Những trường đại học có mức học phí cao nhất nước năm 2021

Mạc Doanh

(Dân trí) - TS. Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, trường ĐH FPT đã có thống kê học phí của 15 trường đại học cao nhất cả nước năm 2021.

Mức học phí cụ thể của các trường, tính theo đơn vị học kỳ như sau:

Những trường đại học có mức học phí cao nhất nước năm 2021 - 1

Nguồn TS Lê Trường Tùng.

Mức học phí cao nhất thuộc về trường ĐH VinUni, 406 triệu đồng/học kỳ; tiếp đến là trường ĐH Fullbright Việt Nam với mức học phí 234 triệu đồng/học kỳ; trường ĐH RMIT Việt Nam xếp thứ 3. Vị trí thứ 5 thuộc về trường ĐH Quốc tế Sài Gòn với mức học phí 43,3 triệu đồng/học kỳ, trường ĐH Tân Tạo ở vị trí thứ 6 là 42,9 triệu đồng/học kỳ.

TS. Lê Trường Tùng cho biết, trong top này, có đại diện của 5 cơ sở giáo dục ĐH công lập, trong đó có 3 trường ĐH đẳng cấp quốc tế là trường ĐH Việt Nhật, trường ĐH Việt Pháp và trường ĐH Việt Đức, 2 trường công lập khác là trường ĐH Y dược TPHCM, trường ĐH quốc tế, ĐH Quốc gia TPHCM; 2 trường đăng ký hoạt động không vì lợi nhuận là trường ĐH Fullbright Việt Nam và trường ĐH VinUni.

Năm nay có 2 trường mới lọt vào danh sách Top 15 học phí đại học 2021 so với bảng Top 15 2020 đó là Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng và Trường ĐH Y Dược TP HCM. Trường AUV Đà Nẵng (ĐH Mỹ) bỏ ra khỏi danh sách vì không có số liệu tuyển sinh và học phí. Vị trí 15 và 16 lệch nhau mấy trăm ngàn, xem như đồng hạng 15 vậy. Top 15 thành Top 15+.

Trong số các trường ĐH của Việt Nam lọt top này phần lớn đều liên quan đến đào tạo ngành y như Trường ĐH Y dược TPHCM hay như Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Tân Tạo cũng đều tuyển sinh đào tạo ngành y.

Theo TS. Lê Trường Tùng, các trường có học phí các ngành, các hệ khác nhau thì căn cứ theo học phí từng ngành, từng hệ đào tạo và chỉ tiêu tuyển sinh để tính trung bình một sinh viên học phí bao nhiêu.

Những trường không chia chỉ tiêu theo từng ngành, từng hệ thì tính bình quân. Cũng chỉ tính cho hệ đại học chính quy, không tính hệ đào tạo sau đại học và đào tạo hệ vừa làm vừa học, từ xa. Số liệu tính theo triệu VNĐ, làm tròn 1 số sau dấu thập phân.

Trước khi tuyển sinh phải công khai mức thu học phí

Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục ngoài công lập phải công khai mức thu học phí theo quy định tại Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT ngày 28/12/2017 của Bộ GDĐT.

Đồng thời tại Điều 65 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học quy định: "Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học cùng với thông báo tuyển sinh và trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học; có trách nhiệm trích một phần nguồn thu học phí để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn".

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Dự thảo quy định các cơ sở giáo dục trước khi tuyển sinh hoặc xét tuyển phải công bố, công khai mức thu học phí, chi phí đào tạo cho từng năm học, cấp học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, lộ trình tăng học phí (nếu có) cho từng năm học và dự kiến cho cả khóa học đối với giáo dục đại học.

Cơ sở giáo dục có trách nhiệm công khai, giải trình chi phí đào tạo, mức học phí, lộ trình tăng học phí cho từng năm học, cấp học, khóa học; công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định; công khai chính sách miễn, giảm học phí và mức thu, miễn giảm học phí trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch họa.

Trước băn khoăn, lo lắng của nhiều học sinh về việc không thể theo học một số trường như dự định, vì mức học phí vượt quá khả năng tài chính của gia đình; Vụ Kế hoạch - Tài chính chia sẻ, từ năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 và các đợt thiên tai, bão lũ ở nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến sự phát triển của đất nước và tác động đến thu nhập của người dân.

Tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Chính phủ xem xét cho phép giữ nguyên mức học phí năm học 2021-2022 như năm học 2020-2021, nhằm chia sẻ khó khăn, góp phần giảm gánh nặng về tài chính cũng như nỗi lo tăng học phí cho phụ huynh và học sinh.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định thay thế đã mở rộng các đối tượng được hưởng chế độ chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bổ sung nhiều chính sách mới để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục của tất cả mọi đối tượng yếu thế trong xã hội, tập trung hỗ trợ học sinh vùng sâu, vùng xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận giáo dục.

Bên cạnh các chính sách mới, các chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và các quy định khác tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP vẫn được giữ nguyên cho giai đoạn từ năm học 2021-2022 về sau.