Bình Định:

Những thầy cô truyền cảm hứng yêu cái đẹp cho học trò

Doãn Công

(Dân trí) - Yêu nghề, say mê cái đẹp, các giáo viên giảng dạy bộ môn Giáo dục nghệ thuật ở Bình Định đã nỗ lực truyền dạy những kiến thức, kỹ năng cơ bản về nghệ thuật, khơi gợi tư duy thẩm mỹ cho học trò.

Nghệ thuật là hơi thở cuộc sống 

Say mê cái đẹp từ nhỏ, thầy Thái Bình Minh (41 tuổi, ở TP Quy Nhơn, Bình Định) chọn ngành Mỹ thuật để theo đuổi đam mê. Năm 2000, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ thuật, Trường ĐH Nghệ thuật Huế, thầy Minh xin về Trường THCS Đống Đa (TP Quy Nhơn) giảng dạy. Thâm niên 20 năm đứng trên bục giảng, thầy Minh chứng kiến sự thay đổi trong quan niệm của phụ huynh, học sinh về môn Giáo dục nghệ thuật.

Những thầy cô truyền cảm hứng yêu cái đẹp cho học trò - 1

Thầy giáo Đoàn Mạnh Dũng trong một buổi dạy nhạc cho học sinh.

“Trước đây, phụ huynh và cả học sinh có tâm lý xem môn Mỹ thuật là môn phụ, học để cho qua môn, học cho có, qua loa, ít chú trọng. Nhưng nay, tâm lý đó dần được xóa bỏ. Bởi, thực tế nhiều công việc hiện nay có những quy định, tiêu chí khắt khe hơn gắn liền với Mỹ thuật. Nhất là đối với các ngành nghề kiến trúc, đồ họa, công nghệ thông tin…. Muốn chuẩn bị tương lai, định hướng chuyên về những lĩnh vực này không thể xem nhẹ môn Mỹ thuật nói riêng, lĩnh vực Giáo dục nghệ thuật nói chung”, thầy Minh chia sẻ.

Đặc biệt, để học trò có thể bắt nhịp với Mỹ thuật, bên cạnh giảng dạy lý thuyết, thầy Minh còn chứng minh các kiến thức cơ bản về mỹ thuật qua các tác phẩm, phác thảo, thiết kế thực tế, tổ chức các buổi tham quan các triển lãm, bảo tàng… giúp học sinh dễ nắm bắt, được trải nghiệm thực tế. 

“Tôi tâm niệm rằng: mình phải truyền dạy cho học sinh tất cả những kiến thức, kỹ năng mà mình có được, tạo nền tảng. Qua đó, giúp các em nhận ra được năng khiếu của mình để có hướng phát triển về sau này”, thầy Minh bộc bạch.

Những thầy cô truyền cảm hứng yêu cái đẹp cho học trò - 2

Thầy giáo Thái Bình Minh hướng dẫn học sinh kỹ năng cơ bản về Mỹ thuật.

Với 14 năm thâm niên giảng dạy bộ môn Nghệ thuật, thầy giáo Đoàn Mạnh Dũng (46 tuổi), giáo viên âm nhạc Trường THCS Đống Đa (TP Quy Nhơn) cho rằng âm nhạc đóng vai trò quan trọng trong đời sống thẩm mỹ, tinh thần của mỗi người.

14 năm giảng dạy, thầy Dũng đã ươm mầm, khơi dậy tình yêu nghệ thuật cho nhiều thế hệ học sinh. Hầu như năm nào, các tiết mục văn nghệ của học sinh do thầy Dũng chỉ dẫn cũng đạt giải tại các hội thi, hội diễn cấp thành phố, tỉnh và quốc gia. Cậu học trò Nguyễn Minh Nhật, người từng tham gia chương trình Giọng hát Việt nhí năm 2018, là một ví dụ tiêu biểu.

Lấy học trò làm trung tâm

Đó là triết lý giáo dục của cô Phạm Thị Thu Hà, giảng viên dạy môn Âm nhạc, khoa Giáo dục Tiểu học và Mầm non (Trường ĐH Quy Nhơn). Cô Hà đã 23 năm đứng trên bục giảng, tham gia đào tạo, truyền dạy và bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc cho nhiều thế hệ sinh viên ở cả 2 chuyên ngành: Mầm non và Giáo dục Tiểu học.

Những thầy cô truyền cảm hứng yêu cái đẹp cho học trò - 3
Cô Phạm Thị Thu Hà, người truyền đam mê nghệ thuật âm nhạc đến sinh viên trong một tiết học.

Trong tiết dạy của cô, sinh viên luôn được làm chủ bài học. Sau những phút giúp sinh viên nắm vững lý thuyết, cô Hà “lùi lại phía sau” dành thời gian để nghe, quan sát sinh viên vận dụng những kiến thức vừa học vào thực hành.

Theo chia sẻ của cô Hà, cô luôn muốn sinh viên học thật, làm thật bởi kiến thức, phương pháp phải nhuần nhuyễn, song hành cùng kỹ năng.

Ngoài truyền dạy kiến thức, phương pháp, kỹ năng âm nhạc nói chung, cô còn giới thiệu, chuyển tải kiến thức lịch sử về tuồng, bài chòi - những di sản văn hóa của dân tộc - với ước muốn trong các sinh viên của mình, rồi đây sẽ có người tham gia gìn giữ và phát huy các di sản tới mai sau.

Gần 10 năm gắn bó với môn Thanh Nhạc, khoa Văn hóa - Nghệ thuật (Trường CĐ Bình Định), cô Tống Quý Hương không nhớ hết mình đã đào tạo bao nhiêu thế hệ sinh viên ra trường. Hạnh phúc lớn nhất của nữ giảng viên là được chứng kiến sinh viên trưởng thành trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp.

“Con đường nghệ thuật vốn nhiều thách thức. Vì vậy, chúng tôi đặc biệt hỗ trợ, tạo điều kiện cho những sinh viên có đam mê thực sự với con đường âm nhạc chuyên nghiệp. Ngoài việc truyền dạy các nguyên lý phát âm, hình thức phát âm… tôi cố gắng phân tích những khó khăn, đưa ra các giải pháp, truyền năng lượng tích cực để học viên kiên trì, kiên định với con đường đã chọn”, cô Hương chia sẻ.

Những thầy cô truyền cảm hứng yêu cái đẹp cho học trò - 4
Cô Tống Quý Hương (người ngồi) đang tập học viên luyện thanh.

Đúc kết về hành trình giảng dạy của mình, tất cả các giáo viên, giảng viên tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện đều chung ước vọng: Làm sao để các em cảm thụ rồi say mê, làm sao để các em có đủ kiến thức, làm chủ kỹ năng để khi vào đời có thể chủ động tìm được việc làm phù hợp, khẳng định giá trị bản thân, cống hiến cho xã hội.