Niềm vui học chữ của bà con lớn tuổi

(Dân trí) - “Giờ đây tôi còn có thể chỉ cho đứa con trai học lớp 1 đọc chữ, thấy thế thôi tôi cũng thấy mừng lắm, để được như bây giờ tôi biết ơn cô giáo rất nhiều” - chia sẻ của chị Vy Thị Thúy (40 tuổi, dân tộc Nùng), học viên lớp xóa mù chữ tại xã Long Sơn (huyện Đắk Mil, Đắk Nông).

Lớp học xóa mù chữ dành cho người lớn tuổi chính thức được khai giảng tại Trường tiểu học Kim Đồng (xã Long Sơn, huyện Đắk Mil, Đắk Nông) vào tháng 7/2013. Người gắn bó với lớp học và với các học viên nhất là cô giáo Thu Thảo. Cô Thảo là người đứng ra nhận lớp để dạy các học viên lớn tuổi vào lúc 19h từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

 

Trò chuyện với phóng viên, cô Thảo tâm sự giai đoạn khó khăn nhất của việc dạy đã qua đó là giai đoạn thuyết phục để các học viên tới lớp và cách dạy của mình sao cuốn hút để các học viên không chán nản mà bỏ lớp giữa chừng sẽ “đổ xuống sông xuống bể”.

 

Cô giáo Thu Thảo (
Cô giáo Thu Thảo (ngoài cùng bên trái) tận tình chỉ dạy từng học viên một.

 

“Các cô chú học viên rất chăm chỉ, nỗ lực trong học tập, rất khi khi bỏ lớp học giữa chừng. Sau khóa học lớp 1, rất nhiều người ngỏ ý với tôi để được tiếp tục học lớp tiếp theo để đọc và nhuần nhuyễn hơn. Chỉ cần các học viên quyết tâm học đến vậy, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc nhiều lắm”, cô Thảo vui mừng chia sẻ.

 

Cô Thảo cho biết sau khi các học viên này hoàn thành chương trình lớp 2, phía chính quyền địa phương vẫn sẽ tiếp tục mở lớp mới để dạy tiếp cho các bà con còn lại.

 

“Mong ước của chúng tôi là 100% bà con của xã biết chữ và từ cái chữ để vươn lên phát triển kinh tế và để không còn nằm trong diện “mù chữ” nhiều nhất của huyện nữa”, cô Thảo tâm sự.

 

Để bà con dễ tiếp thu, cô Thảo cho biết bản thân phải thay đổi cách dạy, chỉnh giáo án cho phù hợp độ tuổi, đồng thời áp dụng thực tiễn trong học tập vào cuộc sống để bà con dễ nắm bắt. Đồng thời cũng phải tạo không khí lớp học lúc nào cũng sôi nổi, vui vẻ để tạo hứng thú học tập.

 

Ông Trần Xuân Hà - Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết: Lớp học xóa mù chữ cho học viên lớn tuổi đã phát huy được nhiều kết quả tốt, các học viên đã đọc, biết viết và áp dụng việc học chữ vào đời sống vào trồng trọt sản xuất.

 

“Hiện tại xã có khoảng trên 150 học viên chưa tiếp cận với mô hình này, sau khi kết thúc khóa học, phía xã cùng các giáo viên Trường tiểu học Kim Đồng sẽ vận động các học viên còn lại tới lớp, để xóa mù chữ cho tất cả bà con trên địa bàn xã, đây là điều chúng tôi ấp ủ từ bao lâu nay”, ông Hà chia sẻ.

 

Bà con chăm chú nghe cô giáo giảng bài
Bà con chăm chú nghe cô giáo giảng bài.

 

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Phó Trưởng phòng Giáo dục huyện Đắk Mil cho biết: “Chúng tôi mở lớp dạy cho các học viên đến khi nào có thể đọc và viết thành thạo thì mới hoàn thành. Sau khi kết thúc khóa học lớp 2 này, các học viên có thể tự tin vì mình đã chính thức được xóa mù chữ. Đây là mô hình chúng tôi sẽ xem xét để mở rộng hơn nữa trên địa bàn huyện”.

 

Sau 1 năm thành lập, mô hình xóa mù chữ đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Việc học chữ giờ đây giúp ích rất nhiều cho bà con, từ việc thực hiện các thủ tục hành chính đến đọc hướng dẫn sử dụng từ các giống cây trồng vật nuôi, đọc được các tài liệu để áp dụng vào việc lao động sản xuất. Cho đến điều đơn giản hơn là việc chỉ dạy lại ít chữ cho con cháu trong nhà cũng là điều hạnh phúc lớn lao của những người dân nghèo nơi đây, bởi nếu như không tham gia vào lớp học xóa mù chữ thì chắc sẽ không thể nào có được những điều đó.

 

Trương Nguyễn

 

Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!