Thanh Hóa:

Nơi những đứa trẻ khát khao được đến trường

(Dân trí) - Ở ngôi làng Đồng Cốc thuộc xã Công Bình, huyện Nông Cống (Thanh Hóa), trẻ con 5 tuổi mới được đưa đến trường mầm non chỉ để cho có điều kiện lên lớp 1. Nhưng cả tháng cũng chỉ được khoảng 15 ngày đến lớp.

Ngôi làng Đồng Cốc thuộc xã Công Bình, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) nằm bên cạnh đập hồ Yên Mỹ. Mặc dù chỉ cách trung tâm xã khoảng hơn 2km nhưng dường như người dân ở đây sống biệt lập hoàn toàn với bên ngoài. Đồng Cốc hiện có trên 20 hộ dân với hơn 80 nhân khẩu. Số học sinh đang độ tuổi đến trường là 30 em, riêng các cháu mầm non có 12 trẻ nhưng đều không được đi học mầm non vì... chưa đủ 5 tuổi.

Nơi những đứa trẻ khát khao được đến trường
Người lớn ở làng Đồng Cốc ngày mưa thì ở nhà trông con, ngày tạnh ráo thì bồng bế nhau ra đồng vừa làm ruộng vừa trông chừng con.

Nằm bên cạnh hồ Yên Mỹ, nên quanh năm nơi đây ảnh hưởng từ hồ đập này. Từ chỗ ở cho đến đi lại, đâu đâu cũng thấy ngập úng. Con đường dẫn từ trung tâm xã vào Đồng Cốc chỉ 2km nhưng có khi đánh vật cả giờ đồng hồ mới có thể vào được, cũng có khi không thể vào được do nhầy nhụa bùn đất và vướng đập hồ Yên Mỹ.

Đã không biết bao nhiêu học sinh rơi xuống đập trên đường đi học nhưng cũng rất may những đứa trẻ này đã biết bơi để phòng thân từ khi còn nhỏ. Những khi nước tràn bờ thì người dân dùng thuyền chèo qua. Để qua con đập ấy vào mùa mưa phải là một kỳ tích. Bởi thế, khi có việc sang bên này, người dân thường đi bằng con đường vòng dài 6 -7km qua một số xã của huyện Tĩnh Gia. Tuy nhiên, men theo con đường đê cũng chẳng dễ đi hơn là bao nhiêu.

Bởi thế, đến Đồng Cốc, thường bắt gặp người lớn, trẻ con bồng bế nhau ngoài các ô ruộng. Không thể đưa con đến trường, họ thường phải mang con theo ra đồng ruộng để vừa làm, vừa trông chừng chúng. 

Trong lũ trẻ đang nô đùa, chúng tôi lại gần cậu bé Nguyễn Thái Bảo, được biết năm nay Bảo đã hơn 4 tuổi rồi nhưng vẫn chưa được đến lớp, khi được hỏi cháu có thích đi học không, cậu bé chỉ ngơ ngác. Hình như những đứa trẻ nơi này dù đã 4 tuổi vẫn còn mơ hồ với khái niệm đi học vì các em chưa một lần được biết đến trường lớp.

Những đứa trẻ này đều ở độ tuổi mầm non nhưng không được đến lớp
Những đứa trẻ này đều ở độ tuổi mầm non nhưng không được đến lớp.

Nhìn những đứa trẻ mặt mũi lấm lem với ánh mắt ngây thơ hồn nhiên mới thấy các em thật thiệt thòi. Sống giữa vùng đồng bằng nhưng dù đã 3, 4 tuổi rồi các em vẫn chưa biết đến đồ chơi, chưa biết đến những bài hát ê a của lớp mầm. Chúng được lẽo đẽo theo cha mẹ ra đồng ruộng rồi quây quần lại chơi với nhau. Đồ chơi của những đứa trẻ nghèo này là bùn đất, là rơm rạ...

Chị Đậu Thị Thủy có hai con đang tuổi mầm non nhưng chưa có cháu nào được đến lớp. Chị buồn rầu cho biết: “Cuộc sống ở đây khó khăn, quanh năm ngập úng chẳng làm ăn được gì nên chồng tôi đi làm ăn tận Sài Gòn, ở nhà có 3 mẹ con, hai đứa nhỏ thì đứa hơn 2 tuổi, đứa gần 4 tuổi vẫn chưa được đi học vì không biết lấy ai mà đưa con đi. Đường sá như thế này thì tôi đi còn bị ngã chứ huống gì đưa hai đứa nhỏ đi học thì chịu. Lâu nay ở làng này có đứa nhỏ nào dưới 5 tuổi được đi học đâu. Cứ phải đủ 5 tuổi thì mới cố gắng đưa chúng đi học để có điều kiện lên lớp 1”.

Những ngày mưa thì chị ở nhà trông con, còn ngày tạnh ráo lại bồng đứa nhỏ, đứa lớn lẽo đẽo theo sau mẹ ra đồng. Chị bảo bao năm nay, trẻ con ở đây là thế, dù muốn cho con đến trường lắm nhưng cũng không có cách nào cả.

Không được đến lớp, những đứa trẻ chỉ biết lẽo đẽo ra đồng cùng người lớn
Không được đến lớp, những đứa trẻ chỉ biết lẽo đẽo ra đồng cùng người lớn.

Bà Phạm Thị Diễm, nguyên là trưởng thôn Đồng Cốc, nay bà giữ việc cộng tác viên dân số của xã Công Bình cho biết: “Các cháu ở đây thiệt thòi nhiều lắm. Cuộc sống đã nghèo khổ, cộng với việc đi lại khó khăn nên hầu hết các cháu thường bỏ học giữa chừng. Có cháu học đến cấp III rồi nhưng vì suốt ngày đi học muộn và nghỉ học vì mưa lũ nên bị cô giáo nhắc nhở, chán nên lại bỏ. Trẻ mầm non thì mãi đến 5 tuổi mới được đưa đến lớp, nhưng cũng chỉ đi cho có thôi chứ mưa lũ suốt rồi cũng có đến lớp được thường xuyên đâu. Ở cái hồ đập này, mùa mưa lũ xả nước ra thì học sinh lớn bé gì cũng đều phải nghỉ học hết. Con đường vòng qua huyện Tĩnh Gia ngày thường còn có thể đi được chứ ngày mưa thì cũng chịu”.

“Trước đây có nghe dân chúng tôi được di dời sang nơi khác nhưng mà đợi mãi rồi cũng chẳng thấy đâu. Chỉ tội cho những đứa trẻ nơi này thôi, có đứa nào được đến lớp đều đặn đâu” - bà Diễm buồn rầu.

Nguyễn Thùy