Chương trình giáo dục phổ thông mới sau năm 2015:

Những điểm mới trong lĩnh vực giáo dục Ngôn ngữ và Văn học

(Dân trí) - Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ đưa giáo dục ngôn ngữ vào giảng dạy cho học sinh. Lĩnh vực học này bao gồm các môn học cốt lõi là Tiếng Việt/Ngữ văn, Ngoại ngữ và Tiếng dân tộc. Vậy chương trình mới này có ý nghĩa như thế nào? Sẽ được dạy ra sao? Học sinh được thụ hưởng những gì ở chương trình mới này…?

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS TS Nguyễn Thành Thi, trường ĐH Sư phạm TP. HCM về vấn đề này.

Những điểm mới trong lĩnh vực giáo dục Ngôn ngữ và Văn học - 1

PGS TS Nguyễn Thành Thi

Được biết, trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ có lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ bao gồm các môn học cốt lõi là Tiếng Việt/Ngữ văn, Ngoại ngữ và Tiếng dân tộc. Vậy mục tiêu của Giáo dục ngôn ngữ là gì, học sinh được thụ hưởng những gì ở chương trình mới này, thưa ông?

Giáo dục ngôn ngữ là lĩnh vực giáo dục gồm các môn học vừa mang tính công cụ (ngữ), vừa mang tính đặc thù (văn) hướng đến thực hiện mục tiêu phát triển năng lực giao tiếp, năng lực thẩm mỹ và phát triển các phẩm chất nhân văn cho học sinh.

Đây là lĩnh vực phải đặc biệt coi trọng phát triển đồng thời cho người học năng giao tiếp (giao tiếp bằng Tiếng Việt và bằng ngoại ngữ/ tiếng dân tộc mà HS được học) và năng lực cảm thụ thẩm mỹ qua văn học và qua trải nghiệm văn hóa giao tiếp.

Chương trình giáo dục phổ thông mới là giáo dục phát triển con người toàn diện “đức, trí, thể, mỹ”. Do vậy, cùng với việc phát triển năng lực, lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ góp phần hình thành, phát triển ở học sinh các phẩm chất chủ yếu như: Sống yêu thương, Sống tự chủ và Sống trách nhiệm,...

Theo đó, lĩnh vực giáo dục này giúp học sinh hình thành và phát triển các năng lực chung trong giáo dục phổ thông như năng lực giao tiếp, năng lực tư duy và sáng tạo, năng lực thẩm mỹ, năng lực cảm thụ văn học và những phẩm chất tâm hồn trong sáng, cao đẹp, những quan niệm sống và phép ứng xử nhân văn; giúp học sinh nhận biết được ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng và công cụ tư duy của con người, là công cụ để học tốt tất cả các môn học, từ đó có ý thức trau dồi ngôn ngữ.

Giáo dục ngôn ngữ giúp học sinh sử dụng ngôn ngữ tự nhiên như tiếng Việt, ngoại ngữ, tiếng dân tộc, đồng thời biết sử dụng hệ thống các biểu tượng, ký hiệu, công thức, biểu thức, sơ đồ, đồ thị, bảng biểu, biểu thị động tác cơ thể,... trong các lĩnh vực giáo dục khác như Toán, Khoa học tự nhiên, Khoa học Xã hội, Nghệ thuật, Thể chất,...

Giáo dục ngôn ngữ được thực hiện ở tất cả các môn học, trong đó Tiếng Việt - Ngữ văn, Ngoại ngữ 1, Ngoại ngữ 2 và Tiếng dân tộc là những môn học cốt lõi.

Có 2 dạng môn học: Bắt buộc và tự chọn

Ông giải thích rõ, các môn học được bố cục như thế nào? Học sinh được học ra sao? Triển khai dạy từ lớp mấy?

Tiếng Việt - Ngữ văn là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Chương trình phổ thông mới sẽ có hai dạng môn học: bắt buộc và tự chọn. Trong số các môn học bắt buộc, có môn Ngữ văn.

Nội dung cốt lõi của môn học bao gồm các mạch kiến thức và kỹ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Việt và văn học; phù hợp với lứa tuổi và các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học. Cũng như các môn học, lĩnh vực giáo dục khác, Tiếng Việt - Ngữ văn được thực hiện theo hai giai đoạn: giáo dục cơ bản và giáo dục định hướng nghề nghiệp.

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản: Môn học này có tên là Tiếng Việt ở cấp tiểu học và Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở. Kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh có thể sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày và học tập tốt các môn học khác; có thể đọc, viết, nói và nghe các dạng văn bản phổ biến và thiết yếu, phù hợp với trình độ và lứa tuổi; đồng thời thông qua nội dung văn học và tiếng Việt để giáo dục phẩm chất, nhân cách học sinh.

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh được phát triển và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt trong các hoạt động học tập và thực tiễn đời sống; đồng thời được tiếp cận với một số nội dung học tập có liên quan đến định hướng nghề nghiệp, đáp ứng sở thích và nhu cầu học tập của mỗi người.

Môn Ngữ văn được tổ chức thành hai phần: bắt buộc và tự chọn. Phần bắt buộc có tên là Ngữ văn 1, tiếp nối các mạch nội dung đã học từ giai đoạn trước. Phần tự chọn (TC2) có tên là Ngữ văn 2, gồm các phân môn Văn học, Luyện đọc và Luyện viết.

Việc đánh giá kết quả học tập sẽ phải căn cứ vào chuẩn cần đạt của môn học đối với từng lớp học, cấp học; tập trung vào đánh giá năng lực giao tiếp – đọc, viết, nói, nghe – qua đó, đánh giá năng lực tư duy. Tinh thần chung là hạn chế kiểm tra khả năng ghi nhớ máy móc, khuyến khích những suy nghĩ độc lập, sáng tạo.

Đối với môn ngoại ngữ, hiện nay, ngoại ngữ 1 là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12; Ngoại ngữ 2 là môn học TC1, có thể bắt đầu và kết thúc học ở bất kỳ lớp nào trong các lớp từ 3 đến 12 tuỳ theo nhu cầu của học sinh và khả năng đáp ứng của nhà trường.

Nội dung được thiết kế nhằm phát triển cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết theo các mức khác nhau, dựa theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (tham chiếu khung năng lực ngoại ngữ của châu Âu); chương trình được xây dựng liền mạch từ giai đoạn giáo dục cơ bản lên đến hết giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (hết lớp 12).

Còn Tiếng dân tộc là môn học TC1, có thể bắt đầu và kết thúc học ở bất kỳ lớp nào trong giai đoạn từ lớp 3 đến lớp 9.

Hai mục tiêu của bộ môn – phát triển năng lực giao tiếp và phát triển năng lực cảm thụ thẩm mỹ (qua văn học) – được thực hiện đồng thời, dựa trên văn bản/hệ thống văn bản chung. Theo đó, kết quả phát triển năng lực giao tiếp sẽ là điều kiện, cơ sở để phát triển năng lực cảm thụ, thưởng thức văn học - nghệ thuật.

Đây có thể xem là bước chuyển quan trọng trong tư duy, chiến lược giáo dục, hứa hẹn những đổi mới quan trọng, sâu sắc trong dạy học Ngữ văn.

 


Chương trình mới yêu cầu học sinh bậc THCS phải biết phản hồi những văn bản đã đọc một cách tương đối hiệu quả

Chương trình mới yêu cầu học sinh bậc THCS phải biết phản hồi những văn bản đã đọc một cách tương đối hiệu quả

Coi trọng phát triển năng lực đọc

Biểu hiện của năng lực giao tiếp và yêu cầu phát triển năng lực của học sinh dựa trên các chuẩn như thế nào thưa ông?

Năng lực giao tiếp là một tổng hòa các năng lực đọc, viết, nói, nghe. Theo trục phát triển, có thể xác lập ba bậc/cấp độ tương ứng với ba bậc học (Tiểu học, THCS, THPT).

Ví dụ, yêu cầu và biểu hiện năng lực đọc thì ở bậc Tiểu học phải “đọc trôi chảy và đúng ngữ điệu”; “đọc hiểu bài đọc ngắn về các chủ đề quen thuộc, phù hợp với tâm lí lứa tuổi”; “bước đầu biết phản hồi các văn bản đã học”…

Bậc THCS phải “đọc lưu loát và đúng ngữ điệu”; “đọc hiểu nội dung chính và chi tiết các bài đọc có độ dài vừa phải, phù hợp với tâm lí lứa tuổi”; “phản hồi những văn bản đã đọc một cách tương đối hiệu quả”; “bước đầu có ý thức tìm tòi, mở rộng phạm vi đọc”…

Bậc THPT, học sinh “đọc rất lưu loát và đúng ngữ điệu”; “đọc hiểu các văn bản phức tạp trong chương trình học và đời sống, phù hợp với tâm lí lứa tuổi”; “phản hồi một cách tích cực và hiệu quả những nội dung đã đọc”; “luôn có ý thức tìm tòi, mở rộng phạm vi đọc”…

Ở Việt Nam lâu nay, đọc, viết, nói và nghe là kĩ năng; văn học và tiếng Việt là kiến thức. Trong chương trình mới (dự thảo), tất cả gắn với năng lực. Năng lực phải được tính đến ngay từ khi thiết kế chương trình, soạn SGK; không dạy cho HS kiến thức, kĩ năng tách biệt.

Trong chương trình dự thảo, đọc, viết, nói và nghe dĩ nhiên đều quan trọng, song cũng phải thấy rằng năng lực đọc là nền tảng tích lũy kiến thức và kĩ năng, nền tảng hình thành năng lực tự học, nền tảng để viết, nói và nghe. Vậy cần phải đổi mới trước hết việc dạy học đọc (lâu nay thường gọi là “đọc hiểu”).

Liệu chương trình ngữ văn mới có đánh mất đặc trưng của một bộ môn giáo dục thẩm mỹ văn chương hay không, thưa ông?

Có thể khẳng định rằng không. Vì nhiều lý do, ví dụ: Phát triển năng lực cảm thụ vẫn là một trong hai mục tiêu của môn Ngữ văn; các tri thức về ngữ học được đưa vào chương trình sẽ thiết thực hơn, thú vị hơn, không hề lấn át văn học mà nhằm cung cấp tri thức nền cần và đủ cho việc phát triển năng lực giao tiếp trong đó có năng lực đọc văn, viết văn, cũng như cần thiết cho việc phát triển năng lực cảm thụ thẩm mỹ.

Ngữ liệu văn bản được chọn, kể cả văn bản thông tin, phải là văn bản hay, có giá trị cao, tạo hứng thú cho người dạy và người học. Hiệu quả giáo dục ngôn ngữ phát triển đồng thời với giáo dục văn hóa thẩm mỹ.

Nếu triển khai thực hiện tốt sẽ tạo được hiệu quả giáo dục ngôn ngữ (bao gồm ngữ văn) nhiều mặt, trong đó có mục tiêu phát triển năng lực cảm thụ thẩm mỹ.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)