Những dự án khởi nghiệp táo bạo của sinh viên trường ĐH Ngoại thương

Trường Đại học Ngoại thương (ĐHNT) là một trong những trường đại học đi tiên phong trong việc đẩy mạnh hoạt động đổi mới sáng tạo, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên. Với sự hỗ trợ của nhà trường, nhiều sinh viên đã có những dự án khởi nghiệp táo bạo và thành công.

Tự hào là cái nôi khởi nghiệp

Nhà trường hiện đang triển khai nhiều mô hình kết nối hiệu quả như: Mô hình đưa trí thức đến với doanh nghiệp - hợp tác giữa Nhà trường và Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông; Mô hình kết nối nhằm đưa sinh viên đến với doanh nghiệp, đến với thế giới việc làm - hợp tác giữa nhà trường với Tập đoàn Imperial và Đại học Niagra (Hoa Kỳ) trong lĩnh vực Du lịch và Quản lý Khách sạn;

Mô hình hợp tác giữa nhà trường với ACCA (UK) trong đào tạo ngành Kế toán, Kiểm toán; Mô hình hợp tác giữa nhà trường với Công ty Miami Fuji (Nhật Bản) trong tạo dựng mô hình và phương thức đào tạo thực tế về quản lý cho sinh viên, Mô hình hợp tác với các doanh nghiệp và các trường đại học của Nhật Bản trong đào tạo cử nhân kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản...


PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương

PGS.TS Bùi Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Ngoại thương

Đặc biệt, các hoạt động khởi nghiệp cho sinh viên đã được Nhà trường triển khai dưới hình thức các cuộc thi, ví dụ như Khởi Nghiệp cùng Kawai, FBA Innovation Challenge, IPChallenge, I-invest, Bản lĩnh Marketer, Cuộc thi khởi nghiệp dành cho các bạn trẻ khối Pháp ngữ… Trong số đó, nổi bật nhất phải kể tới cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai”.

Tự hào là cái nôi đầu tiên tổ chức một cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp cho sinh viên từ năm 2006, cuộc thi “Khởi nghiệp cùng Kawai” do Câu lạc bộ Nhà doanh nghiệp tương lai (TEC) tổ chức đã đi được chặng đường 12 năm và gây được tiếng vang lớn trong cộng đồng doanh nghiệp trẻ. Điểm đặc biệt của cuộc thi là từ ý tưởng cho đến thực hiện đều là do những sinh viên trường ĐHNT trẻ trung, năng động với những ý tưởng táo bạo đảm nhận.

Gần đây, sinh viên trường ĐHNT đang có xu hướng kết hợp, hợp tác mạnh mẽ với sinh viên của một số trường đại học kỹ thuật và mỹ thuật để thiết kế và thực thi các ý tưởng chung, tham gia vào cuộc thi.

Trái ngọt của cuộc thi là những dự án kinh doanh từ trên giấy đã đi vào thực tiễn và đang ngày càng khẳng định vị thế, vai trò của mình như là một hình mẫu cho doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, có thể kể đến như Công ty Truyền thông và Sáng tạo Rio Việt Nam; Thương hiệu thiệpBlueAngel; Trang tin tức tổng hợp Kenh14.vn; Kênh thông tin tuyển dụng Ybox.vn; Mỹ thuật bụi; Mũ bảo hiểm thông minh Mubahi; Website chia sẻ thiết kế Design Bold; Phần mềm luyện nói tiếng Anh Elsa; Công ty cổ phần Vật giá VNP; Trang tin tìm kiếm giúp việcGiupviec.vn…

Trưởng thành từ các cuộc thi ý tưởng kinh doanh, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp của sinh viên trường ĐHNT đã tự đứng vững trên đôi chân của mình và đang ngày càng khẳng định vị thế cũng như thương hiệu trên trường kinh doanh.Trong số các dự án kể trên, điển hình nhất có thể kể đến dự án khởi nghiệp Design Bold của CEO trẻ Đinh Việt Hùng, dự án Phần mềm luyện nói tiếng Anh có tên gọi Elsa của 2 cô gái là cựu sinh viên Ngoại thương Văn Đinh Hồng Vũ và Ngô Thùy Ngọc Tú.


Sinh viên Ngoại thương đạt giải cao trong chương trình khởi nghiệp Kawai

Sinh viên Ngoại thương đạt giải cao trong chương trình khởi nghiệp Kawai

Design Bold là một công cụ thiết kế giúp người dùng có thể tự thiết kế các loại ấn phẩm với thao tác cực kì đơn giản, chính vì vậy đã gây “bão” cộng đồng thiết kế Việt Nam và thế giới trong thời gian qua. Sản phẩm này còn hỗ trợ khách hàng có thể in ngay tùy thuộc vào từng thiết kế.

Nền tảng này có thể rút ngắn thời gian hoàn thành một bản thiết kế trung bình khoảng 6 lần so với công cụ bình thường hoặc nhờ đến thiết kế viên. Hiện sản phẩm này đang được phát triển ở Mỹ - một thị trường rộng lớn và tiềm năng nhất thế giới.

Phần mềm luyện nói tiếng Anh có tên gọi Elsa cũng là một trong những hiện tượng khởi nghiệp có tiếng vang trên thị trường quốc tế. Elsa được thành lập vào năm 2015, dự án có mục tiêu là ứng dụng các tiến bộ mới nhất trong công nghệ nhận dạng giọng nói để giúp đỡ mọi người phát âm tiếng Anh đúng chuẩn.

Thông qua công nghệ học máy (Machine Learning) do công ty tự phát triển, hệ thống của Elsa có thể tự động phân tích được từng âm một để giúp người học có thể biết chính xác họ đang bị sai ở âm nào, và được chỉ dẫn cụ thể để phát âm đúng.

Thành lập Trung tâm Không gian Sáng tạo và Ươm tạo FTU

Làm nên được những thành công bước đầu đó, Nhà trường luôn hoan nghênh những ý tưởng khởi nghiệp táo bạo của sinh viên, tạo điều kiện cả về mặt tư vấn ý tưởng, đào tạo chuyên môn cho đến hỗ trợ tài chính đế các dự án khởi nghiệp được phát huy và triển khai trong thực tiễn.

Các cuộc thi khởi nghiệp của sinh viên luôn được lãnh đạo nhà trường dành sự quan tâm đặc biệt. Trường ĐHNT là một trong số ít trường ở Việt Nam đã xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ sinh viên trong đó quan tâm đến hỗ trợ cho gần 70 câu lạc bộ sinh viên hoạt động và tài trợ cho các dự án đề xuất có chất lượng từ các câu lạc bộ của sinh viên.

Mới đây, trường Đại học Ngoại thương đã chính thức thành lập Trung tâm Không gian Sáng tạo và Ươm tạo FTU (FIIS) nhằm thúc đẩy hoạt động sáng tạo và ươm tạo doanh nghiệp trong các lĩnh vực phù hợp với thế mạnh của Đại học Ngoại thương và xu thế phát triển của các trung tâm ươm tạo của các trường đại học trên thế giới. Các hoạt động chính của Trung tâm gồm nghiên cứu, phát triển, đào tạo, ươm tạo và tư vấn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Hoạt động đầu tiên của Trung tâm là phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), Công ty VNG, IBE đã cho ra mắt Kênh ươm tạo sáng kiến xã hội SOIN. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ dự án "Nền tảng ươm mầm Đổi mới Sáng tạo xã hội" được IPP tài trợ.

Là một hệ sinh thái phát triển cho mạng lưới đổi mới sáng tạo vì cộng đồng, SOIN giúp người dùng tiếp cận kho kiến thức phong phú về đổi mới xã hội và mạng lưới các nhà tư vấn giàu kinh nghiệm từ nhiều lĩnh vực và nhiều cơ hội để kết nối đầu tư, cùng sáng tạo. Bên cạnh hoạt động đào tạo, các chuyên gia của SOIN sẽ cố vấn, hỗ trợ các ý tưởng để triển khai trong thực tiễn. Trong tương lai, Nhà trường sẽ triển khai nhiều hơn nữa hoạt động hỗ trợ các dự án khởi nghiệp có ý nghĩa xã hội lớn, có sức lan tỏa sâu rộng.

Tiếp nối nhiệt huyết của "năm quốc gia khởi nghiệp" mà Thủ tướng phát động, trường ĐHNT sẽ đóng vai trò tiên phong nhằm khơi dậy hơn nữa ngọn lửa nhiệt huyết khởi nghiệp, tiềm năng sáng tạo, tinh thần doanh nhân trong mỗi sinh viên của trường Đại học Ngoại thương.