Nỗi ám ảnh mang tên "trượt đại học"

Mai Linh

(Dân trí) - Việc thi trượt đại học trở thành nỗi sợ, nỗi ám ảnh vô hình của các học trò tuổi 18. Thực tế, trượt đại học có đáng sợ như vậy?

Đăng kí 99 nguyện vọng, trượt 92 nguyện vọng

Sau khi các trường đại học thông báo điểm chuẩn, có lẽ nhiều bạn học sinh cũng đã tìm được "bến đỗ" cho riêng mình. Hạnh phúc, tự hào, vỡ òa là những cảm xúc của phần lớn các thí sinh đã may mắn trúng tuyển vào ngôi trường mà mình hằng mong ước.

Thế nhưng, bên cạnh những niềm vui, vẫn có những nỗi buồn, nỗi thất vọng của các bạn thí sinh đã bỏ lỡ cơ hội ở năm nay.

Nếu như kì thi tuyển sinh đại học các năm trước, với mức điểm 24-25 điểm, các bạn học sinh đã có thể tự tin đỗ được những ngôi trường mình mong muốn thì năm nay, với số điểm trong khoảng 26-27 điểm, nhiều học sinh khó đỗ vào trường ĐH ưng ý. 

Điểm chuẩn tăng, tỉ lệ chọi cao đã khiến nhiều bạn thí sinh lỡ hẹn với đại học năm nay. Đơn cử trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với điểm chuẩn đầu vào đạt tới 29 điểm hay trường Đại học Tài nguyên và Môi trường tăng 9 điểm so với năm trước. Điểm chuẩn "bùng nổ" khiến cho nhiều bạn thí sinh trên 27 điểm "tạch". Thậm chí có trường hợp đăng kí 99 nguyện vọng thì đã trượt 92 nguyện vọng.

Nỗi ám ảnh mang tên trượt đại học - 1

Việc thi trượt đại học trở thành nỗi sợ, nỗi ám ảnh vô hình của các học trò tuổi 18 (Ảnh: Minh họa). 

Nhà bác học Acsimet từng nói: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên". Bất cứ trường đại học nào cũng chỉ đóng vai trò như một đòn bẩy, một điểm tựa trong sự thành công của mỗi người.

Điểm tựa quan trọng nhất vẫn là chính bản thân chúng ta. Có bước đệm vững chắc là điều may mắn nhưng nó chỉ là điều kiện cần, thành công vẫn có thể đến nếu ta có đam mê, ý chí và nghị lực.

Mai này tương lai ra sao đều do sự lựa chọn và quyết định của chính chúng ta, không thể phụ thuộc vào trường đại học. Thực tế cho thấy, phần lớn các bạn học sinh đều cho rằng một trường đại học hàng top sẽ hứa hẹn một tương lai "hàng top". Nhưng sự thật thì không "màu hồng" đến như vậy.

Con đường dẫn đến thành công luôn có sự thất bại

Một trường đại học tốp đầu chỉ đảm bảo về chất lượng giáo dục và đào tạo. Ngoài ra, nó không thể đảm bảo cho bạn rằng bạn có thành công hay không. Đây là điều nằm ngoài khả năng và trách nhiệm của giáo dục. Giáo dục đóng vai trò cung cấp các kiến thức cần thiết phục vụ cho công việc... chứ không dự đoán trước được tương lai cuộc đời mình.

Không thiếu những sinh viên thất nghiệp và kể cả trong phần may mắn có việc thì phần lớn đều làm trái ngành hoặc những công việc không đảm bảo nuôi sống bản thân. Câu chuyện về những cựu sinh viên ở các trường đại học "có tiếng" phải làm thuê trong các nhà máy, xí nghiệp không còn là điều quá xa lạ mà nó đã trở thành "chuyện bình thường ở huyện".

Các "trạng nguyên" thời hiện đại vẫn phải lặn lội kiếm tiền nuôi bản thân, tiếp tục với sự xoay vần của cuộc sống, tạm gác lại ước mơ đổi đời.

Suy cho cùng, đại học cũng chỉ là một "lối đi" trên con đường thành công, không thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời ta. Mà những lối rẽ dẫn tới thành công thì không có giới hạn.

Trượt đại học có thể là một thất bại, nhưng chỉ mang tính chất thời điểm. Suy nghĩ theo chiều hướng tích cực, đôi khi trượt đại học lại mở ra cho những cơ hội khác - cơ hội khám phá và thấu hiểu bản thân, trân trọng những điều bình dị quanh mình. Đây cũng là một cách học tập, giúp mình định nghĩa bản thân, trả lời câu hỏi "Tôi là ai?", "Tôi cần gì?" và "Tôi muốn gì?".

Nhưng nếu không có "một cái đầu lạnh", không có dũng khí đứng lên đối diện với thất bại thì ta mãi mãi sẽ chỉ dậm chân tại chỗ, mãi mãi chỉ sống trong ám ảnh thất bại do chính mình tạo ra. Hoặc bây giờ quyết tâm "dậy mà đi", khẳng định giá trị bản thân; hoặc ủ rũ, chán chường chấp nhận sống trong thất bại, đó là sự lựa chọn của mỗi người.

Hãy cho bản thân thêm một cơ hội để sửa chữa thất bại ở tuổi 18, cái tuổi còn có thể làm lại tất cả. Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ lại mở ra chỉ khi ta đủ tỉnh táo để tìm thấy tay nắm cửa. Cuộc sống vẫn cứ thế trôi qua, người đi tới cuối cùng là những người có bản lĩnh.

Có một câu nói rất nổi tiếng của Abraham Lincoln: "Điều tôi muốn biết trước tiên không phải là bạn đã thất bại ra sao mà là bạn đã chấp nhận nó như thế nào". Khi thành công, mọi thất bại trước đó đều được coi là một bài học. Trở thành người chiến thắng trong mắt mọi người thì khó, nhưng trở thành người chiến thắng chính bản thân là điều vô cùng dễ dàng.

*Bài viết thể hiện quan điểm của người viết.