“Niềm tin của xã hội sẽ là một động lực cho giáo viên”

(Dân trí)-“Là nhà giáo và cũng là con người, rồi có lúc, có nơi, chúng tôi sẽ có sai sót. Nhưng đó chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất. Vì thế, niềm tin của xã hội là động lực để mỗi nhà giáo thêm nguồn sáng tạo, tận tụy với nghề, tận tâm cống hiến”.

Đó là những chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội) tại lễ tuyên dương các điển hình tiên tiến, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu ngành giáo dục và đào tạo thủ đô năm 2013 vừa được tổ chức sáng 14/11. Trong buổi lễ sáng nay, Trường THPT Phan Huy Chú được tuyên dương Tập thể xuất sắc.

Trong bài phát biểu của mình, cô Nhiếp bộc bạch: Trong giáo dục ta có “chuẩn kiến thức kỹ năng”, “chuẩn nghề nghiệp”. Vậy chuẩn “Nhà giáo mẫu mực” sẽ là gì? Có rất nhiều ý kiến thống nhất ở 3 tiêu chí: phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp vì 3 tiêu chí hội tụ đầy đủ yêu cầu, đòi hỏi của ngành, của xã hội. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì nhà giáo mẫu mực trước hết phải là người tốt, người cởi mở và đáng tin cậy; đặc biệt phải luôn vững vàng trong chuyên môn. Vì đồng nghiệp và học sinh khó có thể “phục” một người thầy sống tốt nhưng chỉ toàn là những giờ dạy nhạt nhòa.
Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội).

Cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa, Hà Nội).

Nhà giáo mẫu mực luôn khao khát kiến thức và không yên tâm với những gì đã có trong chuyên môn, trong công việc. Thế, trong cuộc sống lại luôn khép mình “tri túc”, nghĩa là phải “biết đủ” để sống “có chừng, có mực”. Một nhà giáo mẫu mực không chỉ về hình thức hay biểu hiện trước phụ huynh và học trò mà còn sống sâu sắc, nhường nhịn và vị tha. Khi nhà trường thân thiện đang kết thân tình thầy trò cũng là lúc từ cự ly gần học trò để “nhận ra” cái chưa hoàn thiện của thầy. Những nhà giáo mẫu mực luôn nồng nhiệt mà vẫn mẫu mực, hiện đại mà vẫn truyền thống.

Bên cạnh đó, nhà giáo mẫu mực luôn có ý thức giữ hình ảnh người làm thầy. Đã theo nghề là lúc nào cũng phải có một bục giảng vô hình dưới chân và xác định dạy học không chỉ là trách nhiệm mà còn là tình thương, là niềm vui. Mà hơn thế nữa, dạy học không chỉ niềm vui của cá nhân mình mà còn là niềm vui của học trò, niềm vui của xã hội. Nhà giáo mẫu mực cũng giống như người nông dân trăn trở về mùa vụ, lo “gió mưa” thời @ ngăn trở sự giáo dục thuận chiều, lo sâu bệnh của lối học đang cũ mòn khiến cho cành không đâm chồi, lá hết xanh tươi, hoa không hết nụ. Trăn trở làm sao để mỗi bài giảng nhẹ nhàng, đơn giản lại vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng? Làm sao để tình sâu mà chí vẫn cao? Làm sao thả lòng mà không rối bời, hao khuyết?... Tất cả, với nhà giáo mẫu mực đó không phải là chuyện cơm áo, gạo tiền mà hơn cả là trách nhiệm, là bổn phận, là danh dự, là đạo đức nhà giáo.

Cô Nhiếp cũng khẳng định, tuy cùng chung mục đích “xứng làm thầy”, nhưng đó là sự cố gắng mỗi ngày không mệt mõi, có khi là hy sinh mà không phải ai cũng làm được. Từng tiết dạy, mỗi dáng đứng, bước đi, nụ cười, lời nói, có khi bớt mặc một chiếc áo đẹp mà chưa phù hợp nghề, nén một câu nói cần xả khi bực bội… chỉ để đúng là người làm thầy. Nếu lạc chuẩn về người thầy thì tình hình giáo dục sẽ về đâu? Nhưng có một thực tế là không ít người đang phấn đấu trở thành nhà giáo mẫu mực lại rất lặng lẽ.

“Sự “ngại phô trương”, “kém giao tiếp”, “ít tiếp cận cấp trên” cũng là một nét “mẫu mực” và cũng giúp thuận cho việc say nghề, tránh được những ý kiến phản ứng của những thành phần còn lười ngại”. Chính vì nỗ lực âm thầm nên nhiều nhà giáo mẫu mực như “tự ẩn mình”, các thầy cô chỉ gắn bó và say sưa với học trò nên ít được cấp trên, xã hội chú ý và ghi nhận” - cô Nhiếp bộc bạch.

Trước tình trạng thí sinh ngày càng “thờ ơ” với ngành Sư phạm, cô Nhiếp tâm sự: Theo dõi nguyện vọng đăng ký của các trường ĐH, CĐ những năm gần đây, nhiều học sinh Hà Nội nói riêng và học sinh toàn quốc nói chung rất ít đăng ký thi vào ĐH Sư phạm. Tâm sự với các em thì được biết các em thấy nghề giáo vất vả quá nên tránh ngại. Có em còn nói: “Nghề giáo phải sống mẫu mực, làm việc hay yêu thương cũng không thật thoải mái, tự nhiên. Mà vì là mẫu mực nên người ta luôn đòi hỏi về cái chuẩn. Nghề nghiệp mà khó khăn, căng thẳng như thế thì chúng con đành tìm chọn nghề nghiệp khác”.

"Xã hội đòi hỏi nghề giáo rất cao, không chỉ mẫu mực về chi thức, mà còn đẹp ở nếp sống. Chính sự đòi hỏi đó mà chúng tôi còn tự học cả sự chịu đựng và sự chấp nhận những điều không như ý một cách không căng thẳng từ những áp lực xã hội đối với ngành giáo dục. Là nhà giáo và cũng là con người, rồi có lúc, có nơi chúng tôi sẽ có những sai sót. Nhưng đó chỉ là hiện tượng chứ không phải là bản chất. Chúng tôi vẫn có những sắc thái riêng từ tác phong, lời nói… không đánh mất những giá trị truyền thống. Vì thế, niềm của xã hội là động lực để mỗi nhà giáo thêm nguồn sáng tạo, tận tụy với nghề, tận tâm cống hiến và ngày càng mẫu mực hơn” - đó là lời nhắn nhủ của cô Nhiếp.

Nguyễn Hùng (lược ghi) 

Dòng sự kiện: 31 năm Ngày Nhà giáo VN