Bình Định:

Những cô giáo trẻ gieo yêu thương giữa núi rừng

(Dân trí) - Nói về gian khổ thì những nữ giáo viên trẻ bám bản ở vùng núi Bình Định chẳng thể bì với thầy cô ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Song, nếu chẳng yêu nghề, không dám hy sinh, các cô sẽ chẳng chọn con đường cõng chữ, gieo yêu thương giữa núi rừng.

Nhiệt huyết tuổi trẻ

Có dịp đi và trò chuyện với nhiều thầy cô giáo, nhất là những cô giáo trẻ giảng dạy ở vùng cao, tôi càng thêm kính trọng họ hơn. Bởi các cô không chỉ gieo chữ cho học trò mà còn gieo cả yêu thương. Với các cô, hạnh phúc nhất có lẽ là mỗi ngày được đứng trên bục giảng, được thấy những đôi mắt trong veo, sáng ngời hạnh phúc của bao lớp học trò.

Những cô giáo trẻ gieo yêu thương giữa núi rừng - 1

Với giáo viên trẻ Trương Thị Mỹ Hà, niềm vui mỗi ngày là được dạy dỗ các em học sinh người đồng bào dân tộc ở xã vùng cao Canh Liên (huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định).

Ở Bình Định, nhiều giáo viên ở vùng cao là nữ, trong đó nhiều cô giáo chỉ mới ở độ tuổi từ 23 - 30 tuổi. Có những cô chưa chồng, có cô thì chồng con ở xa nên nỗi nhớ nhà là điều không thể tránh khỏi. Đó là chưa kể, nơi ở của rất nhiều thầy cô ở cách xa trung tâm xã, thị trấn, đường đi cách trở đôi khi đi bộ 3-4 tiếng mới đến điểm trường.

Những nơi hẻo lánh như thế, nước máy, điện, internet là thứ xa xỉ nên lại càng buồn. Song, cực nhất vẫn là những nơi chưa có điện, thức ăn không bảo quản được lâu, thầy cô thường phải ăn thực phẩm khô đem từ dưới xuôi lên là chính.

Tại Trường Tiểu học Canh Liên (xã Canh Liên, huyện Vân Canh), có trên 30 giáo viên nhưng mỗi người mỗi quê. Có người ở tận huyện An Lão, cách hơn 100km, người ở huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn, Tuy Phước và cả TP Quy Nhơn.

Điểm đặc biệt, ngôi trường này 100% học sinh là người đồng bào dân tộc Bana, cộng với cuộc còn nhiều thiếu thốn nên để đến được với cái chữ, học sinh ở đây phải vượt qua muôn vàn khó khăn.

Chính vì lẽ đó, điểm chung của các thầy cô giáo nơi này là lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề và dám hy sinh để yêu thương học trò, thậm chí yêu học trò hơn cả bản thân mình.

Những cô giáo trẻ gieo yêu thương giữa núi rừng - 2
29 giáo viên, giảng viên trẻ tiêu biểu năm 2019 tỉnh Bình Định được Tỉnh đoàn vinh danh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.

Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Bích Ly (24 tuổi, quê ở huyện Phù Mỹ, Bình Định), giáo viên Trường Tiểu học Canh Liên cho biết, điểm trường Kà Bông là 1 trong 4 làng ở xã Canh Liên chưa có điện nên sinh hoạt còn thiếu thốn, khó khăn. Do vậy, gần 2 năm về trường dạy học, cô Ly cùng các thầy cô khác thường ăn cá mặn là chính.

“Thời gian đầu là thử thách lớn với tôi, nhưng khi đã quen thì lại thấy thương học sinh, thương nơi này, chúng tôi càng có động lực hơn. Nghe có vẻ mình “làm màu”, nhưng thực sự là vậy. Người dân và các em học sinh ở đây thương cô giáo như người thân”, cô Ly chia sẻ.

Tất cả vì học sinh đồng bào

Cũng dạy học tại Trường Tiểu học Canh Liên, cô giáo trẻ Trương Thị Mỹ Hà (25 tuổi) là một người như thế. Cô Hà cho biết, trường có 7 điểm trường, mỗi điểm cách nhau từ 15 - 20 phút đi xe máy, nên cũng khá vất vả, nhất là với những giáo viên nữ như cô.

Những cô giáo trẻ gieo yêu thương giữa núi rừng - 3
Giáo viên trẻ Trương Thị Mỹ Hà (áo hồng) chia sẻ đến mọi người về những kỷ niệm, trăn trở về nghề, vì sự nghiệp gieo chữ ở vùng cao.

Sau khi tốt nghiệp Trường CĐ Bình Định, ngành Sư phạm Giáo dục Tiểu học, cô Hà xin về trường giảng dạy. Sau 3 năm gắn bó với ngôi trường này, bao kỷ niệm buồn vui có cả, song với cô Hà, điều cốt lõi nhất là truyền cảm hứng học tập đến với các em học sinh đồng bào Bana.

“Các em không được lựa chọn nơi mình sinh ra, nhưng các em được chọn thực hiện ước mơ của mình. Chúng tôi phải là người giúp các em thực hiện ước mơ đó”, giáo viên trẻ Hà tâm sự.

Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ với học trò nơi này, cô Hà nói: “Các em ở đây đáng yêu lắm! Có lần tôi bị sốt siêu vi nằm viện cả 1 tuần, lúc đó cảm giác nhớ trường lớp, nhớ học trò.

Trong tuần tôi nằm bệnh viện, các em ở trường tự tay làm bình hoa bằng giấy, tô màu rất đẹp. Khi tôi trở lại trường dạy, các em hỏi thăm sức khỏe và đem bình hoa giấy tặng cô. Trong tôi khi đó suy nghĩ, có lẽ mình đã không chọn sai con đường”.

Còn cô Phạm Thị Nhã Vi (giáo viên cùng Trường Tiểu học Can Liên), cứ vào buổi học, thấy bất kể một học sinh nào vắng mặt cô đều tìm đến tận nhà để tìm hiểu nguyên do.

“Có lần có học sinh vắng mặt nên tôi tìm đến tận nhà mới biết em bị sốt nhẹ. Nhưng khi đó nhà em đang có chuyện không vui, nên tôi đưa em đến lớp để học và mua thuốc cho em uống.

Chỉ cần nghỉ học vài ngày là các em sẽ theo đà nghỉ học luôn. Cho nên những lúc rảnh, tôi thường đến nhà các em thăm chơi, thấy các em khổ mình càng thương hơn”, cô Vi nói.

Quan tâm đến giáo viên vùng cao nhiều hơn

Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, trong chuyến thăm Trường Tiểu học Canh Liên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, để giáo viên vùng cao yên tâm đứng lớp, sắp tới tỉnh sẽ có một số chương trình hỗ trợ cho những xã vùng sâu vùng xa như: kéo điện lưới cho các làng còn lại; giao Sở GD&ÐT thống kê các điểm trường còn thiếu nhà công vụ để có chương trình đầu tư xây dựng bổ sung; xây dựng cơ chế luân chuyển giáo viên sau thời gian công tác có nguyện vọng về quê. Ðối với những giáo viên muốn gắn bó lâu dài phải giải quyết nhu cầu đất để thầy cô xây nhà, an cư lạc nghiệp.

Doãn Công