Những kỹ năng bị bỏ quên

"Vì luôn được giáo dục từ trên xuống một cách cứng nhắc nên đến khi buộc phải thay đổi môi trường sống và học tập tôi thực sự bị sốc", Mai Anh, một du học sinh bức xúc kể lại.

Theo UNESCO, 4 nhiệm vụ quan trọng mà ngành giáo dục phải thực hiện là giáo dục cho học sinh cách học để biết, học để làm, học để sống và học để tồn tại. Trong đó, vấn đề quan trọng là phải đem lại sự cân bằng giữa kiến thức học thuật và giáo dục các kỹ năng sống cho học sinh, bao gồm các vấn đề về công nghệ và hướng nghiệp.

 

Nếu so sánh với giáo dục trong nước, phần lớn các học sinh, sinh viên chúng ta chỉ mới được dạy cách học để biết, biết và thuộc lòng một khối lượng kiến thức khổng lồ vốn đã sẵn có trong sách vở. 

 

"Vì luôn được giáo dục từ trên xuống một cách cứng nhắc nên đến khi buộc phải thay đổi môi trường sống và học tập tôi thực sự bị sốc", Mai Anh, một du học sinh bức xúc kể lại, "Nguyên một tháng đầu học cao học tại Hà Lan, tôi phải cố gắng hết sức để chạy theo cách học hoàn toàn khác hẳn tại Việt Nam. Trên lớp, thầy giáo chỉ làm mỗi việc hướng dẫn cho sinh viên các tài liệu cần phải đọc, giao đề tài để sinh viên viết bài luận theo nhóm và góp ý, sửa chữa, những gì đã có trong sách thì thầy không nhắc lại.

 

Thời gian đầu, tôi rất ngạc nhiên và bực mình vì thấy giáo viên chẳng đọc gì cho mình ghi chép cả. Sau dần mới thấy chính cách học như vậy lại rất hiệu quả. Đến kỳ thi hầu như tôi không cần phải học gì bởi nhờ làm việc theo nhóm, tra cứu ở thư viện, kiến thức ngấm dần vào đầu. Chúng tôi luôn có những hoạt động ngoại khóa thú vị, hoạt động phục vụ cộng đồng luôn được thiết kế rất hấp dẫn...”.

 

Những người tốt nghiệp trong nước thiếu hẳn các kỹ năng rất quan trọng với nghề nghiệp như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sử dụng các công cụ kỹ thuật hỗ trợ như máy vi tính, fax, điện thoại..., kỹ năng truyền đạt ý tưởng của mình đến người khác. Điều này khiến họ rất vất vả để hội nhập và thành công trong công việc.

 

Làm việc nhóm, giao tiếp cộng đồng, thân thiện với kỹ thuật công nghệ và tư duy độc lập có phê phán là các kỹ năng sống rất quan trọng với nghề nghiệp sau này của mỗi người. Theo cách hiểu chung nhất, kỹ năng sống là những kỹ năng cần thiết để giúp con người thành công trong cuộc sống. Ở nước ta, khái niệm này còn khá mới mẻ và đang từng bước được thực hiện trong thời gian gần đây. Ngoại trừ một số trường theo mô hình quốc tế như Trường Tiểu học dân lập Quốc tế Việt-Úc, Tiểu học Quốc tế, Tiểu học Việt-Mỹ, Trường Tiểu học dân lập Quốc tế Việt-Úc, Grammar School, Đại học RMIT... kỹ năng sống được chú trọng rèn luyện; còn lại hầu hết các trường chưa chú ý rèn luyện kỹ năng này cho học sinh, sinh viên.

 

Một trong các nội dung đang được triển khai ở 85 trường trung học cơ sở ở 8 tỉnh, thành trong cả nước trong chương trình "Giáo dục sống khỏe mạnh, kỹ năng sống" là giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên. Tuy nhiên, đây chỉ là một cố gắng bước đầu nhằm trang bị dần cho các em học sinh một kỹ năng sống cần thiết, chứ chưa đủ.

 

Theo Thuỷ Vinh

Thanh Niên