Những điểm mới nhất về quy định mở ngành đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ

Nhật Hồng

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT, quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Theo đó, Thông tư này có 12 điểm mới so với quy định cũ. Cụ thể, theo quy định cũ, việc mở ngành đào tạo các trình độ của GDĐH được điều chỉnh bởi hai Thông tư (Thông tư số 09/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ và Thông tư số 22/2017/TT-BGDĐT ngày 6/9/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo và đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học).

Những điểm mới nhất về quy định mở ngành đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ - 1

Theo đó, các quy định về mở ngành tại Thông tư mới được điều chỉnh, bổ sung bảo đảm thống nhất với các quy định của Luật Giáo dục đại học đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018...

Thông tư mới đã có các quy định bổ sung và làm rõ hơn một số khái niệm liên quan quy định tại Thông tư để bảo đảm việc thực hiện được thống nhất và minh bạch như: Khái niệm về ngành phù hợp; Chuyên môn phù hợp; Ngành đào tạo; Nhóm ngành đào tạo; Lĩnh vực đào tạo; Giảng viên toàn thời gian; Giảng viên thỉnh giảng; Ngành đặc thù thuộc lĩnh vực Nghệ thuật; Nhóm ngành Đào tạo giáo;  Ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe; Ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Pháp luật; Thành phần của chương trình đào tạo và các khái niệm khác có liên quan để bảo đảm việc thực hiện được thống nhất trên cả nước.

Điều kiện về đội ngũ giảng viên khi mở ngành đào tạo đã có quy định bổ sung và làm rõ về điều kiện giảng viên phải đảm bảo đầy đủ cho cả khóa đào tạo đối với việc mở ngành trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ khi nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.

Thông tư nêu rõ: Đối với mở ngành trình độ đại học yêu cầu phải bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo tối thiểu đầy đủ cho 02 năm học đầu của chương trình đào tạo và phải có kế hoạch, phương án tuyển dụng, phát triển đội ngũ giảng viên cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để từ năm học thứ 3 chậm nhất trước 01 năm tính đến thời điểm bắt đầu diễn ra năm học mới phải bảo đảm về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên để thực hiện chương trình đào tạo cho từng năm học và khóa học.

Đối với lĩnh vực Sức khỏe, lĩnh vực Pháp luật và nhóm ngành Đào tạo giáo viên yêu cầu phải có đầy đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên theo quy định khi nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.

Điều kiện về cơ sở vật chất khi mở ngành đào tạo đã quy định phải đảm bảo đầy đủ cho cả khóa đào tạo đối với mở ngành trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ khi nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.

Đối với mở ngành trình độ đại học yêu cầu phải bảo đảm tối thiểu đầy đủ cho 02 năm học đầu của chương trình đào tạo, và phải có kế hoạch, phương án đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị cho các năm học tiếp theo của toàn khóa học để từ năm học thứ 3 chậm nhất trước 01 năm tính đến thời điểm bắt đầu diễn ra năm học mới phải bảo đảm có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất theo yêu cầu của chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học, trong đó phải có kế hoạch cụ thể về phòng học, phòng thí nghiệm, thực hành với diện tích và các thiết bị cụ thể của từng phòng thí nghiệm, thực hành phù hợp với số lượng sinh viên thực hành, thí nghiệm tại mỗi bàn và mỗi thiết bị trong mỗi phòng thí nghiệm, phòng thực hành và phù hợp với quy mô đào tạo theo yêu cầu của chương trình đào tạo cho từng năm học của khóa học và phải có cam kết trong đề án mở ngành đào tạo.

Đối với lĩnh vực Sức khỏe, lĩnh vực Pháp luật và nhóm ngành Đào tạo giáo viên yêu cầu phải có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất theo quy định khi nộp hồ sơ đề nghị mở ngành đào tạo.

Ngoài ra, Thông tư mới đã có các quy định cụ thể về điều kiện phải có đơn vị chuyên môn cấp khoa hoặc tương đương để quản lý các hoạt động chuyên môn, giảng viên, người học và các nhiệm vụ quản lý khác đối với ngành đào tạo dự kiến mở; quy định về việc cơ sở đào tạo phải đáp ứng các yêu cầu, điều kiện tối thiểu theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo để sẵn sàng chuyển sang dạy - học trực tuyến, bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định, ngoài các điều kiện khác như: tên ngành đào tạo, nhu cầu nhân lực, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, thư viện và các điều kiện khác có liên quan.

Tăng cường siết chặt

Thông tư mới đã bổ sung quy định để mở ngành cơ sở đào tạo phải xây dựng, đề xuất và phê duyệt chủ trương mở ngành đào tạo (do Hội đồng trường phê duyệt và chịu trách nhiệm về định hướng phát triển mở ngành mới bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, định hướng phát triển của cơ sở đào tạo, bảo đảm phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực của các Bộ, ngành, địa phương, cả nước và đảm hội nhập quốc tế; bảo đảm nguồn lực để triển khai đề án mở ngành đào tạo đạt hiệu quả; Thẩm định về dự báo rủi ro, các giải pháp ngăn ngừa đề phòng rủi ro và cách thức giải quyết trong trường hợp xảy ra rủi ro khi mở ngành đào tạo).

Đồng thời bổ sung quy định để mở ngành cơ sở đào tạo phải xây dựng đề án mở ngành đào tạo, gồm các nội dung của đề án, các bước xây dựng đề án mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo do hiệu trưởng chỉ đạo xây dựng và chịu trách nhiệm về điều kiện, trình tự, thủ tục để được mở ngành đào tạo theo quy định tại Thông tư này, quy định của cơ sở đào tạo và các quy định hiện hành khác có liên quan của pháp luật.

Ngoài ra, thông tư mới bổ sung quy định và làm rõ quy định về việc phê duyệt đề án và quyết định mở ngành đào tạo đối với các trường hợp cụ thể: cơ sở đào tạo có đủ điều kiện để được tự chủ mở ngành theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các quy định của pháp luật hiện hành; cơ sở đào tạo là các đơn vị thành viên, đơn vị trực thuộc và thuộc các đại học; cơ sở đào tạo chưa đủ điều kiện để được tự chủ mở ngành (trừ các đơn vị thuộc các đại học); các cơ sở đào tạo vi phạm quy định đến mức không được tự chủ mở ngành đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các quy định của pháp luật hiện hành và đối với các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực khoa học Sức khỏe, nhóm ngành Đào tạo giáo viên, lĩnh vực An ninh, quốc phòng.

Thông tư cũng đã có quy định cụ thể về các trường hợp cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động ngành đào tạo của cơ sở đào tạo cho phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018, Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được sửa đổi, bổ sung năm 2018 và các quy định hiện hành của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục) và các quy định về việc cho phép hoạt động ngành đào tạo trở lại...

Như vậy, Thông tư mới thống nhất quy định chung về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động ngành đào tạo của các trình độ của giáo dục đại học (trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ), thay thế cho 2 Thông tư cũ (Thông tư số 09 và Thông tư số 22), đảm bảo quy định thống nhất và đồng bộ việc mở ngành đào tạo các trình độ của giáo dục đại học.

Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT, quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ xem TẠI ĐÂY.