Nồng ấm ngày trở lại của thầy trò Xô - Việt

(Dân trí) - Hồi hộp, bất ngờ, những giọt nước mắt hạnh phúc đã lăn dài trên những mái đầu đã điểm bạc của hơn 3.000 học sinh Việt Nam khi được gặp lại nhiều thầy cô giáo Liên Xô đã dạy mình nên người.

Tối qua 17/1, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) đã diễn ra cuộc giao lưu, gặp gỡ giữa 30 thầy cô giáo Liên Xô (cũ) và hơn 3.000 học sinh đại diện cho 52.000 học sinh Việt Nam đã học tại Liên Xô (cũ).

Cuộc giao lưu này là dịp để tri ân tới những thế hệ các thầy cô giáo, đã giúp Việt Nam đào tạo nên một đội ngũ đông đảo các nhà lãnh đạo, nhà trí thức, nhà chính trị, quân sự, giáo dục, nghệ thuật... và những ai đã từng có thời gian học tập tại Liên Xô cũ và có ước mơ được một lần trở lại với xứ sở bạch dương.
 
Nồng ấm ngày trở lại của thầy trò Xô - Việt - 1
Vui mừng gặp lại cô giáo của mình sau bao năm xa cách. (Ảnh VTV)

Nina cô bảo mẫu xinh đẹp!

Đó là hình ảnh mà nhiều học sinh nhớ về cô bảo mẫu Nina Anatolievna Iratova của 100 thiếu nhi đầu tiên sang Liên Xô học tập từ năm 1954. Mặc dù hơn 80 tuổi, không sang Việt Nam dự cuộc gặp gỡ này sau hơn 50 năm xa cách nhưng cô Nina vẫn nhớ như in hình ảnh các học trò nhỏ của mình, cô nhớ tên em Minh, em Nga cha mẹ đều bị giặc giết hại.

Qua đoạn băng mà đài truyền hình ghi lại về cô giáo Nina, cô Chí Linh, GS.TS Hoàng Đạo Kính vẫn không quên được những kỷ niệm về cô giáo của mình xúc động: “55 năm mới nhìn lại cô, cô vẫn rất đẹp, giản dị như từ trước tới nay. Cô đã chỉ dạy cho chúng tôi cách sinh hoạt, chăm sóc sức khoẻ. Cô vẫn theo dõi từng bước đi của chúng tôi đến thời sinh viên. Không chỉ dạy chữ mà cô còn cho chúng tôi tiếp cận văn hóa Nga. Chính các cô đã truyền cho chúng tôi một nhân cách Nga”.

Những học sinh Việt Nam học tại Nga, khi trở về nước, hầu hết họ đều thành đạt và nhiều người đã trở thành nguyên thủ quốc gia, giữ vị trí quan trọng của Đảng và Nhà nước như nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, ông Đinh Thế Huynh - Uỷ viên TƯ Đảng, TBT báo Nhân dân, ông Đỗ Quý Doãn - Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông, TS Trần Đăng Tuấn - Phó Tổng giám đốc Đài THVN; Nghệ sĩ múa Đặng Hùng và Vương Linh; nguyên Giám đốc Nhà hát nhạc vũ kịch VN - nghệ sĩ Hồng Ngát và nghệ sĩ Bùi Công Duy... 
 
Thầy giáo Nga đã vượt hơn 10.000km để tới với Hà Nội cùng những học trò của thầy. Đó là giáo sư Sivokobulenko Vitali Phedorovic - Trường Tổng hợp kỹ thuật Donhet. Giáo sư Sivokobulenko Vitali Phedorovic chính là thầy giáo của nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An. Giáo sư đã chia sẻ những câu chuyện và kỉ vật rất thú vị liên quan đến người học trò mà thầy yêu mến: những bức ảnh, bức tranh về Việt Nam, những bức ảnh về những học trò của thầy trong đó có hình ảnh thời thanh niên sôi nổi của ông Nguyễn Văn An.
 
Kỷ niệm không quên của giáo sư Sivokobulenko Vitali Phedorovic về cậu học trò xuất sắc là lẵng hoa quả thầy nhận được khi cậu học trò Nguyễn Văn An có tháng lương đầu tiên từ việc làm thêm mà ông đã giới thiệu. “Tôi rất vui mừng vì các học trò của mình đều đã thành đạt. Rất mong gặp lại các em trong ngày gần nhất”, ông nói.
 
Nồng ấm ngày trở lại của thầy trò Xô - Việt - 2
Xúc động khi gặp lại cô giáo: (Ảnh: VTV)

Hai cô giáo Sophia và Emma đã hơn 80 tuổi, có lẽ là giáo viên cao tuổi nhất trong buổi giao lưu này. Hai cô là người đã dìu dắt nhóm 100 người học cao đẳng tiếng Nga và 100 thiếu nhi Việt Nam sang Nga học. Gặp lại 2 cô giáo yêu quý của mình, nhiều học trò, mái tóc đã điểm bạc, không giấu được giọt nước mắt vì không ngờ gặp lại 2 cô giáo ngay tại Hà Nội.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan kể lại những kí ức ngày xưa đầy xúc động: "Theo nghĩa đen, cô đã dắt tay tôi vào thế giới mênh mông của tiếng Nga... Không từ điển, không sách giáo khoa... cô đã dắt tay chúng tôi đi quanh lớp để chỉ từ cái bàn, ghế, bảng đọc như thế nào... Cô cũng dắt chúng tôi vào thế giới văn hoá phong phú của nước Nga. Qua cô, chúng tôi đã biết Puskin, Lev Tolstoi... biết thế nào là Tâm hồn Nga. Cô đã dạy cho chúng tôi sống như thế nào, tâm hồn Nga và tâm hồn Việt đã thấm đẫm trong lòng mỗi chúng tôi và đồng hành với chúng tôi suốt cả cuộc đời, đóng góp, xây dựng đất nước...".
 
"Cõi nhớ" của nhà thơ Trần Đăng Khoa
 
Xúc động hơn nữa là tình cảm cô - trò của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Từ "cõi nhớ", nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ về cô giáo dạy tiếng Nga, Nina- người mà anh gọi là "bà già yêu quí", là "nhà văn hoá tuyệt vời của nước Nga".
 
Nồng ấm ngày trở lại của thầy trò Xô - Việt - 3
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: (Ảnh VTV)
 
Cô giáo Nina đã nhận xét về học trò cưng của mình: "Khoa lịch lãm, tốt bụng, thông minh và có sự nhạy cảm nghệ thuật tuyệt vời và có cái nhìn sâu sắc, tinh tế. Cô mong Khoa  trở lại  thăm trường, cô sống đến lúc em trở lại".
 
Không ngăn được dòng nước mắt khi được xem hình ảnh cô giáo của mình, nhà thơ Trần Đăng Khoa tâm sự: “Cô đã dạy cho tôi cách làm người và cách làm một nhà văn. Tôi nhớ như in kỷ niệm, khi tôi trở về nước, cô đã hỏi rất kỹ về gia đình của tôi, người thân, ông bà... tôi nghĩ cô đang dạy tôi tiếng Nga nên đã tưởng tượng ra và kể rất nhiều về họ, họ thích những thứ gì nhất... sáng hôm sau tôi đến lớp, cô đã tặng cho tôi tất cả những đồ vật mà người thân tôi thích. Tôi đã thốt lên xúc động và thú thực, ông bà tôi đã mất lâu rồi. Cô mỉm cười nhìn tôi hiền hậu”.

Thêm một câu chuyện xúc động về một cô giáo Nga với 19 nữ học sinh Việt Nam. Đó là câu chuyện của cô giáo Zubes Doia Petrovna - giáo viên tiếng Nga đã nghỉ hưu hiện đang sống ở Donhet, Ukraine.

Cô Liên Hương kể lại kỷ niệm không bao giờ quên với cô: “Trốn học đi xem phim vì giờ đó giá rẻ. Khi trở về bị cô Zubes bắt gặp và Hương nói dối đi bệnh viện khám răng. Cô giáo đã đưa Hương đến tận bệnh viện nhờ bác sĩ chăm sóc. Kết quả cô bị bác sĩ nhổ cái răng sâu”.
 
Nồng ấm ngày trở lại của thầy trò Xô - Việt - 4
Cô giáo Zubes trong vòng tay của học trò Việt: (Ảnh: VTV) 

Còn chị Hồng là học trò nổi tiếng bướng bỉnh luôn được cô Zubes nhắc đến, đã xúc động tâm sự: “Tôi nhớ như in, khi tôi ốm không đi học được cô đã đến tận ký túc xá tìm tôi và đã áp má vào má tôi và xem tôi sốt như thế nào. Lúc đó, tôi có cảm giác như cô là người mẹ của tôi”. Thật bất ngờ, các cô gái này đã được gặp lại cô giáo thân yêu của mình sau nhiều năm xa cách, những cái ôm chặt, những giọt nước mắt đã lăn dài trên gò má của cô - trò sau nhiều năm xa cách.

Cuộc giao lưu kéo dài 4 giờ đồng hồ (từ 20h đến 24h đêm) kết thúc sự tiếc nuối khi phải chia tay của nhiều thầy trò Xô - Việt.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, hoà bình lập lại ở miền Bắc, tháng 10/1954, Bác Hồ cử 3 đoàn lưu học sinh Việt Nam sang Matxcơva học tập, đào tạo nhân tài (100 sinh viên vào các trường ĐH, 100 người học cao đẳng tiếng Nga, đoàn 100 thiếu nhi vào trường Internat). Tính đến thời điểm này có 52.000 học sinh Việt Nam sang Liên Xô cũ học tập.

Hồng Hạnh