Những nữ giáo viên “gánh trọn hai vai”

(Dân trí) - Vừa làm tốt nhiệm vụ ở trường, họ vừa làm tốt bổn phận của người con dâu, người vợ, người mẹ trong gia đình. Trong 5 năm qua, Nghệ An có 246 nữ giáo viên được cấp giấy chứng nhận “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”.

Sở GD-ĐT, Công đoàn Ngành Giáo dục Nghệ An tặng Giấy khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua Giỏi việc trường, đảm việc nhà.
Sở GD-ĐT, Công đoàn Ngành Giáo dục Nghệ An tặng Giấy khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua "Giỏi việc trường, đảm việc nhà".

Tổng kết 5 năm phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn 2010-2015, Nghệ An có Trường THPT Quỳnh Lưu 4 được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen, 1 cá nhân được Công đoàn ngành GD Việt Nam tặng Bằng khen, 84 nữ cán bộ, giáo viên được Công đoàn GD Việt Nam cấp giấy chứng nhận “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Riêng Công đoàn Sở GD-ĐT Nghệ An đã tặng Giấy khen cho 22 tập thể và 51 cá nhân, cấp giấy chứng nhận “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” cho 246 nữ cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức ngành giáo dục. Đây thực sự là phong trào thi đua tạo được sức lan tỏa lớn trong ngành giáo dục Nghệ An thời gian qua.

Hàng năm, có trên 87% nữ nhà giáo ở Nghệ An đạt danh hiệu “giỏi việc trường, đảm việc nhà” các cấp; 95% gia đình nữ nhà giáo đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa". Trong 5 năm qua, ngành giáo dục Nghệ An có 18 nữ cán bộ, nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 20 người được nhận thưởng Quỹ phát triển tài năng giáo dục và 1 người là chiến sỹ thi đua toàn quốc.

Từ phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” đã xuất hiện nhiều cá nhân nữ điển hình tiêu biểu trong các lĩnh vực công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học, quản lý và xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa. Những tấm gương cô giáo vùng cao, vùng sâu, vùng xa tận tụy, thầm lặng hi sinh, nhường cơm để “kéo” học trò đến lớp không chỉ là tấm gương sáng cho các đồng nghiệp mà còn viết lên những câu chuyện cổ tích đẹp về tình cô trò nơi thâm sơn cùng cốc.

Các điển hình trong phong trào thi đua Giỏi việc trường, đảm việc nhà chia sẻ câu chuyện của mình.
Các điển hình trong phong trào thi đua "Giỏi việc trường, đảm việc nhà" chia sẻ câu chuyện của mình.

Hay như tấm gương của cô giáo Phạm Thị Hợp – Hiệu trưởng Trường mầm non Sao Mai (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An). Về làm dâu trong gia đình có 4 thế hệ cùng chung sống, chồng công tác xa, ông nội chồng già yếu, mẹ chồng mắc bệnh trầm cảm nên để làm tròn bổn phận của dâu con trong nhà, cô Hợp đã nỗ lực rất nhiều trong công tác.

“Đây là phong trào thi đua hết sức có ý nghĩa, là động lực thúc đẩy chị em trong ngành hoàn thiện các thiên chức của người phụ nữ. Phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” đã tạo cho tôi động lực phấn đấu, khắc phục khó khăn trong cuộc sống gia đình để hoàn thành mọi nhiệm vụ chuyên môn, dành thời gian để chăm sóc mái ấm gia đình. Tôi xác định gia đình là bệ phóng để mình phấn đấu trên bước đường sự nghiệp; là động lực thúc đẩy tôi nỗ lực không mệt mỏi với sự nghiệp trồng người”, cô giáo Phạm Thị Hợp tâm sự.

Năm 2007, cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh được đề bạt làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Lục Dạ (huyện Con Cuông, Nghệ An). Đây là một trong những trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Con Cuông. Trường có tới 5 điểm đóng dàn trải trên địa bàn cả xã, giao thông đi lại khó khăn với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số, 1/3 là người dân tộc Đan Lai. Khó khăn của những ngày đầu trên cương vị công tác mới khiến cô Kim Anh cảm thấy có những lúc công việc như quá sức của mình.


Cô giáo Nguyễn Thị Cầu tại buổi lễ trao thưởng học sinh đạt huy chương bạc Olympic Toán quốc tế do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức. (Ảnh: Nguyễn Tình)

Cô giáo Nguyễn Thị Cầu tại buổi lễ trao thưởng học sinh đạt huy chương bạc Olympic Toán quốc tế do UBND tỉnh Nghệ An tổ chức. (Ảnh: Nguyễn Tình)

“Tôi luôn đặt cho mình một tiêu chí để phấn đấu, đó là người hiệu trưởng phải là người có uy tín trong tập thể. Uy tín đó phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể, trực tiếp tới từng công việc, từng cán bộ giáo viên và học sinh. Khi ở trường là người lãnh đạo nhưng khi ở gia đình mình phải luôn là người giữ lửa, là trung tâm gắn kết các thành viên trong gia đình”, cô giáo Nguyễn Thị Kim Anh chia sẻ.

Hay như cô giáo Trần Thị Cầu – Hiệu trưởng Trường mầm non Yên Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An), vừa làm cha, vừa làm mẹ nhưng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của một nhà quản lý, một giáo viên giỏi. Chồng mất vì căn bệnh ung thư, một mình chị cáng đáng công việc gia đình và nuôi dạy 2 con. Sự cố gắng, nỗ lực của chị được đền đáp bằng tấm giấy báo trúng tuyển ĐH của cô con gái đầu và tấm Huy chương bạc Olympic Toán quốc tế 2015 của cậu con trai Hoàng Anh Tài.

Khó khăn còn nhiều nhưng với tình yêu nghề, với trách nhiệm với gia đình, các nữ giáo viên, công nhân viên chức lao động, quản lý giáo dục Nghệ An vẫn luôn nỗ lực hết sức, “gánh trọn 2 vai”, xứng đáng là những người phụ nữ Việt Nam “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

Hoàng Lam

(hoanghonglam@dantri.com.vn)