Nỗi buồn của một tú tài tương lai

Kỳ thi tú tài năm nay chưa kết thúc, tôi nhận được cuộc điện thoại đẫm nước mắt của một học sinh cũ: “Tại sao lòng trung thực vẫn chưa có chỗ đứng trong thi cử học đường, thưa cô?”

Nghe em nói trong nỗi ấm ức và có chút gì như hờn tủi, tôi cũng buồn theo em vì hơn ai hết, tôi hoàn toàn hiểu và chia sẻ điều em ấm ức.

Như mọi khi, tôi định nói với em rằng... thì... là em đừng quá buồn, các bạn quay cóp bài sẽ bị bắt phạt, các bạn hỏi bài nhau sẽ bị trừ điểm, rằng những hiện tượng tiêu cực mà em thấy chỉ là một phần nhỏ chứ bức tranh thi cử của nước nhà chưa đến nỗi tiêu cực như vậy đâu...

Định thế, nhưng lời an ủi chưa thốt ra được đầu môi thì tiếng thút thít của em đã cản tôi nói ra những lời chung chung ấy.

Nỗi buồn của cô học trò cũ của tôi chắc hẳn là không cá biệt. Bởi vì, "phao" ruột mèo, ruột gà, ruột trâu gì đó vẫn tràn ngập, các điểm photocopy vẫn đông nghịt khách vào ra.

Bởi vì, vẫn có những giám thị đau lòng (hoặc vui lòng?!) làm ngơ trách nhiệm và lương tâm vì áp lực thành tích, vì "nay mình mai người ta", vì... 1.001 thứ khác nữa.

Căn bệnh thành tích khiến việc coi thi dễ dãi đã diễn ra ở không ít nơi và chẳng ai dám khẳng định rằng chúng ta đã có một kỳ thi thực sự nghiêm túc.

Nghiêm túc gì khi phao vẫn trắng trường thi, khi đề thi được lọt ra ngoài và giải rồi bán công khai ở một số điểm thi?

Có chủ tịch hội đồng thi nào dám khẳng định trường thi của họ không có một chiếc "phao" nào? Đáng sợ nhất vẫn là sự tròn trịa của những bản báo cáo: "Kỳ thi diễn ra hoàn toàn nghiêm túc và đúng quy chế", trong khi sân trường sau giờ khảo thí vẫn có hàng nghìn chiếc phao bay bay đầy thách thức!

Giọt nước mắt trong veo của cô bé học trò hôm nay liệu có là vết hằn trong tâm hồn em ngày mai? Ngưỡng cửa vào đời được đánh dấu bằng nỗi buồn trước sự không trung thực có thể chắp cánh cho em được chăng?

Tôi buồn cùng em nhưng vẫn còn chút hạnh phúc. Hạnh phúc vì có giọt nước mắt trung thực đã rơi trước những gian dối bất công trong thi cử.

Và, tôi lại càng mong, tôi và những đồng nghiệp cũ cùng bao nhiêu em học sinh nữa, biết rơi nước mắt vì những gian dối đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ rồi cương quyết đấu tranh để loại trừ chúng.

Nhưng, bao giờ mới hết những nỗi buồn của một tú tài tương lai như nỗi buồn của học trò tôi?

Theo Vinh Nguyễn
Thanh Niên