Ba. Đây cũng là giải thưởng cấp Quốc gia cao nhất trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật mà học sinh tỉnh Đắk Nông đạt được từ trước tới nay.

Quá khứ cô đơn, sống khép mình

Chia Việt Mỵ hiện là học sinh lớp 12A1, trường THPT Đắk Song (huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông). Gia đình Mỵ là một trong hai hộ người Khmer của huyện, và vì là dân tộc thiểu số, không có anh em, bạn bè cùng dân tộc nên nữ sinh Khmer luôn mang trong mình tâm lý e dè, mặc cảm, sống khép mình.


Chia Việt Mỵ (đeo kính) đang nói chuyện với các bạn người M’Nông

Chia Việt Mỵ (đeo kính) đang nói chuyện với các bạn người M’Nông

Mỵ tâm sự: “Phần vì em mất bố từ sớm, phần vì em là dân tộc thiểu số từ địa phương khác đến đây sinh sống nên nhiều lúc em cảm thấy lẻ loi, tách biệt so với các bạn khác. Khi mới đi học, em chỉ biết cắp cặp đến trường, ngồi vào lớp, chờ hết giờ và về nhà. Mặc dù tủi thân, nhưng em nghĩ rằng điều đó là số phận của mình”.

May mắn cho Mỵ khi em đậu trường THPT Đắk Song và theo học cô chủ nhiệm Phạm Thị Thu Hằng (giáo viên môn GDCD). Nhận thấy học sinh của mình thường lủi thủi một mình, ngại tương tác nên cô Hằng đã tìm cách tiếp cận em, rồi giúp Mỵ làm quen với các thành viên khác trong lớp. “Thời gian đầu để làm được việc này rất khó, bởi chính em cũng tự tạo khoảng cách với giáo viên, thậm chí cố tình né tránh khi thấy chúng tôi”, cô Hằng kể lại.

Khi đã vượt lên được chính mình thì Mỵ nhận ra rằng: “Chúng em vốn đã là thiểu số ở vùng đất Tây Nguyên này mà còn hòa nhập được thì không lý nào các bạn người bản địa lại rụt rè, thiếu tự tin trên chính mảnh đất của mình. Chính vì vậy em nảy ra ý tưởng xóa bỏ khoảng cách giữa các học sinh trường, không để xảy ra tình trạng các bạn sống co cụm, ngại giao tiếp”.


Dự án bao gồm nhiều giải pháp, trong đó có Dạy kỹ năng nói và viết Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Dự án bao gồm nhiều giải pháp, trong đó có Dạy kỹ năng nói và viết Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số

Cô Phạm Thị Thu Hằng cũng trở thành giáo viên trực tiếp hướng dẫn Mỵ xây dựng dự án. Cô Hằng cho biết, ý tưởng được hình thành từ hai năm trước nhưng phải đến năm 2016, khi nhà trường phát động cuộc thi Khoa học kỹ thuật, cô trò mới bắt tay vào thực hiện. Ban đầu có chút khó khăn, nhưng được sự ủng hộ của nhà trường mà cả hai cô trò đã có một dự án thành công ngoài mong đợi.

“Từ trước đến nay, phần lớn các đề tài tại Đắk Nông đều là Khoa học tự nhiên mà ít xuất hiện đề tài Khoa học xã hội. Chính vì vậy khó khăn lớn nhất là tìm tài liệu tham khảo. Trong đó kênh tham khảo chủ yếu của em là đài truyền thanh địa phương và sách báo tâm lý. Chỉ chưa đầy 3 tháng, đề tài đã cơ bản được hoàn tất”, Việt Mỵ thông tin thêm.

“Chúng em đã là một gia đình”

Hiện nay, lớp của Mỵ có 10 học sinh dân tộc M’Nông, trước đây các bạn thường tập trung thành một nhóm riêng lẻ chơi với nhau, trong giờ học thì ít phát biểu xây dựng bài. Thế nhưng nhờ dự án của Mỵ mà tất cả học sinh đều hòa đồng, vui vẻ, tích cực tham gia các hoạt động.

Em H’Ân Buôn Ya (lớp phó học tập lớp 12A1) chia sẻ: “Từ một lớp có mặt bằng học lực yếu, hiện học sinh 12A1 đã tiến bộ hơn hẳn, trong đó một số bạn người M’Nông đạt thành tích học tập cao. Ngoài ra, lớp 12A1 cũng là điển hình của trường vì tất cả thành viên luôn đoàn kết, tương trợ và coi nhau như một đại gia đình”.


Dự án đề cao việc các học sinh đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau

Dự án đề cao việc các học sinh đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau

Theo nội dung dự án, giáo viên, ban cán sự và các học sinh trong lớp chủ động trò chuyện, quan tâm nhiều hơn đến các học sinh dân tộc thiểu số (không riêng học sinh người M’Nông). Ngoài ra, một nhóm giải pháp hướng tới học sinh, hướng tới gia đình, nhà trường, xã hội cũng được đề cập đến.

Cụ thể là học sinh cần tích cực tham gia các hoạt động phong trào, mạnh dạn đưa ra ý kiến cá nhân; gia đình cần mở rộng môi trường giao tiếp; nhà trường tăng cường các hoạt động tập thể, rèn luyện kĩ năng hoạt động xã hội, kĩ năng sống và đặc biệt là dạy kỹ năng nói và viết Tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số; đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

Được biết, dự án dù mới chỉ triển khai được 2 giải pháp nhưng đã có sự chuyển biến tích cực trong cách giao tiếp, học tập của học sinh trường THPT Đắk Song, các em tự tin hơn, tích cực học tập hơn. Trên cơ sở đó, nhà trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai dự án và đề xuất áp dụng thử nghiệm tại trường Dân tộc nội trú của địa phương.

Cô Huỳnh Thị Châu Ly Na, Phó hiệu trưởng Trường THPT Đắk Song đánh giá: “Thành công hay không là ở chính học sinh và thầy cô giáo. Mỗi học sinh tự mở lòng ra, tham gia vào các hoạt động, các hoạt động phong trào, thầy cô giáo trở thành những người bạn thực sự thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của học trò thì chắc chắn không còn khoảng cách”.


Chia Việt Mỵ và dự án đoạt giải Ba Quốc gia cuộc thi khoa học kỹ thuật năm 2017

Chia Việt Mỵ và dự án đoạt giải Ba Quốc gia cuộc thi khoa học kỹ thuật năm 2017

Theo thông tin từ thầy Trần Bảo Ngọc, Hiệu trưởng trường THPT Đắk Song, Chia Việt Mỵ sẽ là học sinh thứ 3 của tỉnh Đắk Nông được tuyển thẳng vào trường Đại học Nguyễn Tất Thành trong năm nay. Em cũng được nhận học bổng toàn phần trị giá 200 triệu đồng do trường đại học này cấp trong 4 năm học đại học.

“Có thể nói, tới thời điểm hiện tại thì dự án, đề tài của em Mỵ là thành công nhất trong lĩnh vực Khoa học xã hội và hành vi của tỉnh Đắk Nông. Đây không chỉ là niềm tự hào của Mỵ và gia đình em mà nó còn cho thấy, nhà trường đang đi đúng hướng, đầu tư có hiệu quả cho giáo dục và nghiên cứu khoa học”, thầy Ngọc chia sẻ thêm.

Dương Phong

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục