Những kiến thức trọng tâm môn Hóa trong đề thi THPT quốc gia

(Dân trí) - Đặc thù môn Hóa học là kiến thức vừa dài, vừa rộng, vừa sâu làm nản lòng không ít học sinh. Chính vì vậy, trong 4 tháng cuối, các thí sinh cần rà soát kiến thức, khoanh vùng kiến thức vừa sức và ôn luyện theo từng chuyên đề sao cho hiệu quả. Vậy rà soát kiến thức môn Hóa như thế nào? Làm thế nào để đạt điểm cao môn Hóa?

Theo tổng hợp của tổ bộ môn Hóa học, trung tâm Hocmai, kiến thức trọng tâm môn Hóa học trong đề thi có thể tóm lược như sau:

Ở phần vô cơ, kiến thức tập trung ở những chuyên đề sau:

+ Nguyên tử và bảng tuần hoàn, liên kết, phản ứng oxi hoá- khử, tốc độ phản ứng-cân bằng hoá học (chiếm khoảng 2-4 câu): Các chuyên đề này chứa nhiều lý thuyết và đây là phần dễ trong đề thi, học sinh cần lưu ý nắm kiến thức cơ bản trong SGK để không bị mất điểm đáng tiếc.

+ Sự điện ly và phi kim (chiếm khoảng 4 -7 câu): Các chuyên đề này có nhiều câu hỏi lý thuyết ở mức trung bình, một số ít câu hỏi tính toán ở mức độ khó. Tuy nhiên, phần kiến thức này có nhiều nội dung gắn liền với thực tế cuộc sống và thực hành thí nghiệm. Do vậy, học sinh cần học lý thuyết gắn liền với thực hành và thực tế.

+ Đại cương kim loại và kim loại kiềm, kiềm thổ (5- 8 câu): Chuyên đề có nhiều câu hỏi tính toán, các câu hỏi bắt đầu có tính phân loại, các câu khó bắt đầu xuất hiện ở phần này. Để làm tốt bài tập thuộc phần kiến thức này, ngoài việc nắm vững lý thuyết, học sinh cần làm lại các dạng bài tập đã từng xuất hiện trong đề thi CĐ-ĐH những năm trước đây.

+ Bài tập Fe, Cu và tổng hợp nội dung kiến thức hoá học vô cơ thuộc chương trình phổ thông (9-13 câu): Chuyên đề này có tỉ lệ câu hỏi lý thuyết và bài tập là tương đương. Có thêm nhiều dạng bài khó mới xuất hiện. Ở phần này đã có sự phân loại mức độ câu hỏi một cách rõ rệt, với học sinh nắm vững kiến thức cơ bản thì vẫn có thể làm được một số ít câu, nhưng để làm hết thì cần những học sinh có hệ thống kiến thức tốt, khả năng tư duy logic và sáng tạo cao.

Ở phần hữu cơ, kiến thức tập trung ở các chuyên đề sau:

+ Đại cương hóa học hữu cơ hidrocacbon (2-3 câu): Các câu này ở mức độ dễ và trung bình. Học sinh chỉ cần nắm chắc lý thuyết và một số dạng bài trong SGK và sách bài tập là có thể tự tin giành trọn điểm số

+ Ancol-phenol, andehit, axit cacboxylic (3-8 câu): Để làm tốt bài tập thuộc phần kiến thức này học sinh ngoài việc học lý thuyết cần làm lại đến thành thạo các dạng bài tập đã từng xuất hiện trong đề thi ĐH-CĐ những năm trước đây.

+ Este-lipit, amin, amino axit, protein (6-8 câu): Các chuyên đề này có nhiều câu hỏi tính toán ở mức độ trung bình, một số ít ở mức độ khó và cực khó. Đặc biệt, xu hướng sẽ có nhiều dạng bài khó mới xuất hiện cho chuyên đề này.

+ Cacbonhidrat và polime (2 câu): các câu đã từng ra ở chuyên đề này ở mức độ dễ. Học sinh chỉ cần nắm được tính chất, công thức, và tên gọi cũng như một số dạng bài đơn giản về Cacbohidrat và polime trong SGK và SBT là có thể hoàn thành tốt.

+ Tổng hợp hoá hữu cơ (4-8 câu) có nhiều câu hỏi dạng bài tập hỗn hợp các chất hữu cơ và nằm ở mức độ khó đến cực khó. Ngoài ra, cũng có một số ít câu lý thuyết tổng hợp ở mức độ trung bình và dễ.

Kiếm điểm trung bình môn Hóa thì dễ nhưng kiếm điểm giỏi thì không đơn giản chút nào. Càng về cuối, học sinh càng cần tập trung ôn luyện một cách khôn ngoan, rà soát lại kiến thức, bổ khuyết ngay kiến thức còn yếu, bổ sung chiến lược, mẹo làm bài thi để tự tin nắm chắc điểm cao môn Hóa.

Hồng Hạnh (ghi)