Nữ sinh dân tộc Thổ thi đỗ đại học thừa 7,25 điểm

(Dân trí) - Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, em Lê Thị Phương (người dân tộc Thổ, học sinh lớp 12A1, Trường THPT dân tộc nội trú số 2 tỉnh Nghệ An) đạt 26,25 điểm khối A. Cộng với 3,5 điểm ưu tiên, em Phương được 29,75 điểm, thừa 7,25 điểm để đỗ vào khoa Sư phạm Hóa học, ĐH Vinh.

Với tổng 26,25 điểm (trong đó Toán 9, Hóa học 9, Vật lý 8,25 điểm), em Lê Thị Phương có tổng điểm khối A cao nhất Trường THPT Dân tộc Nội trú (DTNT) số 2 tỉnh Nghệ An.

Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, lớp 12A1 của em Phương dẫn đầu toàn trường THPT DTNT số 2 tỉnh Nghệ An về số học sinh đạt điểm cao trong xét tuyển vào các trường đại học. 27 trên tổng số 31 học sinh đạt từ 20 điểm trở lên, 6 em đạt từ 20 điểm trở lên ở cả hai khối A và B.

Nữ sinh dân tộc Thổ thi đỗ đại học thừa 7,25 điểm - 1
Các học sinh lớp 12A1 Trường THPT Dân tộc Nội trú số 2 tỉnh Nghệ An chụp ảnh lưu niệm với thầy giáo chủ nhiệm. (Em Lê Thị Phương đứng bên trái thầy giáo)

Nếu như em Lê Thị Phương (người dân tộc Thổ) là học sinh đạt tổng điểm khối A cao nhất Trường THPT DTNT số 2 tỉnh Nghệ An thì em Mạc Thị Tú Uyên (người dân tộc Thái, học sinh lớp 12C1) có tổng điểm khối C cao nhất trường này với 26 điểm. Các điểm cụ thể của Tú Uyên là Văn 7,5, Lịch sử 9 và Địa lý 9,5 điểm. Cộng với 3,5 điểm ưu tiên giống như em Phương (2 điểm ưu tiên đối tượng học sinh dân tộc thiểu số và 1,5 điểm ưu tiên khu vực), em Uyên được 29,5 điểm và thừa điểm đỗ vào khối C Học viện Kiểm sát Nhân dân (điểm chuẩn khối C 28,25 điểm).

Thành tích đáng khích lệ của ngôi trường có tuổi đời 3 năm

Các em khóa 12 năm nay chính là khóa học sinh đầu tiên của Trường THPT DTNT số 2 tỉnh Nghệ An. Học sinh trường này hầu hết đều là người dân tộc Thái, Thổ, Thanh, Khơ Mú, H'Mông của các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu và thị xã Thái Hòa của tỉnh Nghệ An. Trong số 447 học sinh của năm học 2014-2015, có 18 em người Kinh, nhưng cả 18 em này cũng đều đã lên cư trú ở vùng cao từ lâu.

Nói như vậy để thấy rằng, chất lượng đầu vào của trường không cao, thậm chí còn ở mức thấp so với mặt bằng chung của các trường THPT trong tỉnh Nghệ An. Chỉ sau ba năm học ở Trường THPT DTNT số 2 tỉnh Nghệ An, các em đã có sự tiến bộ đáng kể.

Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Trường THPT DTNT số 2 tỉnh Nghệ An có 152 học sinh tham dự, 100% em đậu tốt nghiệp. Có 141 em đăng kí xét tuyển vào các trường ĐH. Theo thống kê của trường thì có 59 học sinh đạt từ 15 đến dưới 20 điểm/3 môn thi đại học, 72 học sinh đạt từ 20 điểm trở lên, 8 học sinh đạt 24 điểm trở lên.

truong-dan-toc-noi-tru-so2-29082015-1440842754747
Trường THPT Dân tộc nội trú số 2 tinh Nghệ An vẫn đang trong quá trình hoàn thiện cơ sở vật chất sau 1 năm học chính thức.

Được biết, Trường THPT DTNT số 2 tỉnh Nghệ An được khởi công xây dựng từ ngày 14/7/2012 tại xã Nghi Ân (TP Vinh). Do trường mới đang trong quá trình xây dựng nên thầy trò phải mượn cơ sở hai của Trường CĐ Sư phạm Nghệ An để dạy và học. Đó là những ngày mà như thầy Nguyễn Đậu Trương - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT số 2 tỉnh Nghệ An, nói “một trường, 2 tiếng trống”, thầy trò phải căng tai xem đó là trống của Trường CĐSP hay trống của trường mình. Đó là những ngày thầy và trò đi hứng từng giọt nước để sinh hoạt, tự trồng rau để tăng gia…

Sau 2 năm đi “ở nhờ”, thầy trò đưa nhau về trường mới khi mới chỉ xây xong bộ khung, tường rào chưa có. Mùa khai giảng năm 2014-2015, thầy trò rưng rưng xúc động khi buổi chào cờ đầu tiên được thực hiện trên mảnh sân lổn nhổn đất đá, trơ trọi không một bóng cây. Những khó khăn, thiếu thốn, vất vả ấy dường như chỉ hun đúc thêm quyết tâm vượt khó của thầy và trò nơi đây.

thay-nguyen-dau-truong-29082015-1440842755078

Thầy Nguyễn Đậu Trương - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT số 2 tỉnh Nghệ An vui mừng với những thành tích mà khóa học sinh đầu tiên của trường đạt được.

 

Trao đổi với chúng tôi, thầy hiệu trưởng Nguyễn Đậu Trương cho biết: “Đặc thù của trường là học sinh thuộc nhiều dân tộc thiểu số dọc các tuyến quốc lộ 48, nhiều phong tục tập quán khác nhau. Từ các vùng khó khăn xuống thành phố học nên các thầy cô vừa là giáo viên, vừa là bố mẹ. Trước khi chính thức bước vào năm học, chúng tôi mời các anh bên quân sự đến dạy các em về nề nếp, dạy ngay từ cái rất nhỏ như gấp chăn màn sau khi ngủ dậy; mời các anh chị bên y tế đến dạy các em về vệ sinh sức khỏe.

Học sinh mang đặc thù riêng nên việc phân phối chương trình cũng được điều chỉnh để phù hợp với khả năng tiếp thu của các em. Ngay từ trước kỳ thi THPT quốc gia, nhà trường đã có sự điều chỉnh kịp thời để bồi dưỡng những môn mà học sinh còn yếu. Nhờ vậy trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, 100% học sinh của trường đủ điều kiện xét tốt nghiệp.

Từ kết quả trên, có thể khẳng định có 131/141 học sinh đậu vào các trường ĐH, cao đẳng, dự bị đại học, đạt tỷ lệ gần 93%”.

Em Lê Thị Phương (nữ sinh người dân tộc Thổ thi đỗ đại học thừa 7,25 điểm) tâm sự: “Xa bố mẹ, xa bạn bè, xa quê hương chúng em về thành phố học. Các thầy cô giáo, các bố, các mẹ y tế, mẹ cấp dưỡng… đã chăm lo cho chúng em như con cái trong nhà, từ miếng ăn, giấc ngủ đến giờ học ở lớp, tự học ở ký túc xá. Nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ bản làng cũng qua, nhường tâm trí để học để không phụ lòng thầy cô giáo và các bố, các mẹ ở trường. Những kết quả này, chúng em xin dành để tri ân các thầy cô, các bố, các mẹ đã dành những yêu thương, chăm sóc, trí tuệ và tâm huyết cho những đứa con ở vùng cao về”.

Hoàng Lam

(hoanghonglam@dantri.com.vn)