Những đứa trẻ chưa từng được ăn kẹo

(Dân trí) - Những em học sinh dân tộc Mảng cứ mân mê mãi trên tay những viên kẹo bọc ni-lon đủ màu xanh, hồng rực rỡ. Nhìn đám trẻ vui vẻ, háo hức nếm thử - thức quà mà trẻ dưới xuôi có khi không thèm đụng tới - mọi người không khỏi chạnh lòng.

Có cơm ăn với rau rừng đã là sướng
 
Vượt chặng đường dài đằng đẵng đẵng từ Hà Nội lên đến Lai Châu, chiếc ô tô phủ kín bùn tiếp tục nhẫn nại "nuốt" chặng đường núi cheo leo dài 18km dọc con suối Nậm La để đến với những em học sinh người đang ăn học ở khu bán trú dân nuôi trường Tiểu học - THCS Nậm Ban, bản Nậm Ô, xã Nậm Ban - xã biên giới khó khăn nhất huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.

Đường đi gập ghềnh, có đoạn xóc tới mức tưởng như đã văng khỏi con đường đá dăm sắc nhọn.Có khách đến, cả trường Nậm Ban rộn rã hẳn. 90 cô, cậu bé người Mảng vội vã kết thúc bữa chiều. Món mặn duy nhất có trên bàn ăn của các em là rau rừng kho. Để bên cạnh là những bát nước trắng, đó là canh giúp các em dễ nuốt hơn.

Những đứa trẻ chưa từng được ăn kẹo - 1
Món mặn duy nhất trong bữa cơm của học sinh trường Nâm Ban là rau rừng kho
 
Dù đã được thầy cô dặn dò phải mặc bộ quần áo đẹp nhất, mấy đứa học trò nam vẫn không kiếm nổi chiếc quần không bục túi, rách gối. 
 
Phần nhận quà đối với chúng thật hấp dẫn. Nhiều đứa cứ mâm mê mãi trên tay những viên kẹo bọc ni-lon đủ màu xanh, hồng rực rỡ. Đây là loại đồ ăn chúng chưa từng nhìn thấy chứ đừng nói đến chuyện nếm thử.

Nhìn đám trẻ vui vẻ, háo hức nếm thử  món quà quý, những người khách không khỏi trạnh lòng. Thức này trẻ dưới xuôi có khi không thèm đụng tới!

Những đứa trẻ chưa từng được ăn kẹo - 2
Chưa bao giờ lũ trẻ được nếm thử những món ăn đẹp đẽ và ngon đến vậy
 
Thầy Nguyễn Danh Tuyên, Hiệu trưởng trường cho biết, cả bản có tới 1200 nhân khẩu, chủ yếu là người Mảng (số ít còn lại là người H'Mông). Người bản chia thành từng cụm nhỏ sống  nhờ vào nguồn săn bắt ở dọc suối Nậm La và khoản cứu đói của Chính phủ ((3 lần/năm). 

Kể từ khi các thầy cô lên đây cắm bản, mở trường lũ trẻ bắt đầu được đi học chữ. Do địa hình đi lại khó khăn lên các thầy cô phải nhờ lực lượng bộ đội giúp sức dựng mấy gian nhà gỗ làm chỗ bán trú cho khoảng 100 em. Nhưng khoản ăn các em phải tự túc, nên tình trạng đứt bữa diễn ra thường xuyên.

Năm ngoái, một vị giám đốc công ty dưới Hà Nội có ghé đến thăm trường. Cảm động trước tình cảnh khó khăn của thầy trò nơi đây, ông này đã trao tặng các em bán trú tại trường 3 tấn gạo.

Có gạo, các thầy cô nghĩ đến việc bếp ăn tập thể. Thế là từ đó các em học sinh bán trú có cơm ăn hai bữa đều đặn. Tuy nhiên, thức ăn thì chịu. Vì vậy khẩu phần ăn chỉ có cơm chan nước trắng với rau rừng.

 Đối mặt với lũ và đứt bữa

Rồi thì 3 tấn gạo cũng hết veo trong ba tháng. Nơi từng hỗ trợ gạo hứa sẽ tiếp tục cho trường 20 triệu đồng để tiếp mua gạo. Nhưng mãi mà số tiền được hứa vẫn chưa về đến nơi.

Không những phải đối mặt với cảnh đứt bữa của các em, các thầy cô trường Nậm Ban còn đau đầu lo đối phó với  suối Nâm La. Vào mùa khô, dòng suối này êm ả hiền hòa, nhưng đến mùa mưa nó trở lên hung dữ khôn lường, sẵn sàng cuốn phăng mọi thứ,  kể cả 5 gian nhà gỗ mà các thầy cô và các chiến sĩ bộ đội mất cao công sức mới dựng lên.

Rồi tin vui đã đến, mới đây Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Vương Văn Thành đã thông báo đến bà con hai huyện huyện Sìn Hồ, Mường Tè: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo trong cả nước, đã ký kết thoải thuận với tỉnh Lai Châu  hỗ trợ gần 200 tỷ đồng, để phát triển kinh tế - xã hội nhằm xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào hai hai huyện này từ nay đến năm 2020.

Những đứa trẻ chưa từng được ăn kẹo - 3
Tương lai của các em gái  người Mảng rồi sẽ tốt đẹp hơn
 
Về mảng Giáo dục, ngay trong tháng 10 Tập đoàn này bắt đầu rót về khoản hỗ trợ 22 tỷ đồng để xây dựng nhà bán trú dân nuôi thật kiên cố chắc chắn. Trường Nậm Ban sẽ được nhanh chóng xây dựng khu dân nuôi khang trang như mong ước bấy lâu của thầy trò.

Ngoài ra, 11 tỷ nữa được dành để hỗ trợ tiền ăn cho các em học sinh  dân tộc Mảng và La Hủ. Riêng học sinh THCS người Mảng sẽ được hỗ trợ tiền ăn hàng tháng trong 10 năm.

"Có được sự hỗ trợ lâu bền từ nay thầy trò không còn phải lo chạy ăn từng kỳ, lại sắp có trường lớp khang trang để học tập, không lo bị mưa lũ cuốn trôi. Lũ trẻ trong bản sẽ yên tâm học cái chữ, tương lai của các em sẽ thay đổi"- Thầy Tuyên phấn khởi khẳng định.

 Thanh Vân